Nửa thế kỷ Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô: Việc đã thành kể sao cho hết

Sáng 11/10/2019, Viện Công nghiệp giấy và Xenluylô (RIPPI) tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, đánh dấu mốc quan trọng nửa thế kỷ với các thành tựu tự hào, đóng góp vào sự phát triển, lớn mạnh của ngành Giấy và Xenluylô

Viện Công nghiệp giấy và Xenluylô được thành lập ngày 5/2/1969 – theo quyết định số 24/CP của Hội đồng Chính phủ, trụ sở đầu tiên được đặt tại Xí nghiệp Giấy Dân Việt - Hợp tác xã Giấy Đông Thành (Làng Bưởi).

Năm 1970, RIPPI chuyển về Thành phố Việt Trì. Để đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN của ngành, năm 1991, Viện tiếp tục được điều chuyển về Hà Nội tại số 59, Vũ Trọng Phụng.

Được đầu tư xây dựng các phòng nghiên cứu, kiểm định, phân tích và xưởng thực nghiệm với trang thiết bị khá hiện đại và đầy đủ.

Với kinh nghiệm và năng lực sẵn có, khả năng sáng tạo và sự tận tâm của đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, các kỹ thuật viên có trình độ tay nghề vững vàng qua các thời kì, RIPPI luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và mở rộng các lĩnh vực ngành nghề để ngày càng phát triển, trở thành đối tác tin cậy của các đơn vị và doanh nghiệp.

Tại Lễ Kỷ niệm, TS Đặng Văn Sơn, Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô xúc động chia sẻ: “Với vai trò là đơn vị hàng đầu và duy nhất của cả nước nghiên cứu về giấy và xenluylô, trong những năm qua, Viện luôn quan tâm chú trọng vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài đã được triển khai ứng dụng vào thực tiễn".

Ngoài ra, RIPPI còn thực hiện công tác tư vấn và dịch vụ khoa học công nghệ, kiểm định chất lượng nguyên liệu, sản phẩm cũng như sản xuất kinh doanh ngành giấy.

Hiện nay, Viện là một trong số ít các đơn vị của cả nước có Trung tâm Phân tích và Kiểm định được Bộ Khoa học công nghệ công nhận là Tổ chức giám định phù hợp với các tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 và ISO/IEC 17020:2012 chứng nhận đủ điều kiện kiểm định chất lượng nguyên liệu, sản phẩm ngành giấy.

hợp tác đào tạo
Viện cũng có nhiều hoạt động hợp tác, nghiên cứu và đào tạo trong nước về lĩnh vực giấy, công nghệ sản xuất giấy, bột giấy...

Ghi nhận, chúc mừng những thành tựu của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đạt được trong nửa thế kỷ qua, tham dự buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định: “Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất trang thiết bị đã cũ, số lượng đầu tư mới còn ít, song bằng nội lực cùng với sự quan tâm của Bộ ban ngành, Viện đã từng bước ổn định, các lĩnh vực hoạt động của Viện được mở rộng, doanh thu ngành càng tăng. Sau gần 3 năm chuyển về Bộ Công Thương về cơ bản Viện đã tự chủ được 100% về tài chính”.

giấy bao bì
Đặc biệt bằng trí tuệ của các nhà khoa học Việt, RIPPI đã nghiên cứu và sản xuất thành công giấy in nhiệt, giấy bảo mật, giấy bao gói thực phẩm và một số giấy cao cấp khác đáp ứng cho nhu cầu an ninh quốc phòng. Ảnh minh họa

Để RIPPI tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong các năm tiếp theo và tiếp nối truyền thống tự hào của mình, Thứ trưởng Hưng đề nghị Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô thực hiện quyết liệt các giải pháp: Tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho KH&CN, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực KHCN cao để có thể tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới phục vụ sản xuất; Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của sản xuất để phát triển Ngành... Nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng chức năng, đầu tư vào các sản phẩm giấy có giá trị kinh tế cao.

Viện nhận cờ thi đua
Tại Lễ Kỷ niệm, Viện Công nghiệp và Xenluylô vinh dự được Bộ Công Thương trao tặng Cờ thi đua vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác trong năm 2018 của Ngành Công Thương.

Đến nay, RIPPI đã có nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học nổi bật, trong đó phải kể đến: Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy xeo giấy lưới nghiêng để sản xuất giấy từ nguyên liệu bột sợi dài; Nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy in văn bằng, chứng chỉ; Nghiên cứu ứng dụng enzyme để tẩy mực trong xử lý giấy tái chế; Nghiên cứu sử dụng nấm mục trắng để sản xuất bột giấy sinh học từ rơm rạ và bã mía; Nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy nến dùng cho bao gói công nghiệp; Hoàn thiện nhiều công nghệ, thiết bị phục vụ nhu cầu bức thiết (thiết bị sản xuất giấy Bảo An; thiết bị sản xuất giấy in độ trắng thấp; thiết bị sản xuất giấy in giản đồ; thiết bị sản xuất giấy chống thấm dầu mỡ dùng cho bao gói thực phẩm khô…)…

các cá nhân nhận danh hiệu
Bộ Công Thương cũng tặng thưởng Bằng khen và Kỷ niệm chương cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô.

Nửa thế kỷ qua, Viện công nghiệp giấy và Xenluylô đã nhận được nhiều danh hiệu: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bằng khen của Đảng ủy khối công nghiệp Hà Nội và nhiều phần thưởng cao quý do nhà nước, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) trao tặng…

Từ một đơn vị nhỏ bé, đơn sơ, nay đã là một Viện hàng đầu và duy nhất của cả nước nghiên cứu về giấy và xenluylô, kể sao cho hết những khó khăn, thách thức trên hành trình 50 năm ấy.

PVi