Đầu năm 2013, Công ty TNHH Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô bắt tay vào nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy độ trắng thấp (tự nhiên), nhằm đưa nghiên cứu này ứng dụng vào cuộc sống. Ngày 21/8/2013, Công ty đã phối hợp với báo Khoa học và đời sống tổ chức Hội thảo “Sử dụng giấy độ trắng thấp để bảo vệ sức khỏe và môi trường”. Hội thảo đã cung cấp những thông tin bước đầu về các nghiên cứu khoa học quan trọng liên quan đến vấn đề này, đồng thời rung lên tiếng chuông đầu tiên, thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng khoa học và thân thiện với môi trường. Hội thảo bước đầu tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà sản xuất, đại diện người sử dụng sản phẩm tập trung thảo luận, phân tích đánh giá về lợi ích của việc sử dụng giấy độ trắng thấp (tự nhiên).
Giấy có độ trắng quá cao ảnh hưởng đến thị lực
Theo thống kê, hiện nay cả nước có 15% trẻ em trong độ tuổi đi học bị cận thị, thậm chí có nơi tỷ lệ này còn cao hơn. Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Quang - nguyên Phó Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục đã chỉ rằng, độ trắng không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến thị lực mắt của người đọc, người viết, đặc biệt là đối với học sinh, đối tượng có nguy cơ cao, do phải thường xuyên tiếp xúc với sách vở. Sau khi tiến hành nhiều nghiên cứu trên các đối tượng trong độ tuổi đi học (nhất là học sinh tiểu học, mắt đang phát triển) cùng sự hỗ trợ của các bác sỹ của Học viện quân y, TS. Quang đã chỉ ra rằng, độ trắng cao dễ làm cho mắt học sinh bị lóa, đọc lâu dễ mỏi mắt và đây cũng là một trong những nguyên nhân của tật cận thị học đường, (giấy có độ trắng 80,82,84% ISO được sử dụng phổ biến tại nước ta hiện nay là tương đối cao). Nghiên cứu này của TS Quang đồng thời đưa ra thông số về độ trắng của giấy phù hợp với thị lực của mắt người là 73-75% ISO
Nghiên cứu của TS. Nguyễn Đăng Quang cho thấy sự thay đổi của kích thước đồng tử ở mẫu giấy có độ trắng 73-75% ISO là thấp nhấtHóa chất tẩy trắng, tăng trắng trong giấy độ trắng cao ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường
Trên cơ sở các nghiên cứu khoa học, ThS Lê Văn Hiệp - Công ty TNHH Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã nêu, trong sản xuất giấy tại nước ta hiện nay, để tăng độ trắng các nhà sản xuất chủ yếu thực hiện theo hai cách: Tăng độ trắng cho bột đầu vào (sử dụng hóa chất tăng độ trắng của bột); Tăng độ trắng bằng cách sử dụng hóa chất (chất tăng trắng quang học, phẩm màu…). Các hóa chất phổ biến sử dụng trong quá trình tẩy trắng bột giấy tại nước ta hiện nay là: các hợp chất của Clo, CLo Xút… đều là những hóa chất ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Theo nghiên cứu này của ThS Hiệp, độ trắng không phản ánh được chất lượng của giấy, bản chất của nó chỉ là tăng độ tương phản cho giấy, tiêu hao nhiều nguyên liệu, hóa chất. Hơn thế, chất tăng trắng quang học (được sử dụng phổ biến để tăng độ trắng cho giấy) sẽ gây các kích ứng đáng kể với mắt và các vùng da nhạy cảm. Đây là hợp chất rất khó phân hủy, khi tồn tại trong nước có hại cho cá và thủy sinh, được các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng trong các trường hợp không cần thiết. Ngoài ra, nghiên cứu này còn phân tích những lợi ích kinh tế có thể nhìn thấy rõ khi sản xuất và sử dụng giấy có độ trắng thấp và xu hướng sử dụng bột hiệu suất cao (bột cơ học) để sản xuất giấy in, độ trắng không cao như Việt Nam. Nghiên cứu tổng quan này cũng đồng thời đề xuất, Nhà nước cần xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật nhằm khuyến khích sản xuất giấy độ trắng thấp, xây dựng hàng rào thuế quan với giấy in, giấy viết độ trắng cao.
Cùng chủ đề, TS. Cao Văn Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, sau nhiều nghiên cứu kỹ thuật đã đi đến kết luận: Công nghệ và thiết bị phục vụ cho sản xuất giấy độ trắng thấp không thay đổi nhiều so với giấy độ trắng cao. Sự khác biệt ở đây chủ yếu là quá trình sản xuất giấy độ trắng thấp, sử dụng bột độ trắng thấp có độ bền cao hơn và không sử dụng chất tăng trắng quang học, còn sản xuất giấy độ trắng cao sử dụng bột độ trắng cao kết hợp với chất tăng trắng quang học.
Thực tế sản xuất giấy độ trắng thấp tại Tổng công ty Giấy Việt Nam
Trong việc phát triển sản phẩm mới, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đã phối hợp với một số đơn vị nghiên cứu và đưa vào sản xuất thử nghiệm dòng sản phẩm giấy có độ trắng, được cho là thấp (75-76% ISO). Quá trình thử nghiệm, triển khai áp dụng tại Nhà máy Giấy Bãi Bằng, chủ yếu tập trung vào tối ưu hóa các điều kiện của công đoạn tẩy trắng như: nhiệt độ tẩy, nồng độ tẩy, mức dùng các tác nhân tẩy trắng. Điều đặc biệt là từ các số liệu tiêu hao hóa chất thực tế trong quá trình sản xuất tại Bãi Bằng cho thấy, sản xuất giấy độ trắng thấp (76-78% ISO ) tiêu hao các loại hóa chất đều giảm so với bột có độ trắng cao (> 84% ISO), nhất là mức dùng hypoclorit cho sản xuất bột loại này chỉ bằng 38%; mức dùng H202 bằng 73% … Trong sản xuất công nghệ tẩy trắng truyền thống (độ trắng tự nhiên), lượng clo lỏng sẽ giảm, làm giảm các chất thải ô nhiễm phải xử lý. Ngoài ra, độ nhớt của bột giấy có độ trắng thấp cao hơn bột giấy độ trắng cao, vì thế chất lượng giấy sản xuất từ bột độ trắng thấp cũng dai và bền hơn.
Tại Bãi Bằng, trong 6 tháng đầu năm tháng đầu năm 2013, Vinapaco đã tiến hành sản xuất thử nghiệm và đưa ra thị trường trên 2.200 tấn giấy có độ trắng 76% ISO. Theo số liệu thống kê cho thấy việc sản xuất giấy độ trắng thấp có rất nhiều ưu điểm: chi phí về hóa chất và các vật tư chính cần thiết thấp hơn so với sản xuất giấy độ trắng cao (có thể tiết giảm được 700.000 đ/tấn giấy, giảm tải và và nâng cao hiệu quả của quá trình xử lý nước thải. Ngoài ra, về độ bền cơ lý, chỉ số kéo trung bình hai hướng của giấy độ trắng thấp cao hơn 14,2 % so với giấy độ trắng cao.
Sản xuất và sử dụng giấy độ trắng thấp sẽ là sự lựa chọn khôn ngoan, nhưng để làm được điều này thì cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt các cơ quan liên quan cần tuyên truyền thay đổi nhận thức của người tiêu dùng.