Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa (Cục QLTT Khánh Hòa), 6 tháng đầu năm 2022, đã chủ trì, phối hợp thực hiện 311 lượt kiểm tra, phát hiện 153 vụ vi phạm, đã xử lý 150 vụ.
Tổng trị giá hàng hóa vi phạm 3,345 tỷ đồng. Thu nộp ngân sách Nhà nước 846,552 triệu đồng, trong đó thu phạt hành chính 811,852 triệu đồng, bán hàng tịch thu 34,70 triệu đồng; buộc tiêu hủy 1.693 đơn vị sản phẩm gồm: giày dép, mỹ phẩm, quần áo, sữa tắm, túi xách, bơ béo, chà bông… trị giá 143,869 triệu đồng; tịch thu 2.673 đơn vị sản phẩm gồm: thuốc lá, dụng cụ cơ khí, đồ dùng gia đình, mũ bảo hiểm, nước hoa, quần áo, giày dép… trị giá 173,343 triệu đồng.
Dự báo, 6 tháng cuối năm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Giá cả hàng hóa chịu tác động của nhiều yếu tố trong nước và thế giới do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thiên tai, dịch bệnh sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Để tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng cuối năm 2022, Cục QLTT Khánh Hòa đã đề ra 9 nhiệm vụ chủ yếu.
Trong đó, tăng cường kiểm tra các cơ sở buôn bán, kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; việc thực hiện ghi nhãn hàng hóa và niêm yết giá; kiểm tra việc chấp hành chế độ đăng ký kinh doanh và kinh doanh có điều kiện trên địa bàn; chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường; nắm diễn biến cung – cầu thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa; ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để trà trộn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ.
Tăng cường công tác dự báo, nắm diễn biến thị trường; chủ động phối hợp cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, tiếp tục triển khai Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2022 của Cục QLTT Khánh Hòa.
Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng; kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ và an toàn thực phẩm phục vụ du lịch năm 2022; chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng pháo các loại, rượu ngoại, điện tử, điện lạnh, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm giả, kém chất lượng…; những mặt hàng phục vụ Tết Trung thu, Tết Dương lịch và Nguyên đán; đồng thời phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát tờ rơi, vận động các cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại. Tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc ký cam kết nhưng vẫn vi phạm.
Đặc biệt, triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo 389/KH.