Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/5 cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2022 ước đạt 477,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.257,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1%).
Động lực tích cực từ SEA Games 31
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2022 có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022 tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 13,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 12,8%; phương tiện đi lại tăng 3,1%; may mặc tăng 0,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 1,6%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng trưởng khả quan, cụ thể Đà Nẵng tăng 19,4%; Cần Thơ tăng 17,3%; Quảng Ninh tăng 15,4%; Hải Phòng tăng 12,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 11,2%; Đồng Nai tăng 10,6%; Hà Nội tăng 10,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2022 tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước khi nhu cầu của người dân tăng cao cùng với chuỗi sự kiện SEA Games 31 đã giúp doanh thu của ngành này trong tháng 5/2022 tăng 69,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Cần Thơ tăng 39,7%; Hà Nội tăng 34,2%; Đồng Nai tăng 22,6%; Quảng Ninh tăng 17,3%; Hải Phòng tăng 10,5%; Bình Dương tăng 11,4%; Đà Nẵng tăng 11,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,2%; Vĩnh Long giảm 8,3%; Bắc Giang giảm 8,9%; Quảng Ngãi giảm 9,8%; Long An giảm 13%; Tiền Giang giảm 24,4%...
Doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2022 tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ và sự kiện SEA Games 31 đã thu hút nhiều đoàn quốc tế đến Việt Nam. Doanh thu của một số địa phương tăng như: Khánh Hòa tăng 347,6%; Cần Thơ tăng 88,2%; Phú Thọ tăng 80,6%; Quảng Nam tăng 67,8%; Hà Nội tăng 61,1%; Quảng Bình tăng 29,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,9%... Tuy nhiên, doanh thu lữ hành của một số địa phương giảm, như Đà Nẵng giảm 6,5%; Phú Yên giảm 16,2%, Quảng Ngãi giảm 24,7%; Ninh Thuận giảm 35,2%; Hà Tĩnh giảm 90,4%...
Doanh thu dịch vụ khác 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể Đồng Nai tăng 21,7%; Khánh Hòa tăng 20,0%; Đà Nẵng tăng 18,3%; Quảng Ninh tăng 17,1%; Cà Mau tăng 13,2%; Thái Nguyên tăng 12,1%; Cần Thơ tăng 11,0%; Hải Phòng tăng 8,4%; Hà Nội tăng 7,6%; Bình Dương tăng 7,5%... Ngược lại, Bắc Kạn giảm 1,1%; Đắk Nông giảm 1,2%; Nghệ An giảm 3,1%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 11,4%...
CPI tháng 5 tăng nhẹ
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 5/2022 tăng.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 1,1%. Trong mức tăng 0,38% của CPI tháng 5/2022 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 01 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Lạm phát cơ bản tháng 5/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/5/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.845 USD/ounce, giảm 4,6% so với tháng 4/2022 do đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu tăng trở lại làm giảm sức hấp dẫn của vàng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2022 giảm 0,52% so với tháng trước; tăng 9,86% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 6,48%.
Đồng USD trên thị trường thế giới tăng sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào ngày 04/5/2022. Tính đến ngày 25/5/2022, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 103,53 điểm, tăng 2,78 điểm so với tháng trước. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.147 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 5/2022 tăng 0,65% so với tháng trước và tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 5 tháng đầu năm 2022 giảm 0,49%.