Hỗ trợ phát triển thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm địa phương
Phát biểu khai mạc Chương trình diễn ra chiều ngày 20/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất trong bối cảnh thị trường tiêu thụ vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong hơn 2 năm qua cũng như sự căng thẳng về chính trị trên thế giới hiện nay, Bộ Công Thương đã và tiếp tục đồng hành cùng các địa phương trên cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố phía Bắc và Bắc Trung Bộ nói riêng đẩy mạnh xúc tiến thương mại (XTTM) hỗ trợ phát triển thị trường ở cả trong nước và quốc tế cho các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục XTTM phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tích cực củng cố và phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức XTTM khác nhau được tổ chức thường xuyên, liên tục.
"Những Hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến và trực tiếp tạo ra hàng ngàn kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng, góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.
Thông tin về các hoạt động của Chương trình, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM cho biết, năm 2020 Bộ Công Thương giao Cục XTTM làm đầu mối phối hợp với 5 địa phương (Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái) đồng tổ chức “Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp địa phương với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” lần đầu tiên rất thành công.
Thông qua Chương trình đã giúp đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, kết nối hiệu quả các nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và các tổ chức XTTM theo vùng và các nhóm sản phẩm tiềm năng. Các hoạt động của chương trình cả trực tiếp và trực tuyến đã góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước, giúp doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.
Trên cơ sở thành công của Chương trình năm 2020, năm 2022 trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về XTTM, Bộ Công Thương tiếp tục giao Cục XTTM phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” với quy mô lớn theo 3 khu vực: miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Với sự quan tâm cao nhất của UBND các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, Chương trình hướng đến tạo nền tảng nhân rộng ra các khu vực, vùng miền thành một hoạt động phối hợp thường xuyên liên vùng, liên địa phương để góp phần hình thành các chuỗi giá trị liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng và xuất khẩu bền vững, hiệu quả.
Góp phần hình thành các chuỗi giá trị bền vững
Ông Chalermchai Pornsiripiyakool, Phó Chủ tịch Đối ngoại quốc tế của Tập đoàn Central Retail hy vọng thông qua Chương trình được kết nối thêm các nhà cung cấp mới vào hệ thống chuỗi siêu thị GO!, Big C, Tops Market của Central Retail tại Việt Nam - cũng như kết nối với các doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp để xuất khẩu sang thị trường Thái Lan thông qua kênh phân phối, bán lẻ của Central Retail ở Thái Lan.
Thông qua thế mạnh ở mảng bán lẻ thực phẩm, Central Retail đang nỗ lực đồng hành cùng các Bộ, ban, ngành và các địa phương để thực hiện nhiều chương trình xúc tiến quảng bá cho hàng Việt.
Ông Chalermchai Pornsiripiyakool cũng thông tin hiện đã có các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công sang Thái Lan, nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người Thái Lan. Đáng chú ý, hậu Covid-19, Thái Lan đang dần mở cửa nền kinh tế - nhu cầu nhập khẩu với những sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt.
Ông Trần Lâm Hồng – Phó Tổng Giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết, 90% hàng hóa kinh doanh tại hệ thống là hàng Việt Nam. Đặc biệt là đối với hàng hóa nông nghiệp, Saigon Co.op luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các sản phẩm nông sản có chất lượng được tham gia vào hệ thống siêu thị, cung ứng đa dạng sản phẩm nông nghiệp sạch và đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Với vị thế dẫn đầu của hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước và bề dày kinh nghiệm trong việc hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng nông sản, thủy hải sản trong nước…, Saigon Co.op cam kết sẽ tiếp tục chủ động tham gia sâu vào quá trình thúc đẩy đổi mới, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường, góp phần chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp cho nông dân, qua đó nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm Việt.
Ở góc độ thị trường ngoài nước, đại diện Đại sứ quán Hà Lan, Hiệp hội Doanh nhân Việt – Pháp, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng các sản phẩm, hàng hóa địa phương của Việt Nam còn nhiều cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường. Thậm chí trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thời gian qua, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam với nhiều thị trường quốc tế tiếp tục được duy trì ổn định và tăng trưởng khả quan.
Việc tăng cường các hoạt động kết nối cung – cầu, XTTM hàng hóa như Chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại” sẽ hỗ trợ tích cực cho các nhà cung cấp địa phương của Việt Nam tăng cơ hội kết nối với các nhà xuất khẩu, các tổ chức XTTM và thâm nhập hiệu quả hơn vào các thị trường.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, nhà cung cấp sản phẩm, hàng hóa địa phương cần chú trọng đảm bảo các yêu cầu của thị trường, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, quy định về kiểm dịch động thực vật… cũng như đáp ứng thị hiếu tiêu dùng, văn hóa kinh doanh đặc thù của mỗi thị trường, đối tác.
Nắm bắt tình hình thực tế và nhu cầu của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục XTTM phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến của các địa phương triển khai chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp địa phương với các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại”.
Mục đích của Chương trình nhằm:
(1) Kết nối doanh nghiệp với các cơ quan đại diện, tổ chức XTTM nước ngoài tại Việt Nam, từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng lưới phân phối nước ngoài;
(2) Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà phân phối của các địa phương gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân và đẩy mạnh xuất khẩu;
(3) Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện các hoạt động XTTM theo hướng phối hợp, lồng ghép nguồn lực Trung ương với địa phương và phát huy vai trò, năng lực của các đơn vị chủ trì trong việc triển khai thực hiện chương trình cấp quốc gia về XTTM, tạo hiệu ứng mạnh và sức lan tỏa để nâng cao hiệu quả của chương trình.
Với sự quan tâm cao nhất của UBND các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức XTTM trong và ngoài nước, Chương trình hướng đến tạo nền tảng nhân rộng ra các khu vực, vùng miền thành một hoạt động phối hợp thường xuyên liên vùng, liên địa phương để góp phần hình thành các chuỗi giá trị liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng và xuất khẩu bền vững, hiệu quả.