Tạo điều kiện tối đa cho kết nối, lưu thông hàng hóa
Sáng 5/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội nghị “Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Hội nghị nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông, kết nối tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân, các nhà sản xuất, phân phối trên khắp cả nước đã và đang phải gồng mình gánh chịu những tác động của đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng cho biết, dịch bệnh đã lan rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, đại dịch còn làm ảnh hưởng đến hoạt động cung-cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu nguồn lao động thu hoạch, chế biến và sản xuất; làm hạn chế việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương…
Do vậy, tại Hội nghị này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, nhà phân phối, các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu, các Tổ chức Xúc tiến thương mại quốc tế sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, đề xuất và đưa ra các giải pháp kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong và sau dịch Covid-19.
“Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa về mặt cơ chế trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của Bộ nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước và xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản của các địa phương trong vùng dịch”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Khẳng định vai trò của khâu lưu thông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông nhấn mạnh, lưu thông là huyết mạch. Nếu như không giải được bài toán về lưu thông thì không thể phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân.
Chính vì vậy, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Bộ Công Thương đã khẩn trương vào cuộc, vừa trực tiếp tham gia các Tổ công tác tiền phương, thực địa tại các vùng dịch, vừa tổ chức nhiều cuộc họp, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để đẩy mạnh kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hỗ trợ nông dân, cung ứng đầy đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống…
Thông tin về tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, kinh tế Việt Nam khá ngược chiều với kinh tế thế giới khi các chỉ số sản xuất công nghiệp, bán lẻ, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề, khác xa với kịch bản đã đặt ra.
Trong Quý III/2021, có một tín hiệu tương đối tốt, đó là chỉ số lạm phát thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nhưng trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế và cần tính đến độ trễ nhất định, thì lạm phát sẽ có những áp lực trong năm sau.
Do đó, theo TS. Võ Trí Thành, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ phục thuộc vào những yếu tố chính như kiểm soát dịch bệnh như thế nào, thay đổi chiến lược phòng chống dịch và chính sách tiền tệ ra sao.
Chia sẻ những tác động của đại dịch Covid-19 đến chuỗi cung ứng, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở cả hai chiều cung-cầu.
Ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, bên cạnh vấn đề suy giảm tổng cầu, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung, bao gồm cả đầu vào nguyên liệu thô và nhân công không đủ đáp ứng. Một số ngành công nghiệp chế biến chịu tác động mạnh như ngành dệt may, da giày do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, cầu vào giảm mạnh và xuất khẩu giảm sút nghiêm tọng, đặc biệt là xuất khẩu tới các thị trường truyền thống như Mỹ, EU…
Trên thế giới, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến vận tải toàn cầu, đẩy chi phí vận tải biển tăng cao kỷ lục, gây ra hiện tượng mất cân bằng vỏ container…
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, sự lây lan của Covid-19 đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro.
“Covid-19 là phép thử mạnh với sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam, và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Thương mại điện tử - giải pháp căn cơ cho kết nối cung cầu
Lưu thông hàng hóa là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội dẫn tới lưu thông hàng hóa chịu ảnh hưởng nặng nề, cung cầu kết nối khó khăn dẫn tới ùn ứ nguồn cung hàng hóa trong khi người tiêu dùng không thể tiếp cận nguồn hàng. Chính vì vậy, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, việc ứng dụng thương mại điện tử và các công nghệ số trong đảm bảo lưu thông, duy trì chuỗi cung ứng là vô cùng cần thiết.
Với các bước triển khai mạnh mẽ và đồng bộ trên các kênh thương mại điện tử, kết hợp giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống, việc ứng dụng công nghệ đã phát huy tối đa được lợi thế của các bên, tăng tính hiệu quả và tối ưu hóa được các khâu trong lưu thông hàng hoá, kết nối cung cầu và với mục tiêu cao nhất là thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá và đảm bảo đời sống người dân vùng dịch.
“Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại-thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền nhận định.
Đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nhóm giải pháp ngắn hạn sẽ tập trung vào việc tăng cường cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử; tổ chức các phiên tư vấn về các thị trường, khu vực thị trường xuất khẩu; giúp doanh nghiệp quảng bá chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế…
Về giải pháp để duy trì chuỗi cung ứng, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh vĩ mô và vi mô, tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường.
Đồng thời, cần lên kế hoạch cho tình trạng thiếu hụt lao động do không có sẵn nguồn nhân lực trọng yếu tại chỗ. Phát triển các kế hoạch để duy trì bộ phận chức năng quan trọng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Tham dự Hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận nhiều vấn đề về Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19; Tác động của dịch Covid-19 đến chuỗi cung ứng; Khuynh hướng thay đổi tiêu dùng tại Việt Nam; Công tác xúc tiến thương mại nhằm thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ hàng nông sản chủ lực trong bối cảnh mới; Ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu kết nối cung cầu; Thách thức trong việc triển khai sản xuát cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh; Kinh nghiệm tiếp thị và xúc tiến bán hàng trong thời gian giãn cách xã hội…