Chủ trì Hội thảo có ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo; ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tham dự có các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đại diện một số Ban, Bộ, ngành; một số chuyên gia, nhà khoa học và Thường trực Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Khánh Hòa. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, Khánh Hòa nằm ở trung tâm của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, với nhiều ưu thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử văn hóa và đặc biệt là vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng và an ninh. Khánh Hòa mang trong mình tiềm năng lớn để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, tạo động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Ngày 24/12/2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 53-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện phương hướng, mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa là: “Đồng ý chủ trương phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó thành phố Nha Trang là hạt nhân; là trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và của cả nước; có quốc phòng, an ninh vững mạnh, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện”.
Nhằm đánh giá toàn diện những kết quả đạt được qua 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị xem xét, ban hành chủ trương mới nhằm phát triển tỉnh Khánh Hòa phù hợp với bối cảnh, tình hình mới, Văn phòng Trung ương Đảng ban hành Công văn số 1007-CV/VPTW ngày 14/6/2021 thông báo ý kiến của đồng chí Thường trực Ban Bí thư và theo phân công của Bộ Chính trị, giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan thường trực và chủ trì phối hợp để triển khai Đề án. Ban Kinh tế Trung ương đã ban hành Quyết định số 149-QĐ/BKTTW, ngày 13/9/2021 về thành lập Ban Chỉ đạo (Ban Chỉ đạo 149) xây dựng Đề án gồm 23 thành viên là Lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành và Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Ban Chỉ đạo 149 đã ban hành Kế hoạch, Đề cương tổng kết cho các bộ, ngành liên quan và Tỉnh ủy Khánh Hòa để tổ chức tổng kết; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo; thành lập và giao nhiệm vụ cho Tổ Biên tập Đề án; đặt hàng các chuyên đề cho các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học; thực hiện khảo sát, làm việc tại tỉnh Khánh Hòa, tổ chức các tọa đàm, hội thảo theo Kế hoạch tổng kết nhằm đánh giá toàn diện kết quả 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW.
Tiềm năng và thách thức
Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Báo cáo Tổng kết Kết luận số 53-KL/TW, ông Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, được sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp của các địa phương trong cả nước, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển Vùng, góp phần với cả nước thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, XII, XIII của Đảng. Trong đó, Khánh Hòa đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, đạt một số chỉ tiêu đặt ra, trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và ưu điểm vượt trội đó, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cũng đánh giá, sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW, tiềm năng, lợi thế của Khánh Hòa chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để tạo ra sự đột phá cho phát triển. Một số mục tiêu và chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành. Khánh Hòa chưa đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; chưa thực sự là động lực phát triển của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Quy mô kinh tế còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao, tăng trưởng chưa bền vững. Nguồn thu ngân sách chưa ổn định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Phát triển văn hoá - xã hội còn bất cập. Thu nhập bình quân đầu người thấp. An ninh tuyến biển và một số địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn có mặt hạn chế, hiệu lực quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, ở một số giai đoạn còn yếu kém và khuyết điểm… và đây chính là khó khăn, thách thức đối với Khánh Hòa trong thời gian tới.
Theo ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW, Khánh Hoà đã có nhiều nỗ lực khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển. Kinh tế tăng trưởng khá, giai đoạn 2012-2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm. Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 1,76 lần so với năm 2011; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt mức 70,07 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011; trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực; Khu Kinh tế Vân Phong từng bước có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng.
Hệ thống đô thị ven biển được hình thành và tương đối hiện đại. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp. Một số cơ sở công nghiệp và hạ tầng quan trọng được hình thành như Nhà máy nhiệt điện Sumitomo Vân Phong, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, Khu công nghiệp Suối Dầu. Hoạt động hợp tác, liên kết với các địa phương trong và ngoài vùng đạt một số kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW cho thấy, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Khánh Hòa chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để tạo ra sự đột phá cho phát triển. Việc nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Kết luận 53-KL/TW chưa được hoàn thành, nhất là trong những năm gần đây, phát triển của Khánh Hòa không có những tăng trưởng đột phá so với nhiều tỉnh, thành trong vùng và cả nước cho thấy, Khánh Hòa cần có những đột phá mạnh mẽ, vừa để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vừa phấn đấu để không chỉ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững mà phải trở thành cực tăng trưởng, trung tâm của vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Xây dựng và phát triển Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là nhiệm vụ chính trị quan trọng có ý nghĩa nhiều mặt của tỉnh Khánh Hoà, vùng duyên hải Nam Trung bộ và cả nước - đó chính là sứ mệnh của Khánh Hòa trong thời gian tới.
Nhấn mạnh mục đích của Hội thảo nhằm củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tập trung tham luận, trao đổi, làm sâu sắc hơn về những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan (nhận thức, cơ chế, chính sách, nguồn lực hay tổ chức thực hiện); phân tích và làm rõ vai trò, vị trí của Khánh Hoà trong vùng và cả nước, nhất là vị trí địa kinh tế, địa chiến lược; tiềm năng, lợi thế của Khánh Hoà, nhất là tiềm năng, lợi thế về biển, về kết nối quốc tế, từ đó đề xuất những quan điểm và giải pháp nhằm phát huy ở mức cao nhất những tiềm năng, lợi thế này cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, phân tích và làm rõ bối cảnh mới trong nước, quốc tế và những cơ hội, thách thức đặt ra đối với Khánh Hoà trong giai đoạn tới, từ đó đề xuất những quan điểm và giải pháp nhằm nắm bắt các cơ hội và vượt qua các thách thức (công nghiệp 4.0; biến đổi khí hậu; các vấn đề an ninh phi truyền thống; Biển Đông...); đề xuất các quan điểm mới, mục tiêu và các giải pháp, nhất là các giải pháp đột phá nhằm phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hoà nói chung và một số vùng, ngành, lĩnh vực nói riêng, nhất là những vùng, ngành, lĩnh vực đột phá và bền vững…
Cần những chủ trương, cơ chế, chính sách đột phá mới
Tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhiều ý kiến có tính gợi mở về các lĩnh vực, các đột phá cần tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư để tạo ra các động lực tại chỗ nhằm phát triển kinh tế - xã hội Khánh Hòa trong thời gian tới, đặc biệt là hạ tầng giao thông, giáo dục đào tạo, những đề xuất để giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh sinh thái và đảm bảo quốc phòng an ninh, giữa đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, giữa nâng cao chất lượng lao động, giảm nghèo…
Đơn cử, ông Nguyễn Đình Chúc - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, mục tiêu của các cơ chế chính sách đặc thù chung đối với Khu kinh tế Vân Phong tại Khánh Hòa là nhằm tăng cường đóng góp cả về kinh tế và xã hội của của khu cho tỉnh Khánh Hòa, bao gồm đóng góp cho GDP, đóng góp vào tổng thu ngân sách, tạo việc làm, giữ chân cư dân và nâng cao kỹ năng và trình độ của lao động địa phương. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách hướng tới xây dựng một khu kinh tế cạnh tranh dựa trên các ngành tập trung có lợi thế tự nhiên mạnh mẽ; thu hút các nhà đầu tư mỏ neo ngay từ giai đoạn đầu; tận dụng thời điểm quan trọng để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 và bắt đầu đa dạng hóa kinh tế ở Khánh Hòa; và trở thành một nơi thử nghiệm các chính sách tiên phong và đột phá của Việt Nam.
Trong khi đó, theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, để phát triển bền vững kinh tế biển Khánh Hòa, bên cạnh cụ thể hóa các bài học kinh nghiệm quốc tế, và chủ trương, giải pháp lớn của Đảng và Chính phủ, thì việc quy hoạch, khai thác, sử dụng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển một cách hiệu quả, gắn với bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh biển đảo Việt Nam vừa là nhiệm vụ vừa là những nhóm giải pháp cần chú ý trong thời gian tới. Đặc biệt, cần chú trọng sử dụng hợp lý vùng ven biển, các đảo và các thủy vực ven bờ (đầm, vũng, vịnh) phù hợp với bản chất tự nhiên và thế mạnh của từng loại hình. Phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển không chỉ vì chiến lược phát triển riêng của Khánh Hòa mà còn tạo động lực phát triển và thúc đẩy liên kết vùng, cũng như vì lợi ích toàn cục của quốc gia.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành chủ trương, định hướng mới, phù hợp với thực tiễn phát triển, tình hình quốc tế và khu vực, tạo động lực cho địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đánh giá cao ý kiến trao đổi, tham luận của các đại biểu, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, với vị trí đặc biệt quan trọng của Khánh Hòa về địa chính trị, địa kinh tế cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng, gắn với bảo vệ vững chắc quyền biển đảo, các đại biểu đều thống nhất việc cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, để hướng tới phát triển bền vững Khánh Hòa trên cơ sở khai thác tốt, có hiệu quả các lợi thế tiềm năng của Khánh Hòa; gợi mở những định hướng lớn có tính đột phá và phù hợp với các xu thế phát triển của quốc tế, toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh bền vững, kinh tế tuần hoàn; khẳng định, Khánh Hòa phát triển không phải chỉ riêng cho Khánh Hòa mà còn cho cả vùng và cả nước.
Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo đã tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI. Để hoàn thiện Báo cáo tổng kết và Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngoài việc thảo luận về các Dự thảo Báo cáo theo Chương trình Hội nghị đã đề ra, các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận và đi đến thống nhất về quan điểm, mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xác định những trụ cột chính để xây dựng và phát triển Khánh Hòa, từ đó có những ưu tiên và sắp xếp thứ tự trong phân bổ nguồn lực cho đầu tư phát triển; thống nhất một số giải pháp xây dựng và phát triển Khánh Hòa, hướng tới là một trong những trung tâm lớn của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước về trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển; xác định nguy cơ hiện hữu và cấp thiết của diễn biến trên biển Đông và những biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên; từ đó xác định những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài nhằm thích ứng, đảm bảo phát triển bền vững.
Về cơ bản, các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí với dự thảo: Báo cáo Đề án, Tờ trình Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, các đại biểu thống nhất cao để Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo động lực cho địa phương, phù hợp với thực tiễn phát triển, tình hình quốc tế và khu vực, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc an ninh của tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới.