Nếu tiện nghi giao thông bằng metro là một trong những điểm sáng để đo mức độ phát triển, hiện đại hóa của một quốc gia, thì năm 2008 được coi là “niên đại metro” của Việt Nam. Với các nước tiên tiến, “niên đại metro” của Anh là năm 1863, Hoa Kỳ vào năm 1894, Pháp năm 1900 và Nga năm 1935. Nếu so với các nước quanh ta như Singapore, xuất hiện metro vào năm 1987, còn Thái Lan là vào năm 1996, thì khái niệm này ở Việt Nam chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, khi nền kinh tế nước ta hội nhập và phát triển.
Tuy bắt nhịp chậm so với các nước trên thế giới, nhưng chúng ta cũng có nhiều thuận lợi, như học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các nước đi trước từ kỹ thuật, đến quản lý giao thông, quản lý khai thác, biện pháp an toàn. Tuy nhiên, những chuyên gia nhiều kinh nghiệm cũng đặt ra cho “niên đại metro” Việt Nam rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết căn bản và đồng bộ để tránh những gì mà các nước đi trước đã từng vấp phải.
- Thứ nhất, chọn mặt bằng xây dựng sân ga chính hay phụ, nên dựa vào những phần đất của những nhà ga xe lửa cũ, để tránh bớt trở ngại khi phải đền bù giải tỏa cho những vị trí mới. Từ kinh nghiệm cho thấy, trở ngại giải tỏa mặt bằng là vấn đề trở ngại lớn nhất cho tiến độ thi công. Giữ địa điểm ga cũ còn thuận lợi cũng là một giải pháp cần xem xét.
- Thứ hai, nếu qui hoạch độ sâu của đường hầm chỉ cạn ở 2,5m thì phải rà soát lại hệ thống ống dẫn nước công cộng, nếu có rò rĩ sẽ ảnh hưởng tới đường ngầm và như vậy, đường ngầm phải có kỹ thuật xử lý chống thấm.
- Thứ ba, phải nghiên cứu toàn bộ hệ thống nhà cao tầng trên các tuyến đường tàu điện chạy qua, để phòng tránh các công trình có xây tầng hầm, tránh va đập, đó là chưa kể trong tương lai gần, còn có những công trình “xây dựng không gian công cộng dưới lòng đất” như một số nước châu Âu đã làm.
- Sau cùng, còn có một số vấn đề tuy có vẻ xa vời, nhưng cũng được các chuyên gia Nhật và Nga đặt ra, đó là hệ thống kiểm soát an toàn trên toa và nhất là trên các ga, vì ga metro là môi trường thuận lợi cho bọn khủng bố, phá hoại. Riêng các chuyên viên Nga thì đặt vấn đề là, ngay từ đầu phải có định hướng xây dựng các ga metro như những cơ sở văn hóa có bản sắc văn hóa riêng, với mô hình tác phẩm và biển báo, để từ đó tạo ảnh hưởng cho hành khách đi tàu ứng xử có văn hóa, như không hút thuốc, không xả rác và không gây ồn ào.
Song song đó cũng có một số ý kiến như sau:
- Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM: “Quy hoạch ngầm phức tạp hơn rất nhiều so với quy họach nổi trên mặt đất, vì hiện chúng ta cũng không rõ dưới đất đang có những gì. Mạng lưới hạ tầng kỹ thuật của TP.HCM đã tồn tại qua nhiều thập kỷ, hồ sơ, tài liệu đã mất mát nhiều. Việc phát triển lại tản mát ở nhiều ngành riêng lẻ. Vấn đề trước mắt là phải khảo sát thật kỹ.
- Ông Nguyễn Kim Lăng -Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải phía Nam (TediSouth): “Trong xây dựng metro, có 4 tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ, đó là khổ đường ray, khổ giới hạn của đầu máy, hệ thống thông tin tín hiệu và hệ thống cung cấp điện. Bốn tiêu chuẩn cơ bản này, hiện chúng ta đang dựa theo công nghệ của Nhật, chỉ sau khi hoàn tất được 4 tiêu chuẩn này, thì dự án xây dựng và khai thác mới an toàn.”
- Bà Trần Thị Ánh Nguyệt - Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: “Qua một vài sự cố của các công trình ngầm cao cho thấy địa chất phức tạp gây khó khăn cho các dự án metro. Tuy nhiên, đến nay, qua thăm dò và khảo sát chi tiết thiết kế, công nghệ xây dựng chúng ta có đầy đủ giải pháp thi công, để xử lý tốt các vấn đề phức tạp về địa chất”.
Với sự nỗ lực của lãnh đạo TP.HCM và Hà Nội- hai thành phố có mật độ dân số cao nhất trong cả nước thì hy vọng rằng những gì Việt Nam cố gắng thực hiện cho “niên đại metro” sẽ đạt được trong thời gian sớm nhất.