Phát triển bền vững sinh kế của hộ gia đình nuôi biển tại tỉnh Khánh Hòa

ThS. TĂNG THỊ HIỀN (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nha Trang)

TÓM TẮT:

Nuôi trồng thủy sản có vai trò quan trọng trong việc đạt các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về gia tăng lợi ích ở các quốc gia có thu nhập thấp và kém phát triển thu được từ tài nguyên. Mục tiêu này còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt đối với các hộ gia đình nuôi trồng có quy mô nhỏ, với sự thiếu và yếu về vốn, kỹ thuật và sinh kế. Ngoài ảnh hưởng của năm tài sản vốn: con người, tự nhiên, xã hội, vật chất, tài chính, nghiên cứu còn đưa ba biến dự báo bổ sung trong mô hình sinh kế bền vững đó là cơ quan con người, sự công bằng lợi ích và độ nhạy cảm để đánh giá đến sự bền vững sinh kế của các hộ nuôi biển ở tỉnh Khánh Hòa.

Mô hình hồi quy tuyến tính được sử dụng để xác định sự ảnh hưởng của các yếu tố đến biến phụ thuộc là khả năng tiếp tục với nghề nuôi biển. Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng các hộ gia đình nhạy cảm hơn, ít có khả năng để tham gia vào các cơ hội sinh kế mới. Nhận thức về sự công bằng về lợi ích trong cộng đồng, sự ổn định về thu nhập, yếu tố tập thể là những yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến tính bền vững sinh kế nghề nuôi biển. Các hàm ý chính sách cũng được đề xuất nhằm phát triển các chương trình sinh kế nhiều mặt, giúp các hộ nuôi biển dễ bị tổn thương sẽ đạt được sự phát triển bền vững.

Từ khóa: Sinh kế bền vững, nuôi biển, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Lợi ích của nuôi trồng thủy sản ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống con người, góp phần gia tăng nguồn cung cấp thực phẩm và cải thiện dinh dưỡng hộ gia đình; đa dạng hóa thu nhập và nguồn lương thực. Nuôi trồng thủy sản bền vững giúp giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên đang bị khai thác quá mức, xóa đói giảm nghèo, đạt được an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, nâng cao giáo dục và nhận thức về môi trường, kích thích sự phát triển của khoa học nghệ thúc đẩy bền vững và giảm bất bình đẳng (FAO, 2017).

Theo Chambers và Conway (1991): “Sinh kế được gọi là bền vững khi nó có thể đối mặt với áp lực và sang chấn, phục hồi khỏi áp lực và sang chấn; có thể duy trì hoặc tăng cường năng lực và tài sản, có thể cung cấp cơ hội sống bền vững cho thế hệ sau, đóng góp lợi ích thặng dư cho các sinh kế khác ở cấp địa phương và toàn cầu, trong ngắn hạn hay dài hạn”. Theo Ashley và Carney (1999), DfID (1999) và Scoone (1998), khung sinh kế bền vững là một công cụ được thiết lập cung cấp một cách thức hiểu biết về động lực nông thôn phức tạp, coi các cá nhân và hộ gia đình là trọng tâm của phân tích.

Nó gợi ý rằng sinh kế nông thôn được xây dựng thông qua 5 loại nguồn lực, gồm: vốn vật chất, tài chính, tự nhiên, xã hội, con người. Các khung sinh kế đã được sử dụng để thiết kế các chương trình nhằm nâng cao sự đóng góp của nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế và an ninh lương thực ở các cộng đồng ven biển (Pant, J. và các cộng sự, 2014).

Nghiên cứu này phân tích tính bền vững trong sinh kế của các hộ gia tham gia nghề nuôi biển tại Khánh Hòa, thông qua 5 yếu tố, gồm: vốn con người, xã hội, tự nhiên, vật chất, và tài chính, đồng thời đánh giá nhận thức của họ để làm rõ khả năng duy trì sinh kế.

danh ca

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu được điều tra được thực hiện trực tiếp với các chủ hộ bằng phương pháp mẫu thuận tiện của 103 hộ gia đình tại Đảo Trí Nguyên thuộc thành phố Nha Trang, huyện Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh và thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa năm 2020. Mẫu cuối cùng là 97 hộ gia đình, với tỷ lệ phản hồi là 94%. Dữ liệu về 5 loại vốn (vật chất, tài chính, tự nhiên, xã hội, con người) được thu thập dựa theo lý thuyết khung sinh kế bền vững. Nhận thức về khả năng theo đuổi mục tiêu, tính công bằng, và mức độ tổn thương dưới tác động của tự nhiên cũng như dữ liệu về nhân khẩu học cũng được thu thập.

Dữ liệu thống kê đặc điểm nhân khẩu học cho thấy trong số 97 người tham gia trả lời phỏng vấn có 78,35% là nữ và 21,65% là nam. Độ tuổi dưới 30 chiếm 14,43%; từ 31- 40 chiếm 29,9%, từ 41-50 là 39,18% và độ tuổi trên 50 chiếm 16,49%. Trình độ học vấn cấp 1 chiếm 11,34%, cấp 2 chiếm 51,55%, cấp 3 là 16,49% và số người được đào tạo trung cấp hoặc cao đẳng hoặc đại học chiếm 20,62%.

2.2. Phương pháp phân tích

Dữ liệu được phân tích bằng phần mềm STATA 15.0 để xác định sự tác động của các biến phụ thuộc tới khả năng duy trì sinh kế nghề nuôi biển. Các biến sử dụng trong mô hình được mô tả trong Bảng 1.

Bảng 1. Các biến sử dụng trong hồi quy tuyến tính

Các biến sử dụng trong hồi quy tuyến tính

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Đặc điểm sinh kế các hộ nuôi biển

Hoạt động tạo thu nhập chính của các hộ gia đình là nuôi trồng. Có 90.72% số hộ chỉ tham gia nuôi trồng thủy sản trên biển, hơn 5% số hộ có tham gia thêm hoạt động buôn bán và có hơn 4% số hộ vừa nuôi trồng vừa khai thác thủy sản. Điều này cho thấy sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tài nguyên thiên nhiên ở các hộ gia đình nơi đây.

Khảo sát danh sách các vật dụng và thiết bị trong gia đình (điện, nước máy, xe máy, tàu và loại nhà) cho thấy tất cả các hộ gia đình được sử dụng điện, nước máy và có xe máy để đi lại. Có 37.11% các hộ gia đình có nhà ở là mái lợp tôn (nhà cấp 4), 56.7% hộ có nhà có mái bê tông (mái bằng) và 6.19% số hộ có nhà lầu. Có 41.24% hộ gia đình được tiếp cận với 1 chiếc tàu để phục vụ di chuyển từ đất liền ra các đìa nuôi ngoài biển.

Thu nhập ròng bình quân năm 2019 của mỗi hộ gia đình làm nghề nuôi biển tại Khánh Hòa là 294 triệu đồng, với số thành viên trong gia đình trung bình là 4.4 người, như vậy, thu nhập bình quân mỗi người là 66,8 triệu đồng/năm (tương đương với 2,870 USD/người/năm). Mức thu nhập này vẫn cao hơn so với mức thu nhập bình quân theo đầu người được Chính phủ Việt Nam công bố (2,800 USD/người/năm). Sản phẩm nuôi biển của các hộ gia đình tại Khánh Hòa chủ yếu là tôm hùm và các loại hải sản (cá, nghêu, sò) có giá trị chủ yếu phục vụ xuất khẩu và phục vụ khách du lịch trên địa bàn.

tom hum
Sản phẩm nuôi biển của các hộ gia đình tại Khánh Hòa chủ yếu là tôm hùm và các loại hải sản (cá, nghêu, sò)

3.2. Nhận thức về hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển

Khi được hỏi “Gia đình bạn sẽ gắn bó lâu dài với nghề nuôi biển”, có gần 64% số người được hỏi đồng ý và đồng ý mạnh mẽ rằng gia đình họ sẽ gắn bó với nghề nuôi biển, những người còn lại ở mức độ trung lập (khoảng 34%) và hơi không đồng ý (2%) gắn bó lâu dài với nghề. Có 52,57% tổng số người trả lời người khẳng định hoạt động nuôi biển là mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình họ. Kết quả này được khẳng định qua nhiều năm tham gia vào nghề. Hơn một nửa số người được hỏi (56.7%) cho rằng gia đình họ không có đủ vốn cho hoạt động nuôi biển.

3.3. Kết quả ước lượng mô hình hồi quy

Bảng 2. Mô hình hồi quy ước lượng

Mô hình hồi quy ước lượng

Mô hình hồi quy ước lượng được thể hiện trong Bảng 2. Kết quả hồi quy tuyến tính có hệ số xác định R2 là 0,6965 và hệ số R2 điều chỉnh là 0,6446. Điều này cho thấy mô hình hồi quy đã xây dựng phù hợp với tập dữ liệu đến mức 64,46%. Hay nói cách khác, 64,46% sự biến thiên nhận thức “Gia đình gắn bó lâu dài với nghề nuôi biển” được giải thích bởi sự thay đổi của các biến độc lập trong mô hình.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trình độ học vấn của người nuôi thấp hơn thuộc cấp 2 hoặc cấp 3 lại có sự gắn bó với sinh kế nuôi biển hơn những người được đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng hay đại học. Số người được hỏi có trình độ cấp 2 hoặc cấp 3 tăng 1% thì việc gia đình họ sẽ gắn bó lâu dài với nghề nuôi biển tăng lần lượt là 17,7% và 22,9%. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi hoạt động nuôi biển tại Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung, chủ yếu là quy mô hộ gia đình đơn lẻ làm nghề theo truyền thống của gia đình, tự làm hoặc thuê nhân công, trình độ lao động chưa cao.

Đây là những đối tượng ít có cơ hội tiếp xúc với sinh kế mới, do đó gắn bó với nghề nuôi biển. Trong 3 yếu tố thuộc nguồn vốn xã hội, thì khả năng tham gia vào hoạt động tập thể của dân làng có ảnh hưởng đến quyết định gắn bó lâu dài với nghề nuôi biển. Với mức tăng 1% khả năng tham gia vào các hoạt động tập thể của dân làng, làm gia tăng sự gắn bó với nghề nuôi biển 17,6%. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các cuộc thảo luận cộng đồng và các hoạt động đào tạo, phổ biến quy chế, tình hình mới liên quan đến ngành nghề có thể giúp giảm thiểu các phản hồi tiêu cực, có hại ảnh hưởng đến hoạt động nuôi biển.

Duy trì sự gắn kết mạnh mẽ của địa phương và sự năng động của xã hội góp phần vào sự bền vững lâu dài của nghề nuôi biển (Amy Diedrich và các cộng sự, 2019). Nghiên cứu của Elinor Ostrom (2009) cũng cho thấy vai trò quan trọng của vốn xã hội trong quản lý tập thể tài nguyên thiên nhiên.

nuoi tom

Kết quả phân tích cũng chỉ ra khả năng nhận thức của con người trong việc theo đuổi các mục tiêu có giá trị (AGENCY) thông qua nhận thức về sự ổn định về thu nhập do hoạt động nuôi biển mang lại (TNOĐ) tác động dương có ý nghĩa thống kê biến phụ thuộc. Mức 1% gia tăng của biến này làm tăng 18,5% sự gắn bó với sinh kế nuôi biển. Điều này phù hợp với kì vọng, bởi vì để duy trì hoạt động sinh kế thì cần có sự đảm bảo về thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống.

Các hộ gia đình có thu nhập ổn định hơn có thể sẽ ít nhạy cảm hơn và chấp nhận duy trì sinh kế. Việc nghiên cứu yếu tố này có ý nghĩa quan trọng trong phương pháp tiếp cận sinh kế quy mô hộ gia đình (Scoones, 2009). Nó là yếu tố trung gian cho việc chuyển đổi tài sản hộ gia đình sang sinh kế mới (Anderson, B., 2012) và là một đặc điểm chính của khả năng phục hồi sinh kế (Taner, T. và các cộng sự, 2014).

Biến nhận thức về sự công bằng lợi ích của hoạt động nuôi biển mang lại cho cộng đồng (EQUITY) có tác động mạnh nhất, tăng 1% của biến này làm tăng 38,6% sự tin tưởng và gắn bó với nghề. Sự nhạy cảm của hộ gia trước các tác động của tự nhiên (như bão, lũ lụt, các hiện tượng của biến đổi khí hậu) có tương quan nghịch đến sự gắn bó với nghề.

Điều này cho thấy hoạt động tạo sinh kế cho cộng đồng nuôi biển ở Khánh Hòa có sự phụ thuộc rất lớn vào tài nguyên, sự đa dạng sinh kế thấp làm cho họ rất dễ bị tổn thương sinh kế và dễ dẫn đến suy thoái về môi trường (Cinner, J.E và các cộng sự, 2013). Các hộ gia đình càng nhạy cảm thì sự gắn bó với nghề càng giảm. Điều này ảnh hưởng đển mục tiêu phát triển bền vững của nghề nuôi biển.

Yếu tố vốn tài chính (thu nhập ròng, vốn, tàu) tác động không có ý nghĩa thống kê đối với biến phụ thuộc. Theo tìm hiểu thực tế thì sự suy giảm về thu nhập ròng trong năm 2020 là do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho giá bán giảm mạnh, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Đây được xác định là khó khăn tạm thời, do đó chưa tác động nhiều đến sự gắn bó với nghề. Tuy nhiên, điều này làm cho thị trường tiêu thụ hạn chế và cũng là yếu tố làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của nghề nuôi biển.

nghe nuoi bien

Đối với vốn tự nhiên (QSDĐ) trong nghiên cứu này ảnh hưởng không có ý nghĩa thống kê nên biến phụ thuộc. Với các hoạt động dựa hoàn toàn vào tự nhiên như nuôi biển thì các yếu tố thuộc vốn tự nhiên là rất quan trọng, nó đảm bảo cho hoạt động sinh kế được bền vững.

Tuy nhiên, số liệu thống kê đã chỉ ra rằng các hộ gia đình ở Khánh Hòa nuôi biển chủ yếu do tự phát, mà chưa có sự xin phép và cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền. Người dân hoàn toàn chưa coi đó là một yếu tố quan trọng đảm bảo sinh kế bền vững cho gia đình.  Trên thực tế đã có những hộ nuôi đã phải mất sinh kế khi có sự chuyển đổi mục đích khai thác các vùng nuôi để phục vụ các mục đích khác như du lịch,… Điều này cần có những giải pháp nhằm mục tiêu phát triển bền vững sinh kế cho các hộ nuôi biển tại tỉnh Khánh Hòa.

4. Một số hàm ý chính sách

Một là, tạo ra các chương trình sinh kế nhiều mặt, đa dạng hóa sinh kế, đặc biệt cho các hộ nghèo, dễ bị tổn thương tại Khánh Hòa giảm thiểu sự phụ thuộc lớn vào tự nhiên. Hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, mang lại lợi ích tâm lý rõ ràng hơn, do đó giúp họ tự tin hơn vào khả năng kiểm soát phúc lợi trong tương lai.

Hai là, thúc đẩy các hoạt động mang tính tập thể nhằm gắn kết cộng đồng, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và các hoạt chung của cộng đồng nhằm tăng khả năng gắn kết mạnh mẽ của địa phương, xã hội trong thực hiện mục tiêu sinh kế cộng đồng.

Ba là, có các cơ chế chính sách thúc đẩy ngành Nuôi biển phát triển theo quy mô công nghiệp, sản xuất gắn liền với chế biến, xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.

Bốn là, có chính sách quy hoạch vùng nuôi ổn định, giao quyền quản lý, khai thác cho các hộ nuôi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Amy D., Jessica B., Elizabeth P., Epsi E., Anna F., Takahiro S. and Clive J. (2019). Socio-Economic Drivers of Adoption of Small-Scale Aquaculture in Indonesia. Sustainability, 11(6), 15-43.
  2. Ashley, C., Carney, D., (1999). Sustainable Livelihoods: Lessons from Early Experience. London, UK: DFID (Department for International Development).
  3. Cinner, J.E.; Huchery, C.; Darling, E.S.; Humphries, A.T.; Graham, N.A.J.; Hicks, C.C.; Marshall, N.; McClanahan, T.R. (2013). Evaluating social and ecological vulnerability of coral reef fisheries to climate change. PLoS ONE, 8, e74321.
  4. Department for International Development (DFID) (1999). Sustainable Livelihoods Guidance Sheets. London, UK: DFID.
  5. Food and Agricultural Organization (FAO). (2017). The 2030 Agenda and the Sustainable Development Goals: The Challenge for Aquaculture Development and Management. Rome, Italy: Food and Agricultural Organization.
  6. Ostrom, E. (2009). A general framework for analyzing sustainability of social-ecological systems. Science, 325, 419-422.
  7. Pant, J.; Barman, B.K.; Murshed-E-Jahan, K.; Belton, B.; Beveridge, M. (2014). Can aquaculture benefit the extreme poor? A case study of landless and socially marginalized Adivasi (ethnic) communities in Bangladesh. Aquaculture, 418, 1-10.
  8. Scoones, I. (1998). Sustainable Rural Livelihoods: A Framework for Analysis; IDS Working Paper 72. Sussex, UK: Institute for Development Studies.
  9. Tanner, T.; Lewis, D.; Wrathall, D.; Bronen, R.; Cradock-Henry, N.; Huq, S.; Lawless, C.; Nawrotzki, R.; Prasad, V.; Rahman, M.A.; et al. (2014). Livelihood resilience in the face of climate change. Nat. Clim. Chang., 5, 23-26.
  10. Anh Vũ (2020). Thu nhập Việt Nam bao giờ đuổi kịp thế giới? Truy cập tại https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thu-nhap-viet-nam-bao-gio-duoi-kip-the-gioi-1231899.html