Quản lý nhà nước về tôn giáo từ thực tiễn tỉnh Bình Dương

LÊ VĂN GẤM  (Trường Đại học Thủ Dầu Một)

 

TÓM TẮT:

Vấn đề quản lý nhà nước về tôn giáo có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa tôn giáo với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo luôn được chú trọng, là vấn đề then chốt, quan trọng để quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo thực sự đi vào đời sống xã hội. Nhà nước bảo đảm các quyền tự do tôn giáo được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

Từ khóa: tôn giáo, quản lý nhà nước, tỉnh Bình Dương.

1. Các khái niệm và vai trò của quản lý nhà nước về tôn giáo

Tôn giáo: (Tiếng Latinh - Religio) đồng nghĩa với sự sùng đạo, mộ đạo, đối tượng được sùng bái. Trong các từ điển thông dụng, thường định nghĩa tôn giáo là sự sùng bái và sự thờ phụng của con người đối với thần linh hoặc các mối quan hệ của con người đối với thần linh [25, tr.13].

Theo Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học (2012) thì: “Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội gồm những quan niệm dựa trên cơ sở tin và sùng bái những lực lượng siêu tự nhiên, cho rằng có những lực lượng siêu tự nhiên quyết định số phận con người, con người phải phục tùng và tôn thờ. Tôn giáo nảy sinh từ rất sớm, từ trong xã hội nguyên thủy. Tôn giáo là hệ thống những quan niệm tín ngưỡng một hay những vị thần linh nào đó và những hình thức lễ nghi thể hiện sự sùng bái ấy. Ở Việt Nam có nhiều tôn giáo: đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, v.v,” [31, tr.1293].

Dưới góc độ pháp lý, tôn giáo được hiểu là “niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, nghi lễ và tổ chức” (Khoản 5, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016).

Quản lý nhà nước (QLNN) là một dạng quản lý xã hội đặc biệt, mang tính quyền lực nhà nước và sử dụng pháp luật và chính sách để điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức trên tất cả các mặt của đời sống xã hội do các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện, nhằm phục vụ nhân dân, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội [26, tr.3]. Theo đó, QLNN về tôn giáo là một dạng quản lý xã hội đặc biệt của nhà nước, mang tính quyền lực nhà nước và sử dụng pháp luật và chính sách tôn giáo để điều chỉnh hành vi của cá nhân, tổ chức trên lĩnh vực của đời sống về tôn giáo do các cơ quan nhà nước thực hiện, nhằm phục vụ nhân dân, đảm bảo quyền tự do tôn giáo, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội.

Vai trò của QLNN về tôn giáo được thể hiện trong những nội dung chính sau:

Thứ nhất, vai trò của tôn giáo được thể hiện khác nhau qua từng thời kỳ lịch sử. Điều này cho thấy rằng, QLNN về nước về tôn giáo rộng, phức tạp, liên quan đến các vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh, trật tự.

Thứ hai, QLNN về tôn giáo là một trong những chức năng của nhà nước để đảm bảo cho công dân có quyền tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước [25, tr.55].

Thứ ba, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hóa đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta. Ngoài pháp luật về tôn giáo là công cụ của nhà nước để điều chỉnh các hoạt động tôn giáo, còn chịu sự điều chỉnh của các điều ước Quốc tế mà Nhà nước tham gia ký kết hoặc thừa nhận.

chua chau thoi
Chùa Châu Thới nằm trên núi Châu Thới, thuộc địa phận xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương

2. Tìm hiểu thực trạng quản lý nhà nước về tôn giáo từ thực tiễn tỉnh Bình Dương

Bình Dương là một vùng đất mới. Trong quá trình khai hoang, mở đất, làn sóng di cư từ khắp mọi miền đất nước với mọi ngành nghề đã đến Bình Dương khai phá, lập nghiệp. Trong quá trình di dân đã mang theo văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo của nhiều vùng miền khác nhau đến Bình Dương, làm cho tôn giáo của tỉnh ngày càng đa dạng và phong phú. Đó là sản phẩm của quá trình giao thoa văn hóa giữa các cộng đồng cư dân sống cộng cư và cận cư. Điều đó cho thấy, diện mạo các yếu tố của tôn giáo của từng tộc người cư trú trong bức tranh chung về tôn giáo ở Bình Dương.

Cùng với quá trình đô thị hóa, sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ tại Bình Dương đã thu hút lao động ở khắp các vùng miền trong cả nước, lao động nước ngoài cũng tìm đến đây như một địa điểm lý tưởng cho công ăn, việc làm. Đồng thời, chính từ sự phong phú của các tôn giáo đã tạo nên đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư rất đa dạng cho vùng đất Bình Dương, và tình hình tôn giáo có nhiều thay đổi đáng kể.

Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 7 tổ chức tôn giáo đang hoạt động và chính quyền tỉnh Bình Dương có thái độ ứng xử bình đẳng trước pháp luật đối với các tôn giáo, kể cả tôn giáo quốc tế (hầu hết các tôn giáo quốc tế đều có mặt trên địa bản tỉnh) và tôn giáo bản địa, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật giáo Hòa hảo; có 1.353 chức sắc, tu sĩ và 349.007 tín đồ các tôn giáo (chiếm 17,49% so với dân số toàn tỉnh), 312 cơ sở (278 cơ sở thờ tự) trong đó: Phật giáo 199, Công giáo 85, Cao đài 15, Tin lành 7, Hồi giáo 01 và Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam 5 [11].

chua tay tang
Chùa Tây Tạng tọa lạc tại phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Kể từ năm 2004 đến trước năm 2016 (trước khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 được ban hành) công tác QLNN về tôn giáo tuân theo các quy định của pháp luật nói trên, các văn bản đó đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên, sau khoảng 12 năm thực hiện hệ thống pháp luật về tôn giáo đã có những lạc hậu, bất cập và hạn chế nhất định, cần có giải pháp để hoàn thiện quy định pháp luật về tôn giáo. Trước tình hình đó, sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 có ý nghĩa hết sức quan trọng ở cả phương diện pháp lý và thực tiễn, cũng như hoạt động QLNN về tôn giáo.

Kể từ năm 2016 trở đi, tức là khi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời, hoạt động xây dựng chính sách pháp luật về tôn giáo và liên quan đến lĩnh vực này được quan tâm, như: Quyết định số 32/2018/QĐ-TTg ngày 03/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Quyết định số 198/QĐ-BNV ngày 31/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ ủy quyền cho Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; Quyết định số 199/QĐ-BNV ngày 31/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ,… điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và tầm quan trọng của QLNN về tôn giáo.

nha tho
Nhà thờ Chánh tòa Phú Cường tọa lạc tại Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương

Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các tôn giáo thực hiện sinh hoạt lễ nghi của mình, phát triển tín đồ, điều khiển công tác, sửa chữa xây dựng cơ sở thờ tự đúng theo quy định. Các tôn giáo sẽ tiếp tục phát triển, do xuất phát từ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của nhân dân (niềm tin tôn giáo, thực hành tôn giáo, cộng đồng tôn giáo), các giá trị văn hóa và nhân văn của các tôn giáo (nhiều cơ sở thờ tự là công trình văn hóa),… đòi hỏi sự quản lý đáp ứng yêu cầu hơn nữa của Nhà nước.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác QLNN về tôn giáo tại tỉnh Bình Dương vẫn còn những hạn chế tồn tại, vướng mắc như: hạn chế trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình theo quy định pháp luật, hạn chế về nguồn nhân lực và kinh phí. Cụ thể như: đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ thực hiện công tác tôn giáo ở cơ sở hoạt động kiêm nhiệm còn nhiều, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa đồng đều, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn.

Nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo được xác định, có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp không ổn định, bố trí chưa đạt tiêu chuẩn, yêu cầu công tác, còn “tay ngang” trong hoạt động xây dựng và thực thi chính sách pháp luật về tôn giáo. Việc bố trí ngân sách, quản lý, sử dụng kinh phí để tổ chức các hoạt động tôn giáo còn lúng túng, khó khăn, chưa kịp thời. Cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác tôn giáo còn thiếu, nhất là ở cơ sở. Khả năng huy động các nguồn lực xã hội để phục vụ cho công tác tôn giáo, chế độ đãi ngộ cán bộ làm công tác tôn giáo chưa được quan tâm đúng mức, vấn đề hợp tác quốc tế về tôn giáo vẫn còn hạn chế.

Việc phối hợp trong công tác tôn giáo đôi khi vẫn chưa thống nhất, phối hợp chưa tốt, chưa đồng bộ, chưa được chú trọng, hiệu lực và hiệu quả chưa cao, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm trong công tác QLNN về tôn giáo trên địa bàn. Một số cán bộ, công chức làm công tác QLNN về tôn giáo, nhất là ở các địa phương trên địa bàn tỉnh còn nhận thức giản đơn về chính sách pháp luật về tôn giáo, còn đồng nhất chính sách tôn giáo là pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo hay Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mà không xem xét đây là một tập hợp các văn bản có liên quan trong lĩnh vực tôn giáo. Cũng như, chưa phân biệt rõ ràng giữa QLNN về tín ngưỡng và QLNN về tôn giáo, nhất là trong giai đoạn “chuyển giao” Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 thay thế Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trước đây đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai chính sách pháp luật mới về tôn giáo vào trong đời sống thực tiễn tại địa phương trên địa bàn tỉnh.

thanh duong
Thánh đường Hồi giáo Al Muttaqin tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương

3. Kết luận

Nội dung QLNN về tôn giáo mặc dù được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền đã đạt được những kết quả thực tế khá cao, tại Bình Dương chưa xảy ra sự bất ổn nào về tôn giáo làm phức tạp, nhưng cũng gặp một số vấn đề khó khăn, vướng mắc bởi sự “nhạy cảm” của lĩnh vực này, cần được giải quyết một cách triệt để. Vì thế, tác giả mạnh dạn đề nghị vài quan điểm cải thiện khó khăn, vướng mắc sau đây:

Thứ nhất, cần thực hiện nguyên tắc pháp lý và giải pháp hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tôn giáo. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tôn giáo phải trên cơ sở quán triệt và cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo. Đây là một nguyên tắc mang tính bắt buộc trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tôn giáo. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhu cầu tôn giáo; pháp luật về tôn giáo phải phù hợp với nội dung của hệ thống pháp luật, thống nhất hữu cơ giữa các bộ phận trong hệ thống pháp luật (các chế định pháp luật, ngành luật và quy phạm pháp luật) được thể chế trong pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành. Có như vậy, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo mới đáp ứng được yêu cầu của việc hoàn thiện.

Thứ hai, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tôn giáo theo vị trí việc làm phù hợp với chức danh chuyên môn nghề nghiệp, được đào tạo bài bản, bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu pháp luật nói chung và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng.

Cần tiếp tục quán triệt nhằm chuyển biến, thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tôn giáo về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo. Chính điều này, sẽ làm cho tất cả nhân sự ở mọi vị trí công tác, nhất là cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tôn giáo, tiến hành hoạt động QLNN về tôn giáo ở những vùng, địa phương khác nhau, đặc biệt là nơi có đông tín đồ sinh sống luôn luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của công tác QLNN về tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tôn giáo. Hiện nay, chúng ta không có một văn bản hướng dẫn hay văn bản quy phạm pháp luật riêng về việc giải quyết các khiếu nại liên quan đến tôn giáo. Công tác giải quyết khiếu nại liên quan đến tôn giáo được dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại hiện hành, đặc biệt là dựa vào những quy phạm pháp luật và chủ trương chính sách về tôn giáo để giải quyết các khiếu nại liên quan đến tôn giáo, nên rất cần những quy định của pháp luật về tôn giáo, đáp ứng yêu cầu đặt ra của hoạt động QLNN về tôn giáo trong tình hình mới của đất nước hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2016), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
  2. Nguyễn Quốc Vũ (2013), Pháp luật về các tổ chức, cơ sở tôn giáo, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
  3. Hoàng Phê (2012), Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học), NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
  4. Lâm Sang (2018), Ban Tôn giáo tỉnh Bình Dương triển khai bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo theo Quyết định số 199/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, <http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/169/0/13263/Ban_Ton_giao_tinh_Binh_Duong_trien_khai_bo_thu_tuc_hanh_chinh_trong_linh_vuc_tin_nguong_ton_giao_theo>, (31/01/2019).
  5. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (2014) Quản lý nhà nước về tôn giáo từ thực tiễn tỉnh Bắc Giang, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
  6.