Hệ thống di tích thờ Tứ dương hầu Phạm Tử Nghi tại quận Lê Chân - Thành phố Hải Phòng

ThS. ĐÀO THỊ BÍCH NGUYỆT (Khoa Du lịch - Trường Đại học Hải Phòng)

 

TÓM TẮT:

Hải Phòng không chỉ được biết đến là một thành phố Cảng năng động, mà còn là một trong những thành phố có bề dày văn hóa - lịch sử lâu năm nhất cả nước. Để làm nên một Hải Phòng phát triển bền vững như ngày nay, người dân Thành phố luôn biết ơn sâu sắc và ghi nhớ công lao của các bậc danh tướng hiền tài đã có công bảo vệ, giữ gìn mảnh đất Hải Phòng suốt chiều dài lịch sử. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc tới vị danh tướng dưới thời nhà Mạc, người con của thành phố Hải Phòng - Tứ dương hầu Phạm Tử Nghi.

Từ khóa: Danh tướng thời Mạc, Tứ dương hầu Phạm Tử Nghi, danh tướng Hải Phòng, quận Lê Chân.

1. Giới thiệu về Tứ dương hầu Phạm Tử Nghi

  • Thân thế và sự nghiệp

Phạm Tử Nghi sinh ngày 2 tháng 2 năm Hồng Thuận (1590), mất ngày 14 tháng 9 năm Lê Quang Hưng (1578). Ông tên húy là Thành, tên chữ là Tử nghi. Ông nguyên là người Vĩnh Niệm, tổng An Dương, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải dương (nay thuộc địa bàn giữa hai phường Nghĩa Xá và Vĩnh Niệm - quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng).

Từ nhỏ ông đã thông minh, ham học hỏi và đặc biệt là có sức vóc hơn người. Con người Phạm Tử Nghi hội tụ đủ những phẩm chất, những điểm ưu việt để sau này được triều đình trọng dụng. Vào thời nhà Mạc, Phạm Tử nghi đã trờ thành một tướng cấp cao với tước Tứ Dương Hầu.

Theo các tài liệu lịch sử, năm 1546, vua Mạc là Mạc Phúc Hải chết, con trưởng là Mạc Phúc Nguyên lên nối ngôi. Vì vua còn nhỏ tuổi, Phạm Tử Nghi có chủ trương lập Mạc Chính Trung là con thứ của Mạc Đăng Dung nối ngôi nhưng các đại thần nhà Mạc không nghe. Phạm Tử Nghi bèn cùng với Mạc Văn Minh là cháu Mạc Đăng Dung đưa Mạc Chính Trung về Hoa Dương, huyện Ngự Thiên (nay thuộc Thái Bình) lập triều đình riêng. Quân nhà Mạc đã nhiều lần tấn công nhưng đều bị Phạm Tử Nghi đánh bại.

Theo Văn hóa Yên Hưng - Di tích, về sau Phạm Tử Nghi đưa Mạc Chính Trung ra chiếm cứ vùng Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay) và đánh cả sang vùng Quảng Đông, Quảng Tây của nhà Minh. Trong bản ngọc phả Nam Hải đại vương sao năm Tự Đức 22 (năm 1869), soạn giả đã mô tả những hoạt động của Tứ dương hầu Phạm Tử Nghi như sau:… Chiếm cứ Lưỡng Quảng rồi tiến hẳn đến Nam Kinh. Anh hào các nước đều phải bó tay, một trận tòa thắng lại giơ gươm chém cây cột đồng Mã Viện dựng lên thuở trước đến nay vẫn còn vết kiếm”.

Với tinh thần, chí khí của người anh hùng yêu nước, hành động của tướng Phạm Tử Nghi trên đất Minh đã làm đối phương phải nể phục và khiếp sợ, dám thẳng tay chém vào cây cột đồng Mã Viện - biểu tượng ách đô hộ của người phương Bắc với người phương Nam, đồng thời còn làm cho người Minh phải hoang mang sợ hãi. Hơn hết những sự này xảy ra này đều được xác nhận trong ghi chép của cả hai nước. Đây là minh chứng hùng hồn để thấy rằng nhân vật này tuy chỉ xuất hiện trong một thời điểm, một giai đoạn biến loạn của lịch sử nhưng đã để lại những dấu ấn nhất định, những oai danh không thể phủ nhận.

Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi là một danh tướng tài ba, hết lòng vì dân vì nước, đặc biệt với mảnh đất quê hương Vĩnh Niệm, Ngài cũng ghi dấu những công đức lớn lao. 

Về cái chết của Phạm Tử Nghi, theo Ngọc phả Nam Hải đại vương, trong khi Tử Nghi đang thắng trận, nhà Minh dùng kế sai người bắt cóc mẹ ông và ra điều kiện cho ông phải đầu hàng. Tử Nghi bèn xin giảng hòa để tạm bãi binh nhằm cứu mẹ. Nhưng khi ông đến hội ước giảng hòa thì người Minh liền bắt ông. Sau đó quân Minh chém ông, còn xác thì đốt thành tro, rắc cho gió thổi bay. Ngọc phả cũng chép tình tiết quanh vùng Tử Nghi bị chém, phát sinh ôn dịch, người và súc vật bị chết nên nhà Minh phải hậu táng cho ông.

Sử sách chép không thống nhất về thời gian chết của Phạm Tử Nghi. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, ông bị hại vào năm 1551; theo Đại Việt thông sử, ông mất năm 1549.

Theo Ngọc phả Nam Hải đại vương, ông mất ngày 14 tháng 9 âm lịch niên hiệu Diên Thành đời Mạc Hậu Hợp (1578-1585). Dân làng quê hương ông vẫn lấy ngày 14 tháng 9 âm lịch là ngày giỗ Phạm Tử Nghi.

Do công tích của Phạm Tử Nghi đối với lịch sử nên ông được các triều đại phong kiến Lê, Nguyễn sắc phong thượng đẳng thần. Tại Hải Phòng, ước có khoảng hơn 20 làng xã thờ Phạm Tử Nghi (hay còn gọi là đức Thánh Niệm) làm thành hoàng hoặc phúc thần.

tuong tho
Tượng thờ danh tướng Tứ Dương Hầu Phạm Tử Nghi
  • Những truyền thuyết và ghi chép lịch sử về Tứ dương hầu Phạm Tử Nghi

Phạm Tử Nghi không những là vị tướng, người anh hùng xuất thân từ địa phương, mà còn là người con có nhiều đóng góp cho xóm làng, quê hương.

Người con tài giỏi có sức khỏe phi thường này đã có công đắp con đường mang tên Thiên Lôi, đặc biệt hơn con đường đó còn là con đê ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đô. Đê dài khoảng 3 dặm (trên 2km). Sở dĩ con đường ông đắp mang tên Thiên Lôi vì tương truyền rằng khi tập võ, ông đã dùng gậy, thét lên một tiếng vang trời và quật nát những đống đất đắp hai bên đường. Người làng lúc ấy cho rằng ông là tướng Thiên Lôi trên trời được phái xuồng nên gọi đường ấy là đường Thiên Lôi. Con đê này ngày nay đã trở thành con đường sầm uất bậc nhất thành phố Hải Phòng và vẫn giữ nguyên tên Thiên Lôi vốn có của nó.

Nói đến sức mạnh phi thường của danh tướng Phạm Tử Nghi, người dân “Làng Niệm” vẫn còn truyền tụng nhau một số câu chuyện khác.

Có lần làng giao cho Phạm Tử Nghi mang tiền lên Kinh đô nộp thuế. Xong xuôi, ông dạo chơi qua bến cửa Đông, thấy quân lính đang chung sức kéo một cây gỗ lim. Ông tủm tỉm cười và nói nhỏ: “Những đồ vá áo túi cơm ấy thì sao có thể làm tròn được trách nhiệm nặng nề!” Có người nghe thấy mach với quan khâm sai. Sau quan lại vào tâu với Vua để bắt tội vô lễ. Vua truyền rằng, nếu một mình làm được sẽ trọng thưởng.

Phạm Tử Nghi vâng lệnh đến bên bờ sông, vác thốc cây gỗ đó lên, đến trước mặt Vua mà ném xuồng. Vua liền ban thưởng. Sau đấy văn võ bá quan còn chưa phục, Vua lại tiếp tục giao cho ông trị 3 con voi dữ ở cánh đồng Đồng Nhân, bảo vệ sự yên bình cho xóm làng. Phạm Tử Nghi xin phép luyện tập võ nghệ trong 3 tháng rồi đi đánh voi… Một trận đánh lớn đã diễn ra tưởng như quang cảnh trời sa đất thụt, sông cạn núi tàn. Phút chốc, cả 3 con voi, con thì chết, con thì què gãy.

Không chỉ có những truyền thuyết quanh thân thế sự nghiệp, danh tướng Phạm Tử Nghi còn có những truyền tích xung quanh cái chết của mình. Trong khi Tử Nghi đang thắng trận, nhà Minh dùng kế sai người bắt cóc mẹ ông và ra điều kiện cho ông phải đầu hàng. Tử Nghi bèn xin giảng hòa để tạm bãi binh nhằm cứu mẹ. Nhưng khi ông đến hội ước giảng hòa thì người Minh liền bắt ông. Khi biết mắc phải mưu gian của giặc, trước khi ngã ngựa, ông còn lớn tiếng mắng nhiếc bọn phản bội lời ước: “Chúng bay là lũ tiểu nhân, lòng chó má, tao thề sống chưa báo thù cho nước thì thác sẽ rửa hận cho nhà”. Sau đó quân Minh cho đao phủ chém đầu ông, đem bêu ở chợ, còn xác thì đốt thành tro, rắc cho gió thổi bay. Tương truyền rằng, ngay hôm ấy trên đất nhà Minh, dân mắc dịch lớn, súc vật chết hại rất nhiều, cả phương Bắc đều xáo động.

Trước oai linh của ông, nhà Minh phải hạ lệnh làm một hòm đá trong quan ngoài quách, đặt thủ cấp của ông vào trong rồi làm lễ công hầu mà tế đưa. Đặt hòm đá trên chiếc bè nhỏ, trên che một chiếc lọng xanh thả trôi theo dòng nước về phương Nam. Quách đá trôi đến Đầm Hồng thì có ông chài được Thần báo mộng, đem rước lên thuyền, thuyền không cần chèo, cứ thế trôi đi đến bến sông Niệm thì bè dừng lại. Sấm dậy, gió nổi ầm ầm trong làng từ quan viên đến trai tráng tề chỉnh ra rước hòm đá về Lăng Đôn Niệm hiện nay làm lễ an táng. Dân làng quê hương lập lăng, miếu, đền tôn thờ vị tướng mà khi còn sống thì làm kẻ thù phải kính nể, đến khi thác mà anh linh vẫn còn gây được tai họa khiến quân giặc phải khiếp sợ. Ngọc phả Phạm Tử Nghi còn cho biết, phàm là 2 bên bến bờ sông thuộc cả 2 nước nơi mà bè trôi qua đều có đền thờ ông.

Tuy trải qua nhiều thay đổi, nhưng người dân Làng Niệm xưa, người dân phường Vĩnh Niệm nay vẫn lưu giữ truyền thống thờ cúng, tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến Đức Thánh Niệm - Phạm Tử Nghi.

2. Hệ thống di tích thờ danh tướng Phạm Tử Nghi tại quận Lê Chân - thành phố Hải Phòng

Lê Chân là một quận nội thành của Hải Phòng với vị trí tiếp giáp quận Ngô Quyền và một phần quận Dương Kinh ở phía Đông; quận Kiến An, huyện An Hải ở phía Tây; quận Dương Kinh ở phía Nam và quận Hồng Bàng ở phía Bắc. Là quận duy nhất của thành phố Hải Phòng không có diện tích đất nông nghiệp, diện tích đất tự nhiên nhỏ, lại không có các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn, song quận Lê Chân lại là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Quận luôn ở mức 25 - 31%/năm trong nhiều năm qua.

Ngày 20/12/2002, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ban hành Nghị định số 106/2002/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Theo đó, quyết định sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã Vĩnh Niệm và Dư Hàng Kênh thuộc huyện An Hải vào quận Lê Chân. Thành lập phường Vĩnh Niệm và Dư Hàng Kênh thuộc quận Lê Chân. Trong đó, diện tích tự nhiên phường Vĩnh Niệm là 562,66 ha.

Tại quận Lê Chân có 4 di tích tạo nên một quần thể di tích thờ danh tướng Phạm Tử Nghi đáng tự hào của người dân Hải Phòng. Quần thể di tích đó bao gồm: miếu An Dương thuộc phường Niệm Nghĩa; di tích lịch sử cấp quốc gia Đình Niệm Nghĩa thuộc phường Vĩnh Niệm; di tích lịch sử cấp quốc gia Lăng Đôn Nghĩa thuộc phường Vĩnh Niệm và Từ chính Nghĩa Xá phường Nghĩa Xá.

Người dân quanh khu Vĩnh Niệm ngày nay vẫn còn truyền tai nhau câu ca dao nói về việc 3 lăng Đôn, Niệm, Nghĩa Xá chia nhau phụng thờ Đức thánh Niệm:

“Bể dâu thay đổi cuộc đời

Làng xưa Vĩnh Niệm sau dời làm ba

Làng Nghĩa Xã, đấy là nhà

Dựng ngôi đền chính, một tòa khang trang

Làng Đôn, lăng, miếu, đèn hương.

Còn làng Niệm Nghĩa phụ vương mộ phần.

Ba làng vẫn một tinh thần

Ấm no, hạnh phúc nhờ ân đức Người”

  • Miếu An Dương

Miếu tọa lạc trên đường Trần Nguyễn Hãn, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao sự biến đổi của thiên nhiên, nhưng ngôi miếu cổ vẫn giữ được nguyên vẹn cảnh quan kiến trúc.

Miếu An Dương gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, kết cấu hình chuôi vồ. Bên trong miếu còn lưu giữ rất nhiều đồ tế khí, hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng với những đường nét chạm trổ khéo léo và tinh xảo, thể hiện được tài điêu khắc của các nghệ nhân xưa.

Ngoài giá trị của một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ mang đậm bản sắc dân tộc, miếu An Dương còn là một di tích lịch sử, nơi đây là địa điểm bí mật của những chiến sĩ cách mạng, đồng thời cũng ghi lại nhiều tội ác của kẻ thù đối với những người yêu nước và các chiến sĩ trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.

Hàng năm, vào ngày sinh (2 tháng 2 âm lịch), ngày hóa (14 tháng 9 âm lịch) của Phạm Tử Nghi và dịp tết Nguyên Đán, nhân dân quanh vùng vẫn đến miếu dâng hương, để tưởng nhớ công lao và cầu mong được Ngài che chở trong cuộc sống.

  • Đình Niệm Nghĩa

Đình tọa lạc tại đường Nguyễn Sơn Hà thuộc phường Niệm nghĩa, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Đình Niệm Nghĩa hiện là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật còn khá nguyên vẹn.

Những người xây dựng Đình đã rất khéo léo trong việc lựa chọn địa điểm dựng Đình, nó không chỉ thỏa mãn nhu cầu địa linh và hướng đình, mà còn thuận lợi về giao thông thủy bộ để tập kết nguyên vật liệu xây dựng công trình thế kỷ của làng. Đình Niệm Nghĩa hiện nay mang phong cách nghệ thuật kiến trúc đình làng Việt Nam thế kỷ XIX. Dòng chữ Hán khắc chìm trên câu đầu của bộ vì giữa cho biết Đình được trùng tu xây dựng năm Tự Đức thứ 4 (năm 1851).

 Đình Niệm Nghĩa cổ hoàn toàn được làm bằng gỗ lim, bố cục hình chữ Công, gồm 5 gian tiền đường, hai gian nhà cầu (ống muống) và một gian hai dĩ hậu cung.

Cùng với kiến trúc nghệ thuật cổ, mái đình Niệm Nghĩa còn là nơi chở che, bảo tồn một số di vật quý có giá trị về lịch sử, nghệ thuật và văn hóa như nhang án tiền, long đình, kiệu bát cống, long ngai, tượng thánh, cuốn thư, hoành phi, câu đối,…

Với những giá trị về kiến trúc, năm 1996, đình Niệm Nghĩa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

  • Lăng Đôn Nghĩa

Lăng - miếu Đôn Nghĩa tọa lạc tại đường Phạm Tử Nghi, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Đây là nơi chôn cất một phần thi thể của danh tướng Phạm Tử Nghi.

don nghia
Khu di tích lăng - miếu Đôn Nghĩa

Khu di tích lăng - miếu Đôn Nghĩa đã trở thành một chỉnh thể công trình kiến trúc văn hóa, gồm bái đường, hậu cung, khu lăng mộ và khu vực cảnh quan thiên nhiên với vườn hoa chậu cảnh. Đặc biệt, số lượng cây cổ thụ gắn liền với khu vực lăng - miếu như đa, si, đại, góp phần làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm, u tịnh của khu di tích. Hiện nay, lăng - miếu Đôn Nghĩa còn bảo lưu được nhiều di vật cổ là đồ tế tự bằng gỗ sơn son thếp vàng rực rỡ, mang giá trị mỹ thuật thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX, như: cửa võng, kiệu bát cống, lonh đình, bát biểu, một số di vật là đồ đồng, đồ sứ như bộ tam sự, rùa, hạc, bát hương đồng và men sứ…

Toàn bộ khu lăng - miếu nằm trong hệ thống tường bao quanh có cổng xây cất theo lối chồng diềm 8 mái, bên trong cổng đặt bức bình phong xây theo lối cuốn thư soi bóng xuống hồ nước trong xanh phía sau kiến trúc tòa miếu thờ là khu lăng mộ Phạm Tử Nghi.

Hiện khu di tích lăng - miếu Đôn Nghĩa đã được tu tạo. Vào dịp kỷ niệm ngày sinh 2 - 2 và ngày hóa 14 - 9 âm lịch, lễ hội diễn ra đơn giản và có nhiều trò bách hý dân gian, thu hút khách thập phương đến với tấm lòng thành nơi tín ngưỡng tôn giáo của địa phương. Lăng - miếu Đôn Nghĩa được Nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử văn hóa năm 2001.

  • Từ chính Nghĩa Xá

Tọa lạc trên đường Thiên lôi - con đường đã được chính ông đắp lên khi sinh thời.

Nhân dân địa phương được truyền ngôn lại rằng: Từ Nghĩa Xá được xây dựng trên chính mảnh đất của gia đình Phạm Tử Nghi. Trải qua bao biến thiên của lịch sử quê hương đất nước, từ Nghĩa Xá đã bao lần thay dạng đổi hình để cuối cùng định vị với dáng vẻ hiện tại, một thực thể kiến trúc hiện hữu của nghệ thuật dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Trong quá trình phát triển và mở rộng đô thị Hải Phòng, làng quê Nghĩa Xá đã hòa nhập trong đời sống thị thành cùng nhiều làng xã cổ truyền khác như: An Biên, Gia Viên, Lạc Viên, Hàng Kênh… Làng Nghĩa Xá xưa chỉ còn là hình dáng lờ mờ trong hồi ức của các cụ già. Cảnh quan làng xưa, xóm cũ tuy không còn nữa nhưng tên tuổi và truyền thống lịch sử của nó mãi mãi vang vọng trong tâm thức của nhân dân thành phố nhờ ngôi cổ Từ rất đỗi thân quen.

Từ Nghĩa Xá vẫn giữ được nét tĩnh mịch, hư ảo của chốn linh thiêng. Mặt khác môi trường ấy càng làm tăng thêm giá trị kim ngân cho công trình, nó là cái cổ kính hiếm hoi trong muôn vàn cái mới nở tràn, được hun đúc từ ngàn năm được bảo lưu, trân trọng trong cái văn minh tiến bộ của tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt của thành phố.

Từ Nghĩa Xá được coi là ngôi đền tình nghĩa của nhiều thế hệ cư dân quê hương Phạm Tử Nghi và ông được tôn vinh là “Đức thánh Niệm”. Tên tuổi ông còn in đậm, thấm sâu trong lòng nhân dân, tương truyền ông rất linh ứng, bởi thế Từ Nghĩa Xá thờ ông được coi là một trong tứ linh từ của huyện An Dương xưa. Hàng năm, cứ vào ngày 14 tháng 9 âm lịch, nhân dân quang vùng nô nức trảy hội từ Nghĩa Xá, đình Niệm Nghĩa… và ngày hội trở thành một sinh hoạt văn hóa truyền thống sâu đậm của người dân Hải Phòng nói chung và “dân Làng Niệm xưa” nói riêng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ngô Sỹ Liên (2017), Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Văn học.
  2. Lê Hồng Sơn (2008), Văn hóa Yên Hưng - Di tích văn bia, câu đối, đại tự, NXB Chính trị Quốc gia.
  3. UBND tỉnh Hải Phòng, Cổng Thông tin thành phố Hải Phòng.