Việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên là một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Điện Biên.
Từ năm 2012 đến nay là giai đoạn Điện Biên triển khai các quy hoạch, nghị quyết, quyết định của Trung ương và của tỉnh về phát triển du lịch như: Quy hoạch khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1465/QĐ-TTg năm 2015; Nghị quyết 03-NQ/TU năm 2016 về phát triển du lịch Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Ban hành Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 04/10/2016 quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Điện Biên…
Vì vậy, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ đã phục hồi được một phần các dấu tích cơ bản, kịp thời bảo vệ các di tích thành phần quan trọng, như bảo tồn, tôn tạo khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng; di tích Đường kéo pháo và Trận địa pháo của Bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ; di tích cứ điểm Đồi A1; khu Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đặc biệt, xây dựng một số công trình tôn vinh chiến thắng như: Xây dựng Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1; Tượng đài Mừng công tại Bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng; hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ khách tham quan Công trình Nhà Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giai đoạn II trưng bày và giới thiệu gần 1.000 hiện vật gốc...
Nhờ đó, trong những năm gần đây, lượng khách đến tham quan tại các điểm di tích của quần thể Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt là Chiến trường Điện Biên Phủ tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2018, Điện Biên đã đón hơn 705.000 lượt khách du lịch (tăng 17,5%) so với năm 2017, trong đó khách quốc tế đạt 151.000 (tăng 25,8%) so với năm trước.
Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 145 cơ sở lưu trú du lịch với 2.197 buồng và 3.869 giường, trong đó: 1 khách sạn tiêu chuẩn 4 sao; một khu sinh thái đạt tiêu chuẩn 3 sao; 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao; 16 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2 – 3 sao; 32 nhà nghỉ phục vụ đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Để phát huy truyền thống đưa Điện Biên thành trung tâm du lịch hấp dẫn, ông Lê Văn Qúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: "Để tiếp tục công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã xây dựng, trình xin ý kiến Ban Bí thư Trung ương Đảng và đã được Trung ương Đảng đồng ý về chủ trương cho phép triển khai Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030…"
Về phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là các đô thị và các dịch vụ du lịch, thương mại, tài chính, xuất nhập khẩu; đồng thời tỉnh nâng cao chất lượng hiệu quả các dịch vụ công; trọng điểm là các điểm tái định cư; phát triển sản phẩm dịch vụ theo hướng đa dạng hoá các loại hình phục vụ sản xuất và đời sống, mở rộng ngành nghề và giải quyết lao động tại chỗ, đưa dịch vụ thành ngành kinh tế tiếp nối và nâng đỡ sản xuất vật chất trên cơ sở tạo thành chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-thương mại, nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ.