Lợi thế phát triển du lịch
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới Tây Bắc Việt Nam, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 nước Trung Quốc và Lào. Điện Biên cũng có Cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc, Cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc - Na Son, 02 lối mở A Pa Chải - Long Phú, Si Pa Phìn - Huổi Lả và Sân bay Điện Biên Phủ hiện đang khai thác đường bay Hà Nội - Điện Biên Phủ và đã được Chính phủ Việt Nam quy hoạch để đầu tư nâng cấp mở rộng để đón các máy bay A320, A321 và mở các đường bay mới từ Điện Biên đi các tỉnh, thành phố của Việt Nam và một số nước trong khu vực.
Với những lợi thế đó, những năm qua, nhiều Chương trình, Đề án, Quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt, đặc biệt ngày 24/8/2015 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang tỉnh Điện Biên đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Trên cơ sở đó UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên thành trọng điểm phát triển du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Cùng với việc phát triển hạ tầng hàng không, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ đã và đang được đầu tư, nâng cấp như: Hệ thống đường bộ đi Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, đi Lai Châu - Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ và các tỉnh Đông Bắc tạo thành cung kết nối giữa các tỉnh, vùng miền trong và ngoài nước, là cầu nối thuận lợi giữa khu vực Bắc Bộ với các tỉnh Bắc Lào, khu vực Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Thái Lan.
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Việc đầu tư phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh của du khách trong và ngoài nước. Nhiều công trình du lịch, thiết chế văn hóa được đưa vào sử dụng, tạo điểm nhấn quan trọng để tỉnh tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội gắn với các hoạt động quảng bá và phát triển du lịch của tỉnh. Đến nay, hầu hết di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục và phát triển, các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú từng bước được xây dựng. Các hoạt động du lịch, dịch vụ đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, tạo nguồn thu không nhỏ cho ngân sách tỉnh, góp phần nâng cao tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trên địa bàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Đến nay Điện Biên đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách về du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng. Lượng khách đến Điện Biên năm 2018 đạt trên 705.000 lượt khách, trong đó có trên 151.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.155 tỷ đồng. Hoạt động du lịch cũng góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, các tỉnh Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Hấp dẫn nhiều loại hình du lịch
Là tỉnh có địa hình đa dạng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với hệ sinh thái đa dạng, nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, có 19 dân tộc cùng chung sống với nền văn hóa đa dạng tạo nên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng...
Toàn tỉnh hiện có 21 di tích được xếp hạng, trong đó, nổi bật nhất là quần thể Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ - là quần thể các di tích gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp và khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2015.
Điểm nhấn để thu hút du khách và quảng bá phát triển du lịch bằng các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn, các lễ hội được tổ chức thường niên như Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Thành Bản Phủ, Lễ hội Đua thuyền Đuôi Én... Cùng với các tài nguyên sẵn có, điểm nhấn này đã và đang trở thành tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và là những nguồn lực vô cùng quan trọng giúp du lịch tỉnh Điện Biên phát triển trong thời gian tới với các loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái, hướng đến mục tiêu du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và là động lực phát triển kinh tế xã hội.
Để phát huy hết tiềm năng thế mạnh về du lịch, Điện Biên cần thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể để phát triển ngành du lịch trong đó tập trung sớm triển khai các nội dung trong Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030. Hoàn thiện công tác lập Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng và quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang làm cơ sở để kêu gọi thu hút đầu tư. Giành ưu tiên cơ chế đặc thù khuyến khích các Nhà đầu tư lớn tham gia phát triển các dự án du lịch cao cấp tại Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích phát triển du lịch, huy động sự ủng hộ và khuyến khích nhân dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch. Quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, quan tâm đặc biệt đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ du lịch