Quần thể di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ được quy tụ thành một cụm di tích liên hoàn bao gồm các hạng mục như đồi Him Lam, nơi xảy ra trận đánh mở màn chiến dịch; đồi A1 nơi xảy ra trận đánh hết sức ác liệt, ta và địch giành nhau từng tấc đất; cầu Mường Thanh, nơi quân ta vượt qua để tiến công vào sào huyệt cuối cùng của giặc Pháp,….
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nằm đối diện với nghĩa trang liệt sĩ A1, là nơi lưu giữ các hiện vật của ta và địch trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hiện nay Bảo tàng có 2 khu trưng bày:
Ngoại thất: gồm 112 hiện vật, là những loại vũ khí của QĐND VN và QĐ Pháp sử dụng trong chiến dịch ĐBP.
Nội thất: Là nơi lưu giữ trưng bày 274 hiện vật và 202 bức ảnh tư liệu được trưng bày theo 4 chủ đề chính.
Đồi A1
Di tích Đồi A1 nằm ở phía đông trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là một điểm, độ cao có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi phía Đông bảo vệ trung tâm Mường Thanh. Tại đây địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc. Trận tiến công cứ điểm Đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Qua 39 ngày đêm chiến đấu ác liệt, tại đây quân đội Việt Nam đào một đường hầm đặt khối thuốc nổ nặng gần 1000kg và cho điểm hỏa vào đêm ngày 6 tháng 5 năm 1954. Đến sáng 7-5-1954 ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1 mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào sở chỉ tập đoàn cứ điểm giành thắng lợi hoàn toàn.
Hầm Đờ Cát
Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên Phủ, xung quanh hầm là những hàng rào dây thép gai và những bãi mìn dày đặc, bốn góc là 4 chiếc xe tăng và phía tây là một trận địa pháo bảo vệ. Hầm dài 20m và rộng 8m, chia làm bốn ngăn, là những phòng làm việc và nghỉ ngơi của bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tại căn hầm này, tướng Đờ Cát đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao của Anh, Pháp, Mỹ và các nhà báo lên thăm Điện Biên Phủ. Đúng 17h30 phút ngày 7/5/1954, đồng chí Tạ Quốc Luật, đại đội trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, Đại đoàn 312 đã phất cao lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” trên nóc hầm Đờ Cát kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Tượng đài chiến thắng
Tượng đài chiến thắng được đặt trên đỉnh đồi di tích D1 nằm ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. Tượng đài được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2004) . Đây là cụm tượng bằng đồng thuộc nhóm cao, to và nặng nhất Việt Nam từ trước tới nay. Tượng đài chiến thắng – một công trình nghệ thuật kiến trúc vĩ đại, biểu tượng tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồi Him Lam
Được coi là nơi trọng yếu có nhiệm vụ bảo vệ khu trung tâm, án ngữ con đường huyết mạch từ Tuần Giáo vào Điện Biên. Đây là trung tâm đề kháng kiên cố nhất phía Đông Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, do một đơn vị thiện chiến của quân đội Pháp thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 chiếm đóng. Cứ điểm Him Lam bị quân đội nhân dân Việt Nam tiêu diệt trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954) và đây cũng là nơi ghi nhận gương hy sinh anh dũng của liệt sỹ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai.
Đồi Độc lập
Nằm ở phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nay thuộc xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Với nhiệm vụ án ngữ con đường Lai Châu – Điện Biên nhằm ngăn chặn đường tấn công của bộ đội ta từ hướng Bắc vào và bảo vệ cho sân bay Mường Thanh, tại đây quân đội Pháp bố trí nhiều hỏa lực mạnh và những tiểu đoàn lính tinh nhuệ đã từng chinh chiến ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhưng chỉ sau hai ngày đầu của chiến dịch Cứ điểm đồi Độc Lập đã bị quân đội ta tiêu diệt sau cứ điểm Him Lam đánh dấu sự sụp đổ không thể tránh khỏi của toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Đường kéo pháo
Đây là tuyến đường kéo pháo đã đi vào huyền thoại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam – Quân đội nhân dân Việt Nam. Chỉ với những dụng cụ rất thô sơ: cuốc, xẻng, búa ,… bằng sức người và lòng yêu nước, lòng quyết tâm, quân và dân ta đã mở những tuyến đường kéo pháo trên các sườn núi quanh co hiểm trở và dùng sức người để kéo pháo vào trận địa.
Đây là những con đường kéo pháo độc đáo bậc nhất trên thế giới vì đây là con đường kéo pháo hoàn toàn bằng tay. Những con đường này thể hiện hi sinh gian khổ, tinh thần quyết tâm, ý chí sắt đá của quân và dân ta trong chiến dịch. Và trên tuyến đường kéo pháo lịch sử ấy đã ghi nhận tấm gương hy sinh anh dũng của Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện lấy thân mình cứu pháo.
Cầu Mường Thanh
Chiều 7/5/1954, trong khí thế thừa thắng xông lên, bàn chân dép lốp của các chiến sĩ Quân Đội Nhân Dân Việt Nam rầm rập băng qua cầu Mường Thanh tiến thẳng vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ghi dấu sự sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân tại Điện Biên Phủ. Cầu Mường Thanh là cây cầu dã chiến bắc qua sông Nậm Rốm, do người Pháp xây dựng sau cuộc nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Cuối cùng cây cầu lại trở thành phương tiện đưa đường cho bộ đội ta tiến công, cắm lá cờ Quyết chiến quyết thắng lên nóc hầm của viên bại tướng Đờ Cát (De Castries).
Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng
Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên cách Thành phố Điện Biên Phủ 25 km về phía Đông (theo đường chim bay). Tại đây hiện còn lưu giữ được nhiều di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu như hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hầm Thiếu tướng Hoàng Văn Thái.v.v…
Ngoài giá trị văn hoá lịch sử, rừng Mường Phăng còn là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên. Tuy nằm ở vị trí ngoại vi Thành phố Điện Biên Phủ nhưng Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là một điểm tài nguyên du lịch không thể tách rời trong quần thể di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bia tưởng niệm Noong Nhai
Bia tưởng niệm Noong Nhai thuộc địa phận xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, nơi xảy ra vụ thảm sát đẫm máu của Thực dân Pháp giết hại 444 đồng bào các dân tộc Điện Biên vào ngày 25 tháng 4 năm 1954 khi mà Chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra vô cùng ác liệt.
Ngoài những di tích đáng kể trên, ở Điện Biên còn phải nhắc đến di tích Đèo Pha Đin gắn với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, các di tích gắn với người thiếu niên dân tộc anh hùng Vừ A Dính ở xã Pú Nhung (đều thuộc huyện Tuần Giáo), nhà tù Lai Châu (Thị xã Mường Lay)…
Có thể nhận thấy, hệ thống di tích lịch sử cách mạng của tỉnh Điện Biên là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hết sức có giá trị đối với việc phát triển du lịch trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, việc khai thác các di tích cách mạng phát triển du lịch không chỉ phục vụ cho du khách tham quan tìm hiểu mà còn có ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng và phát triển nhân cách cho các thế hệ con cháu Việt Nam.