Các nước theo đạo Hồi trong khu vực ASEAN bao gồm Bờ- ru-nây, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a. Tuy đều là các nước theo đạo Hồi, nhưng mỗi nước lại có cách hành xử riêng.
ở một số nước theo đạo Hồi, nói chung phụ nữ không được đi làm, không tham gia công tác xã hội, nên khi tiếp xúc với các doanh nhân theo đạo Hồi, nếu trong đoàn đàm phán có nữ thì người phụ nữ phải ăn mặc kín đáo, không nên mặc váy ngắn mà nên mặc váy dài tới gót chân, tốt nhất mặc comple, tóc phải dùng khăn che lại vì người đàn ông theo đạo Hồi cho rằng tóc là “bộ phận sexy” nhất và chỉ có chồng mới được chiêm ngưỡng.
Trong lúc gặp nhau trước khi vào đàm phán, người Hồi giáo thường bắt tay nhẹ, hơi cúi đầu chào và có nụ cười nhẹ là tốt nhất. Sau bắt tay, người Hồi giáo để hai tay trước ngực biểu thị lời chào đó là xuất phát từ trái tim, nhưng chỉ làm với người cùng giới. Người nước ngoài không phải bắt buộc nhưng nếu có cử chỉ tương tự sẽ gây ấn tượng với doanh nhân người Hồi giáo. Được đánh giá cao khi hơi cúi đầu nhẹ nhàng chào phụ nữ Hồi giáo.
Theo quy định của người Hồi giáo thì hàng năm, họ phải ăn chay vào tháng Ramadan (tháng thứ 9 theo lịch Hồi giáo). Tháng này họ không ăn thịt và chỉ ăn khi trời tối, hơn nữa, phải làm lễ 5 lần/ngày. Tuần của người Hồi giáo được tính từ thứ 7 đến thứ 4 tuần sau và họ nghỉ vào ngày thứ 5 và thứ 6. Vào thời điểm này, người Hồi giáo không quan tâm đến chuyện làm ăn trong tháng ăn chay, do đó thương nhân người nước ngoài nên chú ý để lên lịch làm việc.
Lịch sự là điều quan trọng nhất trong thành công đối với người châu á. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có những sự khác nhau trong giao tiếp. Thí dụ, trong khi người phương Tây không thích hỏi về đời tư thì người Ma-lai-xi-a lại thường bắt đầu bằng câu hỏi, anh đã có vợ chưa, thu nhập của anh thế nào...? Vì lịch sự, người Hồi giáo không bao giờ cắt lời người nói chuyện, không chỉ trích, không thể hiện những điều tiêu cực và họ cũng mong được đối xử như vậy. Ngoài việc tính đến sự hoà thuận trong đàm phán, còn có yếu tố khác ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của thương nhân In-đô-ne-xi-a. Trước tiên họ tập trung vào sự liên hệ giữa chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ đó đối với mối quan hệ cá nhân. Cho dù chất lượng không hoàn toàn như họ mong muốn, nhưng nếu quan hệ bạn bè giữa hai bên khăng khít thì họ vẫn có thể ký hợp đồng. Giá cả thường không quan trọng bằng các điều khoản thanh toán có lợi cho họ như trả chậm, với lãi suất thấp hay chiết khấu cao sẽ thúc đẩy họ ký hợp đồng.
Trong đàm phán, nghi lễ ký kết được coi là quan trọng và được thực hiện rất nghiêm chỉnh. Nhân vật cao cấp, người có thể không xuất hiện trong các buổi đàm phán hàng ngày, có thể được mời ra để tiến hành ký kết.
Với các doanh nghiệp cỡ vừa ở In-đô-nê-xi-a, nhà kinh doanh nước ngoài chỉ cần thông báo trước cuộc gặp trong một thời gian ngắn. Những công ty lớn mới cần đặt lịch trước một tuần.
Người In-đô-nê-xi-a hay cười trong những tình huống mà người nước ngoài cho là không thích hợp. Ví dụ, như nhà đàm phán In-đô-nê-xi-a bỗng bật cười khi buổi đàm phán đang căng thẳng. Đây là hành động nhằm che dấu sự hồi hộp, lo lắng chứ không phải bông đùa.
Doanh nhân Ma-lai-xi-a tính toán rất cẩn thận và đưa ra quyết định rất chậm. Hơn nữa, các quyết định phải phù hợp với giáo lý đạo Hồi. Do đó, người nước ngoài nên tìm hiểu kỹ đạo Hồi để không đưa ra những yêu cầu trái với quy định của giáo lý mà dẫn đến thất bại.
Nhìn chung, các nhà kinh doanh nước Ma-lai-xi-a không ưa mạo hiểm. Họ có thể không yên tâm và thậm chí miễn cưỡng khi phải đưa ra các quyết định có ảnh hưởng nhiều hay ít đối với công việc kinh doanh quốc tế khác của họ. Người Ma-lai-xi-a biểu thị thái độ lịch sự qua việc đặt câu hỏi lựa chọn. Ví dụ, thay vì hỏi: “Theo ngài yêu cầu của chúng tôi là hợp lý chứ?” . Họ hỏi: “Yêu cầu của chúng tôi có phù hợp với phía quý ngài hay không” hoặc “ Quý ngài có thể tán thành điều khoản này hay không”.
Một sự nhầm lẫn giữa các nền văn hoá với các câu phủ định. Chẳng hạn, khi nhà đàm phán Mỹ hỏi: “Các ngài không vừa lòng với điều kiện này sao?”, đối tác người Ma-lai-xi-a gốc Hoa trả lời: “Vâng” với hàm ý “Vâng, tôi không đồng ý”. Song người Mỹ lại hiểu là: “Vâng, tôi hài lòng” .
Trong khi tiếp xúc với những người Hồi giáo, khi chúng ta nghe thấy tên của họ rất dài thi đừng thấy thế mà buồn cười. Vì, nói chung, người nào càng lắm chức vụ, càng được tôn kính thì tên của họ càng dài.
Qua những điều trên, chúng ta có thể rút ra bài học là, khi làm ăn với đối tác nước ngoài thì nhất thiết phải tìm hiểu kỹ tập quán, phong tục và tôn giáo của họ để tìm ra cách giao tiếp có lợi nhất cho việc tiến hành các giao dịch.