Đặt vấn đề
Song hành với nguồn lực vật chất, các tôn giáo còn có nguồn lực to lớn về tinh thần, thể hiện ở những giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo. Trong đó, trung thực là một giá trị phổ quát của văn hóa - đạo đức tôn giáo.
Trong quá trình phát triển của mỗi một tôn giáo, một số nghi lễ, tập tục có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thời đại và địa phương. Nhưng trung thực, cùng với những giáo luật, lời răn về tính trung thực vẫn giữ nguyên những giá trị từ khởi thủy, và trở thành một giới luật trong các mối quan hệ từ gia đình, cộng đồng đến tổ chức xã hội, sản xuất, kinh doanh.
Trong chiến lược phát triển đất nước qua các thời kỳ, Đảng, Nhà nước ta nhìn nhận và đánh giá tích cực những khía cạnh đạo đức và văn hóa của tôn giáo, cũng như những đóng góp của tôn giáo đối với xã hội, qua đó, ban hành nhiều chính sách phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước.
Nguồn lực to lớn
Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng. Người dân Việt Nam có truyền thống sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng từ lâu đời. Các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có những tín ngưỡng riêng gắn liền với đời sống kinh tế và tâm linh của mình.
Việt Nam cũng là một trong những nước sớm tiếp nhận các tín ngưỡng, tôn giáo. Đạo Phật được truyền vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên. Với đạo Công giáo, nhiều nhà nghiên cứu sử học Công giáo lấy năm 1533 là thời mốc đánh dấu việc truyền đạo Công giáo vào Việt Nam. Theo tư liệu lịch sử, người Việt tiếp nhận đạo Hồi từ thế kỷ X đến thế kỷ XI.
Do đó, có thể nói, văn hóa, đạo đức tôn giáo ở nước ta đã có bề dày lịch sử, có những đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng đạo đức, văn hóa Việt Nam; đồng thời có sự điều chỉnh uyển chuyển cho phù hợp với đời sống xã hội và được cộng đồng chấp nhận.
Nếu đức tính “trung thực” được đa số cộng đồng thế tục người Việt Nam cắt nghĩa rằng, đó là sự thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc; luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kỳ việc gì; thì Phật giáo đã làm sâu sắc và phong phú thêm những giá trị truyền thống đạo đức ấy bằng điều răn “không nói dối”. Nói dối theo Phật giáo có bốn cách: Nói sai sự thật, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác.
Nói sai sự thật là chuyện có nói không, chuyện không nói có, việc phải nói trái, việc trái nói phải; điều nghe nói không nghe, điều không nghe nói nghe. Nói thêu dệt là việc ít nói nhiều, nói thêm bớt để mê hoặc người nghe. Nói lưỡi hai chiều nghĩa là đến chỗ này thì nói hùa với bên này để nói xấu bên kia, đến bên kia thì nói hùa bên ấy để nói xấu bên này.
Đạo Phật cấm nói dối nhằm bảo tồn sự trung tín trong xã hội, rất phù hợp với quan niệm đạo đức của người Việt Nam.
Đạo đức của Công giáo được thể hiện ở 10 điều răn, trong đó có 7 điều khuyên răn về đạo đức. Trong 7 điều răn về đạo đức có 3 điều răn về tính trung thực: Không được gian tham lấy của người khác; không được làm chứng dối; không được che giấu sự gian trá.
Trong Đạo Hồi cũng có những tiêu chí rèn luyện cá nhân và kiến tạo cộng đồng, nhấn mạnh vào tính trung thực trong mối quan hệ hài hòa giữa các cá nhân hay các nhóm dân cư, tính chính trực, lòng khoan dung, đức hi sinh, và sự quan tâm tương trợ người nghèo khó và đau khổ.
Những điều răn dạy, giới luật về tính trung thực của các tôn giáo không chỉ giúp cộng đồng những nguyên tắc ứng xử phù hợp với đạo đức xã hội, mà còn thúc đẩy xây dựng những chuẩn mực đạo đức kinh doanh, tuân thủ những cam kết với khách hàng và người tiêu dùng.
Trong kinh doanh, chuẩn mực đạo đức tôn giáo có ảnh hưởng tích cực đến đồng thời 3 nhân tố: Chủ thể làm kinh tế, mục tiêu làm kinh tế và phương thức làm kinh tế. Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, giá trị đạo đức trung thực của các tôn giáo càng phát huy tính ưu việt của mình, giúp cho chủ thể làm kinh tế dễ dàng vượt qua những hàng rào kỹ thuật, thông qua việc bảo đảm sự trung tín, bảo đảm lợi ích cho đối tác, khách hàng.
Giá trị đạo đức trung thực của tôn giáo hiện diện trong ứng xử xã hội hay sản xuất kinh doanh đều có sức lan tỏa to lớn, bền bỉ đến toàn cộng đồng. Giá trị trung thực hướng các tín đồ đến làm lành, lánh dữ, chăm chỉ làm ăn, biết sống vì cộng đồng - là những nhân tố tác thành nên nguồn lực cho sự phát triển bền vững trong mỗi gia đình và cộng đồng.
Tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi
Trung thực - nguồn lực tinh thần vô cùng to lớn được nhân lên gấp bội khi thẩm thấu giá trị đạo đức này vào hơn 24,5 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 27% dân số Việt Nam. Đây là nguồn nhân lực, vật lực quan trọng có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Giá trị tinh thần cùng nguồn nhân lực, vật lực này được Nhà nước ta tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; coi trọng chính sách đoàn kết và hòa hợp giữa các tôn giáo, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật; các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo được phát huy.
Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo, của công dân Việt Nam được quy định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp quy khác như Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục, Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Ngày 12 tháng 3 năm 2003, Hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW về công tác tôn giáo. Trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành cần thống nhất nhận thức về quan điểm phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong phát triển đất nước: “Công tác vận động quần chúng các tôn giáo phải động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc; thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào tôn giáo”.
Ngày 10/01/2018 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nội dung của Chỉ thị đã nâng lên một bước nhận thức về nguồn lực của tôn giáo là: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”.
Những chính sách trên đã tạo thuận lợi, cơ hội cho các tôn giáo ghi dấu ấn văn hóa - đạo đức của mình, trong đó có giá trị trung thực lên các loại hình văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đạo đức trung thực của các tôn giáo hiện diện trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội đất nước, góp phần tạo nên một nguồn lực to lớn, sự đồng thuận, hòa hợp xã hội, đoàn kết dân tộc, bình đẳng giới, trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong giải quyết an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường...