Đó là đề xuất xây dựng Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp – nơi hội tụ cả 3 nhà: Nhà quản lý, Nhà khoa học, Nhà sản xuất (doanh nghiệp).
Nói là không mới, bởi trong Quyết định 754/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, khái niệm về hình thành các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp cũng đã được đề cập. Tuy nhiên, với đề xuất của Viện Công nghiệp Thực phẩm lại nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của các nhà quản lý bởi tính khả thi mà Viện đưa ra.
Theo PGS.TS.Vũ Nguyên Thành – Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm, thì ý tưởng thành lập Trung tâm này, đặt tại Viện Công nghiệp Thực phẩm là bởi sau một thời gian làm việc với các đối tác doanh nghiệp, Viện nhận thấy nhu cầu kết nối giữa người có công nghệ và người cần công nghệ rất lớn.
Vì vậy, xây dựng một Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp - nơi mà Nhà nước rót một số vốn nhất định thành lập các xưởng thực nghiệm qui mô pilot lớn cho các loại sản phẩm. Nhà khoa học có ý tưởng có thể đến đây để trung tâm hỗ trợ nghiên cứu ra sản phẩm. Doanh nghiệp có thể đến đây đặt hàng ý tưởng để nhà khoa học nghiên cứu làm theo. Có thể hiểu nó như một sàn giao dịch khoa học nơi nhà khoa học và doanh nghiệp có thể gặp nhau, doanh nghiệp bỏ chút tiền, nhà nước bỏ chút tiền để cùng nhau đẩy mạnh sự phát triển của KHCN.
Cũng theo PGS.TS.Thành, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được cấu trúc bởi hai phần, phần mềm và phần cứng.
Phần mềm là cơ sở thông tin, là đội ngũ mạng lưới chuyên gia, là chính sách, là danh sách các nhà cung cấp trang thiết bị cũng như các nhu cầu của doanh nghiệp. Còn phần cứng là phòng thí nghiệm, là các xưởng trình diễn công nghệ, các showrooms trang thiết bị.
Hiện Viện Công nghiệp Thực phẩm đã làm việc với các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp cung cấp công nghệ lẫn doanh nghiệp cung cấp trang thiết bị đều sẵn sàng hưởng ứng và đóng góp phần của mình trong Trung tâm. Viện cũng đề nghị, Trung tâm sẽ cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong giai đoạn đầu, khi chưa hoạt động, chưa kết nối được các đối tượng với nhau, để xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin, cũng như cung cấp một số trang thiết bị. “Tôi nghĩ sau thời gian đầu, Trung tâm có thể tự tồn tại mà không cần sự hỗ trợ của Nhà nước xuất phát từ đóng góp của Trung tâm đối với xã hội, đối với doanh nghiệp” – ông Thành khẳng định.
Vẫn theo phân tích của Viện Công nghiệp Thực phẩm, vai trò của Nhà nước trong Trung tâm này thể hiện ở chỗ quyết định xem công nghệ nào mình cần hỗ trợ, mảng nào cần ưu tiên thì Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa. Còn phần nào thuần túy lợi nhuận thì Nhà nước có thể giảm vai trò của mình mà lúc đấy doanh nghiệp phải đứng ra để nhận trách nhiệm đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay một số chính sách về quản lý tài sản công có thể sẽ là rào cản, bởi đầu tư cho KHCN khá đặc thù, không thể quy định giống như nhà cửa đất đai. Do đó, vấn đề chia sẻ quyền lợi giữa Nhà nước và doanh nghiệp sẽ là việc phải bàn rất kỹ và có cơ chế phù hợp.
Ông Thành dẫn ví dụ thực tế tại Viện Công nghiệp Thực phẩm. Cách đây 1 năm, Viện được dự án Cồn nguyên liệu do UNIDO và quĩ GEF (quỹ môi trường toàn cầu) tài trợ xây dựng một Xưởng Cồn sinh học, chuyển giao công nghệ từ Thái Lan sang Việt Nam. Khi các chuyên gia Thái Lan sang chuyển giao công nghệ, Viện sau đó lại tiếp tục đào tạo lại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Xưởng công suất 2.000 lít/mẻ, đủ lớn để có thể sử dụng thông số trong nghiên cứu, tính toán số liệu. Vì vậy, Xưởng khá đắt hàng. Doanh nghiệp nào muốn thử công nghệ thì đến đây thuê 1 đến 2 tuần, có khi cả tháng, Viện sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp thực nghiệm. Doanh nghiệp phải trả tiền điện nước, nhân công nhưng họ không phải trả chi phí đầu tư, chi phí vận hành, nên rất thuận lợi cho họ.
Ông Thành cho biết thêm, tuy Xưởng thiết kế tương đối đơn giản nhưng lại đầy đủ từ A đến Z kể cả phòng nghỉ của nhân viên, do đó, hiện Xưởng đang chạy gần như tối đa 100% công suất.
Thực tế, mô hình một Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang hoạt động trong các mô hình vườn ươm doanh nghiệp. Với ý tưởng này, Viện Công nghiệp Thực phẩm hy vọng có thể tập trung nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp vào cùng một chỗ để có thể tìm được tiếng nói chung, vì mục tiêu phát triển KHCN gắn liền với thực tiễn sản xuất.
Trong Quyết định 754/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nhiệm vụ chính để hoàn thiện cơ chế, chính sách tái cơ cấu ngành Công Thương là: Nghiên cứu xây dựng mô hình các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp hoặc tích hợp với các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong các đề án khác về công nghiệp hỗ trợ, đổi mới công nghệ trong các hoạt động đánh giá, chế tạo, thử nghiệm, hoàn thiện và làm chủ công nghệ phục vụ phát triển các sản phẩm, trong đó ưu tiên các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển.