Viện Năng lượng triển khai công việc trực tuyến, quyết liệt tuân thủ phòng, chống dịch Covid-19

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Viện Năng lượng đã áp dụng tối đa công nghệ thông tin, mạng Internet, các công nghệ VPN, FTP, họp trực tuyến... để phục vụ các hoạt động của Viện.

Là đơn vị đang triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến nghiên cứu, tham mưu, tư vấn chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển năng lượng, điện lực cho ngành Công Thương, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Công Thương, Viện Năng lượng đã áp dụng tối đa công nghệ thông tin, mạng Internet, các công nghệ VPN, FTP, họp trực tuyến... để phục vụ các hoạt động của đơn vị.

viện năng lượng

Nghiệm thu hệ thống PCCC tự động phun sương bảo vệ MBA 220kV-250MVA thứ 2 TBA 220kV Tây Hà Nội, Dự án do Viện Năng lượng là đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế

 

Nhanh chóng thích ứng yêu cầu chống dịch Covid-19

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã liên tục có các chỉ thị rốt ráo, quyết liệt để yêu cầu các đơn vị thực hiện giãn cách xã hội, không tập trung hội họp đông người và làm việc ở nhà nếu có thể. Ngay từ đầu tháng 3/2020, Viện Năng lượng cũng đã chủ động triển khai các hoạt động theo yêu cầu của Bộ và nhanh chóng thích ứng với phương thức làm việc mới: Làm việc tại nhà và xử lý công việc qua công nghệ thông tin.

Trước thời điểm 1/4/2020, tại Viện, các hình thức bắt buộc như đo thân nhiệt khách đến làm việc; công chức, viên chức và người lao động (CBCNV) đi làm phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng dung dịch rửa tay sát khuẩn… đều được áp dụng. Các cuộc họp tập trung dần được thay thế bằng họp trực tuyến, các chuyến đi công tác, hội nghị, hội thảo được tạm hoãn, việc tiếp khách nước ngoài cũng được tạm dừng…

Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Viện đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch bệnh theo từng cấp độ lây lan dịch, thực hiện triệt để, tuân thủ các biện pháp dự phòng, cách ly theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn, với phương châm: “Dự phòng cho bản thân, cơ quan, gia đình và cộng đồng”.

Bắt đầu từ ngày 20/3/2020, Viện đã thí điểm triển khai cho một số CBCNV thuộc một số đơn vị bước đầu thử nghiệm làm việc tại nhà để thực hiện giãn cách xã hội và chủ động chuẩn bị các điều kiện cho các phương án làm việc online tại nhà, phù hợp với các cấp độ diễn biến của dịch bệnh. Các CBCNV làm việc ở nhà đảm bảo yêu cầu máy tính kết nối internet, Wifi, điện thoại phải thường trực để sẵn sàng giải quyết công việc. Bộ phận IT của Viện đảm bảo để CBCNV truy cập máy chủ đặt tại Viện để khai thác dữ liệu dùng chung. Đối với các công việc được phân công làm việc online tại nhà đều có yêu cầu về chất lượng, tiến độ, thời gian gửi báo cáo kết quả cho chủ nhiệm đề án, Lãnh đạo đơn vị theo tiến độ và chất lượng đã thống nhất.

Do đó, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg, công bố cách ly toàn xã hội, Viện Năng lượng đã chủ động triển khai để CBCNV làm việc ở nhà và xử lý công việc qua công nghệ thông tin. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, Lãnh đạo Viện và lãnh đạo các đơn vị phân công thường trực luân phiên tại cơ quan Viện, đồng thời giải quyết, xử lý công việc qua chữ ký số, điện thoại, máy tính có kết nối mạng. Mọi giao dịch lên Bộ Công Thương được thực hiện qua cổng eMOIT đã được triển khai tại Bộ từ tháng 6/2019.

viện năng lượng
Anh Trịnh Ngọc Sơn đang họp trực tuyến trao đổi với nhóm nghiên cứu về thực hiện đề án "Thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất 3"

 

Đảm bảo tiến độ, chất lượng các đề án, đề tài nghiên cứu

Có thể nói, từ khi dịch bệnh xảy ra, các hoạt động của Viện Năng lượng diễn ra bình thường, Viện tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc tham mưu, tư vấn hoạch định các chiến lược, chính sách và quy hoạch phát triển bền vững ngành năng lượng, điện lực cho Đảng, Chính phủ và Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dịch vụ tư vấn khoa học công nghệ năng lượng, điện lực, kết hợp với các với các đối tác trong và ngoài nước, nghiên cứu các dự án phát triển lưới điện, nguồn điện; bảo đảm cung ứng điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước và cho nhu cầu tiêu dùng điện của toàn xã hội.

Viện đang tập trung cao nhất để hoàn thành tốt việc lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, có xét đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Chính phủ trong năm 2020. Tích cực triển khai đề tài cấp nhà nước thuộc chương trình KC05: Nghiên cứu, thử nghiệm đốt than kèm chất phụ gia để tăng hiệu suất và giảm phát thải khí ô nhiễm cho nhà máy nhiệt điện đốt than và các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ năm 2020. Thực hiện dịch vụ tư vấn khoa học công nghệ cho hàng trăm công trình, dự án phát triển nguồn điện, lưới điện.

Chị Phạm Đông Hải – Chủ nhiệm nhiệm vụ “Đề xuất hệ thống chứng nhận phát thải carbon trên một đơn vị sản phẩm nhằm thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu chủ lực theo hướng tăng trưởng xanh” (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020) cho biết, ứng phó với dịch Covid-19, Viện đã triển khai cho các CBCNV có thể làm việc tại nhà giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Chị và các đồng nghiệp ngoài việc truy cập vào kho cơ sở dữ liệu chung, đều chủ động làm việc nhóm, trao đổi với nhau qua email, hoặc team zalo, miễn sao công việc được hiệu quả, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ đề ra. Ngay cả việc kết nối với các đối tác để thực hiện nhiệm vụ, nhóm của chị cũng tận dụng tối đa mạng Internet để làm việc đạt hiệu quả.

viện năng lượng
Chị Phạm Đông Hải chủ yếu làm việc trên máy tính để kết nối các chuyên gia làm việc nhóm, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề tài nghiên cứu

 

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, Viện đã yêu cầu toàn thể CBCNV nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức và trách nhiệm chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh của Ban Bí thư Trung ương Đảng; của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; của Chính phủ và Bộ Công Thương; tuân thủ các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; các quy định của Bộ Y tế; đồng thời vẫn song hành hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Đây là giai đoạn khó khăn nhưng cũng là cơ hội để Viện có thể hoàn thiện hơn nữa hệ thống công nghệ thông tin, thích ứng với một Chính phủ số và hòa nhập với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Hồ Nga