Việt – Hàn nâng cao chuỗi giá trị thủ công nghiệp

Vừa qua, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ và Hội thảo giới thiệu Dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam”. Dự án do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phối hợp

Điểm nhấn quan trọng của dự án là việc phối hợp xây dựng và thành lập Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc tại Hà Nội do Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc (KIDP) – Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc hỗ trợ. Trung tâm sẽ tập trung vào các hoạt động nâng cao năng lực thiết kế, đào tạo, hội thảo và tư vấn về thiết kế cho các doanh nghiệp Việt Nam và kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà thiết kế trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Dự án cũng sẽ thành lập và vận hành kênh thương mại điện tử, hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm có thiết kế tốt của Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là sang thị trường Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, ngành thủ công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và phát triển kinh tế của Việt Nam. Ngành đóng góp lớn cho sự phát triển của các vùng nông thôn, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần giảm khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn và giảm đói nghèo. Việc mở rộng các hoạt động xuất khẩu và thương mại, các kênh bán buôn và bán lẻ, tăng cường hệ thống thương mại điện tử và phát triển sản xuất là những hoạt động có ý nghĩa đóng góp cho sự phát triển của ngành.

Tuy nhiên, mặc dù ngành thủ công nghiệp ngày càng phát triển, nhưng chuỗi cung ứng và cơ cấu phân phối phức tạp đã cản trở tăng trưởng thu nhập thực tế của người dân ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, công tác thiết kế, đặc biệt là thiết kế mẫu mã, tạo dáng sản phẩm, bao bì sản phẩm, thiết kế đồ họa, thiết kế xây dựng thương hiệu… có vai trò quan trọng, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm lại không được quan tâm đúng mức. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh đến những yếu kém của khâu thiết kế sản phẩm, theo đó, từ mẫu mã đến hính thức của bao bì vẫn chưa tạo ra được những đột phá và đang là yếu tố chính cản trở giá trị gia tăng của sản phẩm thủ công nghiệp. Nhiều năm nay các nhà sản xuất của Việt Nam vẫn cho rằng tốt gỗ hơn tốt nước sơn nhưng quan niệm này cần phải thay đổi để đáp ứng với nhu cầu thực tế của thị trường và xu thế hội nhập.

Ông Kim Saeng – Tham tán công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, trong lĩnh vực thiết kế nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung, Việt Nam và Hàn Quốc còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Đây là lý do để hai quốc gia, các doanh nghiệp, chuyên gia hai nước phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nữa. Sau 25 năm Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ, giá trị hợp tác giữa hai quốc gia đã tăng gấp nhiều lần trên nhiều lĩnh vực. Dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam” được triển khai lần này là một trong những hoạt động góp phần giúp cho mối quan hệ giữa 2 nước ngày càng thêm gắn bó.
Trên thực tế, thiết kế chính là lĩnh vực giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia có bước phát triển nổi trội, bứt phá. Chính vì vậy, việc thành lập Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc được rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chờ đợi.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Tạ Hoàng Linh

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới, đòi hỏi Cục Xúc tiến thương mại phải liên tục đổi mới để bắt kịp nhu cầu doanh nghiệp, đồng thời phải đi tiên phong trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu phát triển những năng lực mới, những năng lực nền tảng để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, nhất là những đổi mới sáng tạo.

Cục Xúc tiến thương mại đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều doanh nghiệp và các nhà thiết kế Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng loạt khám phá ấn tượng của một thế hệ doanh nghiệp và doanh nhân, các nhà thiết kế mới khao khát vươn lên để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ những sản phẩm xuất khẩu chủ lực có thế mạnh của Việt Nam. Các doanh nghiệp này đã chú trọng vào thiết kế và xây dựng thương hiệu để có thể tham gia vào liên kết chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc triển khai Dự án hy vọng sẽ đem lại nhiều kết quả thiết thực, nâng cao năng lực thiết kế và xuất khẩu cho các doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và góp phần tăng trưởng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam.