Điểm kết nối quan trọng
Sáng ngày 26/10/2016, bên lề Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8 và Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mê Công, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia PAN Sorasak đã ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia.
Điểm nhấn của Bản Thỏa thuận này là Campuchia dành cho Việt Nam là những ưu đãi đặc biệt chỉ dành cho Việt Nam, cao hơn những ưu đãi mà Campuchia cam kết với các nước thành viên ASEAN khác, do đó, sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn so với hàng hóa của các nước khác trên thị trường Campuchia.
Cụ thể, phía Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% áp dụng đối với 29 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia, bao gồm sữa và kem, tinh bột sắn, sản phẩm thịt, chế phẩm từ gạo, bánh kẹo, sơn, sản phẩm nhựa, giấy, gốm sứ, sắt thép và sản phẩm sắt thép.
Ngược lại, Việt Nam dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho 39 mặt hàng của của Campuchia, phần lớn là nông sản nguyên liệu gồm thịt, phụ phẩm tươi sống, chanh, thóc gạo, bánh gato, lá thuốc lá nguyên liệu (theo hạn ngạch), sản phẩm nhựa, sách vở, vải dệt, xe đạp. Đây chính là nguồn nguyên liệu để doanh nghiệp nước ta thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác
Theo các chuyên gia, Việt Nam, Campuchia ký kết Bản Thỏa thuận nói trên là diễn tiến mới nhất phản ánh xu thế kết nối kinh tế, đang trở thành một nội dung ưu tiên mạnh mẽ hơn của các nước Khu vực sông Mekong.
Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar từ lâu đã nhận ra Mekong là điểm kết nối quan trọng ở châu Á. Tuy nhiên, 3 hạn chế của nó là khoảng cách phát triển với các nền kinh tế khác trong ASEAN còn lớn, lợi thế lao động chi phí thấp đang giảm dần, và biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo, đang là rào cản hiện hữu.
Do đó, đẩy mạnh kết nối kinh tế Khu vực Mekong không chỉ là động lực phát triển cho từng nước, mà còn trở thành một lợi thế chung của khu vực, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư châu Á và thế giới.
Địa chỉ tin cậy
Cho đến nay, các nước trong Khu vực Mekong đã xây dựng nhiều kênh hợp tác về kinh tế, đầu tư, du lịch. Điển hình là Sáng kiến Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) với 11 chương trình ưu tiên: (i) Các tuyến trục bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin liên lạc; (ii) Hành lang kinh tế Bắc - Nam; (iii) Hành lang kinh tế Đông - Tây; (iv) Hành lang kinh tế phía Nam; (v) Các tuyến liên kết điện năng và thương mại điện năng; (vi) Khung khổ chiến lược môi trường; (vii) Tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư qua biên giới; (viii) Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân và khả năng cạnh tranh; (ix) Phát triển nguồn nhân lực và các kỹ năng; (x) Quản lý nguồn nước và phòng chống lũ; (xi) Phát triển du lịch tiểu vùng GMS.
Trong khung khổ chung đó, các nước xây dựng những định chế hợp tác song phương và đa phương. Có thể kể là Tam giác phát triển CLV (Việt Nam, Lào, Campuchia) tập trung vào các lĩnh vực: giao thông vận tải, thương mại, điện lực, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và y tế; Hợp tác bốn nước Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam (CLMV) trong các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.
Việt Nam là nước năng động trong dòng
chảy kết nối Khu vực Mekong, nhất là trong hợp tác thương mại, đầu tư và du
lịch. Về đầu tư, trong 8 quốc gia nhận vốn đầu tư nhiều nhất của doanh nghiệp
Việt Nam lên tới 17,1 tỷ USD, chiếm 85% tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước
ngoài, thì riêng các nước Khu vực Mekong (Lào, Campuchia, Myanmar) đã chiếm 53%
số vốn.
Về du lịch, Việt Nam cùng các nước Mekong tăng cường hợp tác du lịch hướng tới mục tiêu “5 quốc gia - 1 điểm đến” trên cơ sở phát huy tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của khu vực. Thực hiện tầm nhìn chiến lược này, tháng 4 vừa qua, Việt Nam đã tổ chức tọa đàm cấp Bộ trưởng về phương hướng tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các quốc gia trong khu vực.
Có thể nói, hiện nguồn lực dẫn dắt con đường đi lên của Khu vực Mekong chính là sự kết nối về ý tưởng phát triển bền vững trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ IV mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mekong ngày 26 tháng 10 vừa qua rằng, thông qua kết nối các nước Mekong sẽ trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho nhà đầu tư quốc tế.