Hội chợ nhằm thúc đẩy phong trào tiết kiệm năng lượng, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng xanh và tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về ý thức tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, sinh hoạt, đồng thời tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, mô hình tiết kiệm năng lượng, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Việc sử dụng hợp lí, tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay. Trong bài phát biểu của ông Hoàng Minh Lâm, chuyên gia của Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội tại Lễ khai mạc Hội chợ thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là việc áp dụng các biện pháp quản lí và kĩ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn đảm bảo nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và đời sống. Mặt khác, cần đẩy mạnh việc khai thác nguồn năng lượng tái tạo sẵn có của từng địa phương. Trong Hội thảo về “Triển vọng đầu tư và phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo ở Việt Nam” (một trong những chương trình tại Hội chợ), ông Hoàng Tiến Dũng, Viện trưởng Viện Năng lượng –Bộ Công Thương nhấn mạnh: Với vị trí địa lí, khí hậu và các hoạt động nông nghiệp có thể khẳng định, Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo khá dồi dào và đa dạng gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối, nhiên liệu sinh học, địa nhiệt. Ngân hàng thế giới cũng đã ước tính Việt Nam có thể phát triển điện gió trên diện tích chiếm khoảng 8% diện tích cả nước (tương ứng khoảng 102 nghìn MW); mỗi năm nước ta có khoảng 2000 - 2500 giờ nắng với cường độ bức xạ trung bình khoảng 4,5KWh/m2/ngày tương đương với tiềm năng khoảng 43,9 triệu tấn dầu quy đổi mỗi năm; nước ta còn là một nước nông nghiệp, hàng năm các phế thải sau thu hoạch và sau chế biến đã tạo ra một nguồn năng lượng sinh khối dồi dào, quy đổi ra dầu tương đương khoảng 43- 46 triệu tấn.
Có thể thấy tiềm năng phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn và cần được chú trọng đầu tư đúng mức nhằm tận dụng tối đa nguồn năng lượng sẵn có này thay cho nguồn năng lượng truyền thống đang trong tình trạng cạn kiệt. Tuy nhiên, hiện nay các dạng năng lượng tái tạo vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, bởi vậy cần có kế hoạch và đầu tư thích đáng cho điều tra, bổ sung các số liệu, để tiến tới quy hoạch, phân vùng các dạng năng lượng này để có kế hoạch đầu tư, khai thác hợp lí.
Ngày nay, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và bảo tồn năng lượng đã trở thành chính sách của nhiều quốc gia trên thế giới vì liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường sống, là nguồn lực để phát triển kinh tế- xã hội. Tại Việt Nam, trong những năm qua đã đẩy mạnh các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hướng tới sử dụng nguồn năng lượng xanh, nguồn năng lượng thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao của nền kinh tế quốc dân, đồng thời bảo vệ tốt môi trường, khai thác hợp lí các nguồn tài nguyên năng lượng. Trong khuôn khổ chương trình hội chợ triển lãm là các hội thảo nhằm phổ biến kiến thức như Hội thảo về “Dán nhãn năng lượng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” nhằm mục đích nhận biết, phân biệt hàng hóa về phương diện tiết kiệm năng lượng, tạo thị trường cạnh tranh về phương diện sử dụng năng lượng, khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa có hiệu suất năng lượng cao và đây sẽ là công cụ kiểm soát khi việc dán nhãn là bắt buộc; Hội thảo “Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tòa nhà”; Hội thảo về “Triển vọng đầu tư và phát triển năng lượng mới và năng lượng tái tạo ở Việt Nam” đưa ra nhiều giải pháp để ứng dụng các mô hình tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà, các mô hình xây dựng kiến trúc, công trình xanh…; Hội thảo “Công nghệ khí hóa và các ứng dụng” giới thiệu về các nguồn nguyên liệu sinh khối tại Việt Nam như rơm rạ, trấu, bã mía … và Hội thi “Ý tưởng sản phẩm sáng tạo chủ đề tiết kiệm năng lượng của học sinh, sinh viên” khuyến khích phong trào nghiên cứu, sáng tạo trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, cùng nhiều hoạt động đa dạng khác nhằm hướng tới một mục tiêu chung của toàn nhân loại: mục tiêu phát triển bền vững.