Theo Forbes, số tỷ phú kiếm tiền trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch tăng từ 54 vào năm 2010 lên 88 vào năm 2015, cùng với đó tài sản của họ tăng từ hơn 200 tỷ đô la lên hơn 300 tỷ đô la. Điều này có nghĩa, nhiên liệu hoá thạch (than đá, dầu mỏ) là một trong những ngành kinh doanh “hái ra tiền”.
Nhưng đó là chuyện cũ rồi. Nay nhiều nhà đầu tư đang thoái vốn khỏi các ngành công nghiệp gây hại cho khí hậu Trái đất, trong đó có ngành khai thác và chế biến nhiên liệu hoá thạch. Cụ thể, theo CNN, 1.100 tổ chức và 59.000 cá nhân, với tổng tài sản trị giá 8,8 nghìn tỷ USD, đã cam kết thoái vốn khỏi ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch thông qua phong trào trực tuyến DivestInvest.
Phong trào này kêu gọi các nhà kinh doanh: "Chúng ta sẽ chỉ giải quyết biến đổi khí hậu bằng cách chuyển nhanh chóng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng bền vững". Nổi bật trong số này là nam tài tử Leonardo DiCaprio. Sau khi quyên góp 5 triệu đô la cho chiến dịch cứu rừng Amazon, anh vừa ký một cam kết cùng một nhóm 22 cá nhân giàu có từ Hà Lan, rút vốn khỏi 200 công ty dầu khí và than đá.
Càng giàu có về vật chất bao nhiêu càng gây hại cho môi trường bấy nhiêu. Tổ chức liên minh quốc tế Oxfam ước tính lượng khí thải carbon trung bình của một trong số 1% người giàu nhất thế giới có thể gấp 175 lần một trong số 10% người nghèo nhất. Càng sở hữu nhiều thứ, càng đi du lịch nhiều, mua nhiều hàng xa xỉ, đốt lò sưởi để làm ấm/dùng máy lạnh để làm mát các lâu đài, biệt thự, đi siêu xe… càng làm tăng tiêu hao nhiên liệu cũng như gây hiệu ứng nhà kính. Không còn sớm nữa để thay đổi. "Chúng ta phải có những lựa chọn mới để có cuộc sống “giàu có” không phụ thuộc vào của cải vật chất" - thông điệp chuyên gia Đại học Bern, Thụy Sĩ, gửi tới các nhà giàu thế giới.
Còn các nhà giàu Việt Nam?
Hôm qua, bài báo về người giàu ngàn tỷ, chủ tịch tập đoàn Thiên Minh, Trần Trọng Kiên vừa trở thành 1 trong 7 doanh nhân Việt đầu tiên cam kết tài trợ trọn đời cho Quỹ thiện nguyện giáo dục của Đại học Fulbright Việt Nam, lan toả mạnh mẽ một tinh thần nhà giàu mới Việt Nam.
Doanh nhân 7X này chia sẻ: "Khi tôi có nhiều tiền hơn một chút, cuối cùng tôi nhận ra rằng, lúc đầu ta có thể kiếm tiền vì nhu cầu tiêu dùng của mình; nhưng khi kiếm tiền đến một mức nào đó, thì dù có kiếm thế hay nhiều hơn nữa cũng không thể thay đổi mức sống của mình thêm được nữa. Nên những năm trở lại đây, tôi không quan tâm giá trị tuyệt đối của số tiền tôi kiếm được. Tôi quan tâm đến việc mình sẽ dùng nó để tăng trưởng và đóng góp như nào để cho cộng đồng mà tôi đang sống sẽ tốt dần lên...".
Doanh nhân Trần Trọng Kiên chỉ là một trong số những Người Giàu của Việt Nam và thế giới. Tôi gọi họ là Người Giàu vì họ không chỉ có nhiều tiền, mà họ biết trả lời cho câu hỏi “Tiền-nhiều-để-làm gì” một cách có ích nhất cho cộng đồng.
Tôi ước được như họ...
Mà nói thật, Việt Nam ta nhiều người lắm tiền chứ người giàu hiếm lắm!