Việc Việt Nam tham gia cuộc đua giảm lãi suất không phải là điều bất ngờ vì lựa chọn chính sách ở thời điểm này không có nhiều. Hàng loạt ngân hàng trung ương các nước đã xuất phát sớm trong cuộc đua này. Tháng 7/2019 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lần đầu tiên sau một thấp kỷ đã quay lại tiến trình giảm lãi suất. Hàng loạt quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Australia, New Zealand... cũng đã giảm lãi suất.
Theo số liệu của Ngân hàng Mỹ (Bank of America), tính đến giữa tháng 9 đã có 40 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới tham gia cuộc đua giảm lãi suất và mới nhất là ECB. Riêng trong tháng 8, cuộc đua thu hút tới 23 ngân hàng trung ương hành động. Đến ngày 19-20/9, FED sẽ lại họp và khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm nay.
Buộc phải tham gia cuộc chơi?
Tại sao Ngân hàng Nhà nước chọn thời điểm này để cắt giảm lãi suất điều hành, khi cuộc đua đã được khởi động từ lâu? Câu trả lời có lẽ nằm ở sức ép mới xuất hiện, mà có thể là động thái giảm dự trữ bắt buộc 0,5% của Trung Quốc hôm 6/9 và có hiệu lực từ 16/9. Trước đó ngày 25/4 Trung Quốc cũng đã giảm 1% dự trữ bắt buộc. ECB tham gia cuộc đua ở cấp độ mạnh mẽ hơn và FED chắc chắn cũng sẽ không “chùn bước”.
Khi các cường quốc và khu vực tăng tốc trong cuộc đua giảm lãi suất, phá giá đồng tiền thì tính chất căng thẳng đã khác hẳn giai đoạn trước. Đồng VND của Việt Nam lại duy trì mức giá “quá ổn định” giữa bối cảnh hàng loạt đồng tiền khác sụt giá. Ngân hàng Nhà nước cũng có vài động thái nhằm giảm giá đồng nội tệ như tăng tỷ giá trung tâm lên. Đến đầu tháng 9 tỷ giá trung tâm đã được tăng 308 đồng/USD tương đương tăng 1,35% so với cuối năm 2018. Tỷ giá trung tâm thậm chí còn cao hơn cả tỷ giá mua vào của các ngân hàng thương mại.
Thế nhưng theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, tỷ giá trung tâm tăng xấp xỉ 1,4% trong 8 tháng mà đồng VND lại chỉ giảm giá 0,1% so với USD trong cùng thời gian. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng mua USD cũng không thay đổi gì nhiều đối với tỷ giá. Theo Công ty chứng khoán SSI, nguyên nhân là do 5/8 đồng tiền trong rổ tiền tệ để xác định tỷ giá trung tâm USD/VND là EUR, CNY, SGD, KRW, TWD đều giảm giá mạnh so với USD.
Đồng nội tệ ổn định cũng không phải là xấu, thậm chí có lúc được xem là thành tựu trong chính sách điều hành tiền tệ. Tuy nhiên cuộc đua giảm lãi suất, phá giá đồng tiền đang ngày càng căng thẳng hơn. Đồng VND mạnh gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, đồng thời kích thích nhập khẩu đặc biệt là nhập siêu mạnh từ Trung Quốc.
Thông thường việc Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất là nhằm tăng cung tiền, giảm chi phí vay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên Việt Nam dường như không phải vậy vì tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn rất khá, hoạt động sản xuất tăng trưởng. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI duy trì trên 50 (ngưỡng mở rộng sản xuất) sang tháng thứ 45 liên tiếp. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 10,5% trong tháng 8/2019 so với cùng kỳ. Doanh số bán lẻ 8 tháng tăng 9%...
Việc chủ động tăng tỷ giá trung tâm, tung tiền mua USD, giảm lãi suất tín phiếu dường như đã không nhiều hiệu quả trong việc hạ giá tiền đồng. Việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành có thể phát đi thông điệp mạnh mẽ hơn. Quả vậy, sau khi giảm lãi suất, tỷ giá VND/USD đã tăng lên một chút.
Vì vậy, nhìn nhận động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa qua có lẽ là một bước đi bắt buộc nhằm hạn chế tổn thương trong lĩnh vực thương mại. Hàng Trung Quốc dư thừa và được hỗ trợ bởi đồng tiền yếu có thể sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam, chưa kể là nguy cơ đi đường vòng để xuất khẩu sang Mỹ.
Thị trường chứng khoán hưởng lợi lớn?
Giảm lãi suất là điều rất có lợi đối với thị trường chứng khoán, lý thuyết là như vậy. Việc cung tiền dồi dào, lãi suất đi vay thấp sẽ đẩy giá mọi loại tài sản lên, trong đó có chứng khoán và vàng. Các đợt tăng trưởng lớn của thị trường chứng khoán nói chung đều gắn liền với chính sách nới lỏng tiền tệ.
Việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước lần này cũng đang được kỳ vọng lớn sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng, hoặc ít nhất là các nhà đầu tư mong đợi như vậy. Tuy nhiên ảnh hưởng thực tế đến đâu vẫn cần có thời gian kiểm chứng.
Trong ngắn hạn ảnh hưởng trực tiếp và nhanh nhất là tâm lý. Suy luận thông thường luôn gắn liền việc nới lỏng tiền tệ với tăng giá chứng khoán. Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất điều hành, thị trường chứng khoán đã có phiên tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 2,5 tháng. Tác động tâm lý trước hết lôi kéo mối quan tâm của nhà đầu tư quay lại với thị trường. Mức thanh khoản sụt giảm đáng kể thời gian qua đang cho thấy sự cạnh tranh mạnh từ các kênh đầu tư khác như vàng và trái phiếu doanh nghiệp. Thống kê cho thấy giá vàng trong nước 8 tháng đầu năm 2019 đã tăng 16%, chỉ số VN-Index tăng 10,3% và lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trung bình vào khoảng 10%/năm.
Sau cú sốc tích cực ngắn hạn, thị trường chứng khoán sẽ chuyển sang giai đoạn phân tích lý tính. Việc giảm lãi suất điều hành có thật sự làm tăng nguồn tiền giá rẻ vào thị trường hay không. Ví dụ, lãi suất cho vay đòn bẩy tại các công ty chứng khoán có giảm xuống từ mức 13-14% hiện tại? Lãi suất cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường (không phải các lĩnh vực ưu tiên) có giảm?
Việc giảm lãi suất cho vay đôi khi tách biệt với các mức lãi suất điều hành vì phụ thuộc vào nguồn vốn của các ngân hàng cũng như chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cụ thể. Lãi suất liên ngân hàng những ngày cuối tháng 8 đột ngột nóng lên. Đến ngày 3/9 lãi suất qua đêm là 4,75%/năm dù ngày 15/8 chỉ mới 2,95%/năm. Đến ngày 11/9 lãi suất qua đêm vẫn còn 3,19%/năm. Lãi suất qua đêm tăng cao cộng với việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động thông qua chứng chỉ tiền gửi cho thấy nhu cầu vốn đang tăng lên.
Nếu ngân hàng không có nguồn dư giả để cho vay thì không hẳn sẽ đến Ngân hàng Nhà nước để vay với lãi suất thấp rồi cho vay lại nền kinh tế. Việc giảm các lãi suất điều hành không tác động trực tiếp đến nguồn vốn của ngân hàng hoặc chỉ mang tính khuyến khích như giảm lãi suất tái chiết khấu, giảm lãi suất tín phiếu... Do đó, việc chờ đợi các tín hiệu giảm lãi suất cho vay mới là điều cụ thể của ảnh hưởng trong động thái nới lỏng tiền tệ. Kể cả về dài hạn, nền kinh tế có được hưởng lợi hay không, có “ngấm chính sách” hay không thì vẫn phải là chi phí thực tế.