Tốc độ tăng trưởng này càng đáng thất vọng trong bối cảnh hàng loạt yếu tố hỗ trợ vĩ mô xuất hiện cả trong và ngoài nước. Trong nước, ngày 30/6/2019 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết với nhiều thay đổi có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và dự báo sẽ giúp gia tăng kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tới 20% vào năm 2020. Bên ngoài, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt khi hai nước tái khởi động đàm phán từ trung tuần tháng 7 và Mỹ không áp thêm thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Đặc biệt xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn thế giới đang có dấu hiệu đảo ngược. Cả EU lẫn Mỹ đều rục rịch các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Đây được cho là động lực kéo dài hơn chu kỳ bùng nổ của các thị trường tài sản nói chung, trong đó có thị trường chứng khoán toàn cầu.
Chứng khoán Việt quá trì trệ
Những con số thống kê tăng trưởng của các thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2019 và 2 tuần đầu tháng 7/2019 cho thấy thị trường Việt Nam đang ở nhóm tăng trưởng kém nhất.
Tính từ cuối năm 2018, chỉ số VN-Index đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng khoảng 9,3%. Trong khi đó các thị trường khác đều tăng tốt hơn nhiều. Nhóm gần với Việt Nam có Chứng khoán Trung Quốc tăng 17,5%, Chứng khoán Hồng Kông tăng 10,2%, Singapore tăng 9,4%, Nhật Bản tăng 8,4%, Hàn Quốc tăng 2,24%, Đài Loan tăng 11,3%.
Việt Nam vượt một số thị trường như Singapore, Nhật, Hàn Quốc, nhưng đó là các thị trường đang gặp rắc rối. Nhật Bản và Hàn Quốc vướng vào căng thẳng thương mại khi Nhật hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu công nghệ cao cho Hàn Quốc. Thực tế chỉ số Kospi của Hàn Quốc bắt đầu giảm mạnh từ giữa tháng 5 còn Việt Nam giảm ngay từ tháng 3/2019.
Thậm chí ngay với thị trường Singapore, mức tăng trưởng còn tốt hơn Việt Nam dù con số tăng GDP quý 2/2019 gây sốc với mức âm so với quý 1 và so với cùng kỳ 2018 chỉ tăng 0,1%. Singapore là quốc gia trung chuyển xuất khẩu và bị thiệt hại nặng nề từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Cả ba khu vực gồm sản xuất, xây dựng và dịch vụ đều suy giảm lần lượt 6%, 7,6% và 1,5% so với quí trước.
Nếu so sánh với các thị trường phát triển, tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam còn thấp hơn nữa: Chỉ số S&P 500 của Mỹ từ đầu năm tới giữa tháng 7/2019 tăng 20,2%, chỉ số DJIA tăng 17,2%, chỉ số Nasdaq tăng 24,3%.
Nếu như thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng từ các yếu tố vĩ mô kém tích cực thì mọi việc là hợp lý. Tuy nhiên Việt Nam lại có nền tảng kinh tế được xem là ổn định và tăng trưởng tốt trên thế giới. GDP của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng 6,76%, được thúc đẩy bởi tăng trưởng mạnh mẽ về tiêu dùng và sản xuất trong khi vốn đầu tư của khu vực nước ngoài và tư nhân tiếp tục cải thiện. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 2,64% trong 6 tháng - mức thấp nhất trong 3 năm qua.
Một điểm cũng đáng lưu ý là kinh tế tăng trưởng tốt trong cả hai quý nhưng phần lớn mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ tập trung trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, từ cuối năm 2018 đến đỉnh cao nhất của thị trường giữa tháng 3/2019, chỉ số VN-Index tăng 13,37%. Đó là tốc độ tăng trưởng không kém. Thế nhưng toàn bộ quý 2, chứng khoán Việt Nam chỉ lao dốc giảm, do đó thu hẹp mức tăng chung.
Trong khi đó các thị trường khác tăng trưởng trải đều cả hai quý theo đúng diễn biến vĩ mô. Đặc biệt với thị trường Mỹ - thị trường có tính dẫn hướng đối với các thị trường chứng khoán khác - chỉ số S&P 500 liên tục lập đỉnh cao mới trong lịch sử sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có tín hiệu hòa hoãn. Với Việt Nam, EVFTA được ký kết cuối tháng 5/2019 là một thông tin tích cực quan trọng có ảnh hưởng tới tăng trưởng dài hạn. Tuy vậy kể từ sau thông tin này, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng chưa tới 4% trong khi Mỹ tăng trưởng gần 11% trong cùng thời gian.
Nguyên nhân nội tại
Khi không thể lý giải được diễn biến của thị trường chứng khoán lạc nhịp với các tiến triển vĩ mô, các nguyên nhân chỉ có thể tìm thấy ở chính nội tại của thị trường và các chính sách liên quan.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán là định hướng chính sách tiền tệ trong nước. Chính sách này hiện được duy trì theo hướng ổn định vĩ mô và hạn chế dòng chảy vốn vào các lĩnh vực không được khuyến khích, trong đó có chứng khoán và bất động sản. Đến hết quý 2/2019, tăng trưởng tín dụng mới khoảng 7,33% trong khi con số này năm 2018 là 7,9%, năm 2017 là 9,1%.
Tăng trưởng tín dụng thấp trong khi các lĩnh vực nhạy cảm lại bị hạn chế, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản buộc phải huy động vốn từ dân cư. Làn sóng phát hành trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ trong 6 tháng đầu năm. Theo thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 89.483 tỷ đồng, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến thời điểm 24/6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,22% GDP năm 2018, tăng 19,2% so với cuối năm 2018 (8,6% GDP). Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nay đã vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 (đạt 7% GDP vào năm 2020).
Theo thống kê của công ty chứng khoán MB, 6 tháng đầu năm, trái phiếu doanh nghiệp thuộc nhóm ngành ngân hàng, bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt 36,8% và 28,3% tổng lượng phát hành.
Nhóm ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng đã phát hành trái phiếu trị giá 19,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng là nhóm ngành thường có tỷ lệ vốn vay cao, đang phải tìm đến kênh huy động vốn khác do chính sách thắt chặt tín dụng cho vay bất động sản thông qua quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 45% về mức 30% trong năm 2021-2022.
Lãi suất vay (lãi suất trái phiếu) được các doanh nghiệp đẩy lên rất cao, phổ biến là trên 10% và tối đa tới trên 14%. Các ngân hàng chào mời các khách hàng cá nhân, tổ chức có số dư tiền gửi lớn chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp. Lần đầu tiên trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh đầu tư dành cho cả khách hàng cá nhân và cạnh tranh trực tiếp với các kênh đầu tư khác, trong đó có thị trường chứng khoán.
Không chỉ dòng vốn đầu tư nhàn rỗi tổng thể phải san sẻ sang các kênh đầu tư khác ngoài cổ phiếu, trên thị trường chứng khoán cũng xuất hiện nhiều công cụ đầu tư mới, là phái sinh chỉ số và chứng quyền có đảm bảo. Đây là hai kênh đầu tư cạnh tranh trực tiếp với cổ phiếu vì cùng chung tài khoản và bất kỳ lúc nào nhà đầu tư cũng có thể lưu chuyển tiền qua lại.
Thị trường chứng quyền vừa ra đời cuối tháng 8 và còn hơi nhỏ, nhưng thị trường phái sinh vận hành đã lâu và quy mô ngày càng lớn. Tuy không có con số thống kê chính thức, nhưng ước tính mức ký quỹ tại các tài khoản giao dịch phái sinh chỉ số vào hoảng 2.500 tỷ đồng. Ngoài ra nhà đầu tư cũng phải duy trì một lượng tiền mặt ở tài khoản thanh toán. Ước tính đơn giản, nếu tổng số tiền nhà đầu tư rót vào thị trường phái sinh khoảng 3.000 tỷ đồng thì cũng đã làm thiếu hụt đáng kể lượng tiền từ tài khoản đầu tư cổ phiếu. Đó là chưa kể lượng tiền này nếu đầu tư cổ phiếu thì còn có thể sử dụng đòn bẩy tỷ lệ 1:1, tức là khoảng 6.000 tỷ đồng có khả năng được giao dịch.
Thiếu hụt nguồn vốn là nguyên nhân khiến thanh khoản của thị trường cổ phiếu suy giảm đáng kể theo thời gian. Tuy tổng lượng tiền trên thị trường chứng khoán có thể không thay đổi nhiều, nhưng sức mua đối với cổ phiếu thì giảm đi màchỉ số VN-Index chỉ biến động dựa trên biến động của cổ phiếu. Thị trường cổ phiếu còn thiếu hụt dòng vốn bổ sung từ cổ tức, khi đa số doanh nghiệp chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Nói tóm lại, một trong những yếu tố căn bản khiến thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong tình trạng èo uột là không thu hút được thêm dòng vốn mới. Kênh đầu tư cổ phiếu đang bị cạnh tranh mạnh mẽ, trong khi sức hút đối với nhà đầu tư mới không tăng. Đó là chưa kể các thương vụ cổ phần hóa cũng hút bớt tiền từ thị trường với khoảng 3.915 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.