Kỷ niệm tuổi thơ
Hồi đó chúng tôi chả lo gì vì xóm tôi đã có chú thợ điện tên Tiến. Chú Tiến luôn xuất hiện như một vị cứu tinh với chiếc đèn pin, cái thang tre, trên vai quàng chiếc túi “thần kỳ”. Chú nhanh nhẹn trèo lên cột điện và chả mấy chốc phát hiện ra vấn đề, rồi với chiếc tuốc nơ vít cùng bộ đồ nghề trong tay, chẳng biết làm thế nào mà bỗng chớp lòe, rồi điện về tưng bừng. Tôi vẫn nhớ trong lúc chú làm, biết bao nhiêu người đứng dưới ngẩng lên trầm trồ bàn tán. Một lần nữa điện lại bừng sáng trong tiếng vỗ tay reo hò như mất trí của lũ trẻ chúng tôi…
Chuyện chữa điện “tự phát” như vậy chỉ còn trong ký ức. Bây giờ ngành Điện đã hiện đại hơn rất nhiều, Hà Nội đã xóa sổ những đường dây điện chăng như mạng nhện, thay vào đó là triển khai cải tạo và phát triển lưới điện đáp ứng yêu cầu phát triển của các phụ tải và cấp điện phục vụ dân sinh… Với chìa khóa công nghệ, lưới điện Thủ đô giờ đã mở ra mọi cánh cửa tương lai, mang một tầm vóc mới, hiện đại, văn minh, theo kịp sự phát triển của nền kinh tế. Và vì vậy, những người thợ điện như chú Tiến của tôi ngày nào đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của một thời gian khó, nhường chỗ cho những người thợ điện Thủ đô hiện đại, hiểu biết, chuyên nghiệp, làm việc theo đúng quy trình, đúng phận sự, tròn trách nhiệm. Một đời sống hiện đại và văn minh đã song hành với sự phát triển của ngành Điện Thủ đô.
Vừa rồi, trong chuyến đi thực tế tìm hiểu về đời sống của một người thợ điện Thủ đô do Ban Quan hệ cộng đồng của EVN Hà Nội giới thiệu, người tôi gặp và có ấn tượng đặc biệt là ông Vũ Ngũ Hùng, thợ điện của Tổ Điều độ - Công ty Điện lực Hoàn Kiếm, người đã có cả đời gắn bó với ngành Điện và đặc biệt, ông Hùng là một người Hà Nội gốc với những nghĩ suy, quan niệm rất nghiêm túc về cái nghề ông rất yêu mến và trân trọng, gắn bó.
Tiếng cười vui vẻ của
chúng tôi làm khuấy động ngôi nhà nằm im lìm, sạch sẽ, rất sâu trong một ngõ nhỏ,
phố nhỏ giữa lòng phố cổ Hà Nội. Cuộc trò chuyện giữa hai người yêu Hà Nội cứ
đan xen giữa ký ức và hiện tại, khiến cho người thợ điện chỉ còn vài tháng nữa
là nghỉ chế độ không khỏi nhớ về thời trai tráng của mình, nhớ về một thời lưới
điện Hà Nội lạc hậu, xuống cấp, nhưng không quản ngại khó khăn, ông cùng các bạn
đồng nghiệp căng mình ra trên mọi nẻo đường. Thực sự là khi đó chẳng ai thấy khổ
vì đã biết thế nào là sướng đâu, mãi sau này, khi ngành Điện có điều kiện cải tạo,
phát triển và hiện đại hóa lưới điện đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, giảm
tải những nguy hiểm cũng như vất vả cho người thợ điện, là những chứng nhân lịch
sử, ông Hùng mới thấy thấm thía về một thời đã qua. Khi nghe tôi hồn nhiên kể
chuyện về chú Tiến và những pha “chữa điện tự phát” nhiều như cơm bữa, ông Hùng
cười và bảo: “Bây giờ làm thế là sai luật đấy. EVN Hà Nội từ lâu đã không có
chuyện đó, mất điện ở đâu, dân gọi điện đến số điện thoại đường dây nóng, các tổ,
đội trực thuộc địa bàn nào cứ thế triển khai, tuyệt đối không ai được quyền sửa
chữa. Người trong ngành Điện chỉ có một lợi thế duy nhất là tìm ra trong số mấy
số điện thoại được niêm yết đó số nào gọi sẽ đúng nhất, nhanh nhất. Rồi ngồi
yên để chờ vì lúc này không được làm trái trách nhiệm, phận sự của mình”.
Viết tiếp những dòng đời
Ký ức tuổi thơ về điện, ngoài chú thợ điện tên Tiến còn có một nhân vật khác nữa, đó là chiếc sút van tơ. Tôi nhớ hồi nhỏ nhà tôi có 1 cái, nó có cái nút vặn 12 nấc. Điện càng yếu thì vặn càng cao, nguồn ra của nó có 4 đầu ra là 220v, 110v, 100v, 24v. Mỗi khi bố đi vắng, ngoài những dặn dò trông nhà, đóng cửa khỏi trộm, cho chó ăn, không sang nhà hàng xóm chơi về muộn… cuối cùng và quan trọng nhất bao giờ cũng là nhớ trông sút van tơ, nếu thấy điện sụt, bóng đèn tự nhiên lờ đờ tối hẳn xuống thì vặn tăng lên, còn khi điện tăng, cái sút van tơ sẽ kêu ầm ỹ, phải nhanh chóng giảm xuống nấc nhỏ hơn. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cái âm thanh khẩn cấp và tác phong “thần tốc” của mình mỗi khi có “sự cố”. Đúng là không thể quên được!
Bẵng đi khá lâu, cũng chẳng nhớ chính xác khi nào thì những chiếc sút van tơ vắng bóng nhường chỗ cho những chiếc ổn áp, chỉ biết một dạo cứ bật tivi lên là thông tin quảng cáo về Lioa cứ phát ầm ầm nghe nhiều đến nỗi thành quen tai, mãi sau mới biết là Linh ổn áp, là thiết bị thay thế những cái sút van tơ cổ lỗ sĩ với tiếng kêu ám ảnh một thời. Chiếc sút van tơ chỉ là một ví dụ cho thấy sự chuyển mình đổi thay của ngành Điện. Cùng với sự phát triển của các ngành các nghề, ngành Điện Thủ đô đã hiện đại, văn minh hơn rất nhiều. Người thợ điện trên mảnh đất ngàn năm văn hiến ngoài việc trang bị cho mình những kiến thức tay nghề chuyên môn còn phải khoác lên mình những sứ mệnh mới như chính slogan của Tổng công ty Điện lực Hà Nội bấy lâu là“Trách nhiệm - Trí tuệ - Thanh lịch”, bởi chính họ với tần suất làm việc, gặp gỡ, giải quyết công việc… lại là người đại diện hình ảnh cho của ngành Điện Thủ đô, vươn tới mọi ngõ ngách, mọi đường phố, gặp gỡ đủ loại công dân, không chỉ làm phần việc chuyên môn của mình, mà còn như chị Tầm Thư chuyện giải đáp mọi thắc mắc từ có lý đến vô lý của người dân.
Cũng như các nhân viên khác, ông Hùng cũng trải qua nhiều công việc liên quan đến điện như sửa chữa, thu nợ… nên muôn mặt ứng xử của người dùng điện ông đều không lạ. Những người hiểu biết, thông cảm và luôn hợp tác với thợ điện rất nhiều, song những thành phần trái ngược thì cũng lắm. Trong câu chuyện của mình, ông Hùng nhắc đến kỷ niệm về ngôi nhà số 22 Lương Ngọc Quyến ngày xưa, nơi có mấy cụ cựu chiến binh rất mạnh mẽ, cá tính, điện cứ mất là chạy bộ đến nhà ông chỉ để hỏi mỗi câu: sao nhà tao không có điện. Hiểu tính các cụ, ông ôn tồn giải đáp, mãi rồi trở thành người quen lúc nào không biết. Ông Hùng bảo: “Đấy là chuyện cũ. Còn chuyện mới toanh đây này. Tháng trước, đi làm về chưa kịp thay đồ phải tranh thủ đi đón cháu ngoại, trên đường đi bỗng gặp mấy bà già túm lại hỏi “Chỗ kia mất điện ông vào chữa giúp người ta một chút”… Thế là dù muộn đến đâu vẫn phải ôn tồn giải thích và hướng dẫn gọi cho số điện thoại này thì nhanh nhất, rồi mới đi tiếp”.
Vẫn miên man trong suy nghĩ về cái nghề “làm dâu trăm họ” này, trên đường về tôi bỗng muốn sà vào bắt chuyện với một nhóm công nhân với màu áo cam quen thuộc. Cho rằng đề tài này dễ bắt chuyện hơn cả, tôi hỏi một anh: “Anh này, người dân chắc là hay gây khó dễ cho bọn anh mỗi khi các anh tiến hành sửa chữa như thế này lắm phải không? Cũng phải thôi, nào là cắt điện mấy tiếng này, rồi đập phá, xây trát, phong tỏa khu vực đang thi công không cho người dân đi lại…”. Tôi chợt chưng hửng khi nghe anh nói: “Không hề em nhé. Người dân rất tôn trọng và hợp tác”. Một anh bên cạnh có nụ cười trắng xóa vừa gạt mồ hôi vừa nói: “Chuyện mâu thuẫn giữa thợ sửa chữa điện và dân là chuyện cũ lắm rồi em ạ. Giờ bọn anh đi làm rất vui vì bà con hiểu và tạo điều kiện lắm. Người Thủ đô và thợ điện Thủ đô là một mà”. Trước những lời nói ngắn gọn mà chắc chắn của những người thợ áo màu da cam trên chính hiện trường, một cảm giác vui vui xâm chiếm lòng tôi trên suốt con đường về.
Hà Nội đang vào những ngày cuối của mùa xuân, cái không khí chợt nóng chợt lạnh với độ ẩm cao nhất trong năm khiến ở ngoài đường thích hơn ở trong nhà. Nhưng chuyện thời tiết chỉ có ý nghĩa với người dân thường thôi, còn với thợ điện thì “đâu có việc là ta cứ đi”. Tôi đã nhìn thấy những giọt mồ hôi trên những khuôn mặt hăng say, nghiêm túc của họ - tốp thợ của Điện lực Hoàn Kiếm khi họ đang hì hục hoàn thiện công trình thay tủ điện trước Bệnh viện Công an số 81 Lý Thường Kiệt.