Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, cổ phiếu HVN – sàn HoSE) vừa có văn bản giải trình gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) về việc chậm công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 và chậm tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Theo đó, Vietnam Airlines cho biết, giai đoạn vừa qua là giai đoạn hãng hàng không này đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp nên việc thu thập, đối chiếu tài liệu mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn Covid-19, Vietnam Airlines đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp đồng ý giảm giá hàng hóa, giãn hoãn các khoản thanh toán nhưng đi kèm với một số điều kiện làm thay đổi hợp đồng, nên Vietnam Airlines cần thêm thời gian để đối chiếu, xác nhận công nợ. Do vậy, Vietnam Airlines chưa phát hành được báo cáo tài chính.
Vietnam Airlines cũng nhấn mạnh hiện hãng hàng không này đang trong giai đoạn cuối, cùng với công ty kiểm toán khẩn trương hoàn thiện báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Vietnam Airlines sẽ công bố ngay sau khi hoàn tất báo cáo tài chính.
Đồng thời, do báo cáo tài chính hàng năm là một phần trong bộ tài liệu báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên và cũng là một trong các nội dung được thảo luân, thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên theo quy định. Vietnam Airlines đang nỗ lực để có đầy đủ các tài liệu báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên (bao gồm báo cáo tài chính được kiểm toán) và sẽ triển khai tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 trong thời gian sớm nhất.
Tính đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines đã 2 lần hủy chốt danh sách cổ đông họp Đại hội đồng cổ đông thường niên và chưa đưa ra mốc thời gian cuối cùng để chốt danh sách cổ đông cũng như tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Xét về hoạt động kinh doanh, kết thúc quý 1/2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 23.640 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 91% so với quý 1/2019 (thời điểm trước dịch). Tính đến hết quý 1/2023, hãng hàng không này đã khôi phục lại toàn bộ đường bay nội địa và 90% đường bay quốc tế so với trước đại dịch.
Doanh thu tăng trưởng tốt đã giúp Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 19,3 tỷ đồng sau 13 quý ghi nhận âm. Tuy nhiên, sau khi trừ thuế, lợi nhuận sau thuế của hãng bay này là âm 37,3 tỷ đồng.
Vietnam Airlines hiện có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HoSE bởi đã lỗ trong năm 2020 và 2021, và cũng lỗ trên báo cáo tài chính chưa kiểm toán của năm 2022. Nếu sau kiểm toán, Vietnam Airlines vẫn lỗ năm 2022 thì công ty sẽ rơi vào diện thua lỗ 3 năm liên tiếp và cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đồng thời, vốn chủ sở hữu tính đến hết quý 1/2023 của Vietnam Airlines tiếp tục âm 10.239 tỷ đồng. Theo quy định, cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết khi vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán năm là số âm.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/7, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đạt 13.050 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu HVN đã giảm 10%.