Vietnam Airlines cho biết nguy cơ cổ phiếu HVN phải rời sàn HoSE là rất cao

Vietnam Airlines vừa cho biết nguy cơ cổ phiếu HVN phải rời sàn HoSE là rất cao và những hệ luỵ xảy ra là không nhỏ. Hãng hàng không này đang làm việc với các Bộ ngành và Văn phòng Chính phủ để xem xét việc duy trì niêm yết cổ phiếu HVN trên sàn HoSE.

Đang làm việc với các bên có liên quan về việc niêm yết cổ phiếu HVN trên HoSE

Cổ phiếu HVN Vietnam Airlines

Vietnam Airlines cho biết đang làm việc với các Bộ ngành và Văn phòng Chính phủ để xem xét việc duy trì cổ phiếu HVN trên sàn HoSE.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, cổ phiếu HVN – sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, hãng hàng không này cho biết Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều văn bản yêu cầu Tổng Công ty công bố thông tin Báo cáo Tài chính năm 2022, giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục cũng như hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu HVN.

Đồng thời, các cổ đông lớn là Uỷ ban Quản lý Vốn Nhà nước và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã có văn bản yêu cầu cung cấp báo cáo tài chính. Các đối tác và các bên cho vay đều yêu cầu cung cấp báo cáo tài chính năm 2022 theo thời hạn cam kết trong hợp đồng.

Tuy nhiên, hãng hàng không này cho biết do vẫn đang làm việc với các Bộ ngành và Văn phòng Chính phủ để xem xét việc duy trì cổ phiếu HVN trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) nên đã ảnh hưởng đến tiến độ phát hành báo cáo tài chính năm 2022 cũng như tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 theo đúng quy định.

Đáng chú ý, chỉ cách đây 2 ngày, Vietnam Airlines có văn bản giải trình gửi đến HoSE cho biết việc chậm nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022 và chậm tổ chức Đạo hội đồng cổ đông là do “đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp nên việc thu thập, đối chiếu tài liệu mất nhiều thời gian.”

Bên cạnh đó, trong giai đoạn Covid-19, Vietnam Airlines đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp đồng ý giảm giá hàng hóa, giãn hoãn các khoản thanh toán nhưng đi kèm với một số điều kiện làm thay đổi hợp đồng, nên Vietnam Airlines cần thêm thời gian để đối chiếu, xác nhận công nợ. Do vậy, Vietnam Airlines chưa phát hành được báo cáo tài chính.

Cổ phiếu HVN Vietnam Airlines
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Vietnam Airlines (HVN) tiếp tục chưa chốt được ngày tổ chức Đại hội cổ đông 2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Nguy cơ cổ phiếu Vietnam Airlines phải rời sàn HoSE là rất cao

Đáng chú ý, báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023 của Vietnam Airlines nhấn mạnh việc phát hành báo cáo tài chính chậm quá 6 tháng đã và sẽ phát sinh chi phí do tăng thủ tục kiểm toán/ soát xét liên quan đến rà số liệu và sự kiện diễn ra từ ngày khóa sổ có ảnh hưởng trọng yếu đến doanh thu, chi phí phát sinh từ năm 2022 trở về trước thì kiểm toán viên sẽ yêu cầu điều chỉnh số liệu này vào báo cáo tài chính kiểm toán chưa phát hành. Đồng thời, nguy cơ cổ phiếu HVN phải rời sàn HoSE là rất cao và những hệ luỵ xảy ra là không nhỏ.

Trên thực tế, hãng hàng không này đã ghi nhận lỗ trong năm 2020 và 2021, và cũng lỗ trên báo cáo tài chính chưa kiểm toán của năm 2022. Nếu sau kiểm toán, Vietnam Airlines vẫn lỗ năm 2022 thì công ty sẽ rơi vào diện thua lỗ 3 năm liên tiếp và cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đồng thời, vốn chủ sở hữu tính đến hết quý 1/2023 của Vietnam Airlines tiếp tục âm 10.239 tỷ đồng. Theo quy định, cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết khi vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính kiểm toán năm là số âm.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/7, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đạt 12.950 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu HVN đã giảm 10,6%.

Quỳnh Trang