Được tổ chức bởi Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) phối hợp cùng Informa Markets, dưới sự hỗ trợ của Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Vương quốc Anh, Đại sứ quán Đan Mạch, Đại sứ quán Đức, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội và Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Na uy (Innovation Norway), Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam - Vietnam Wind Power 2021 đã kết thúc thành công tốt đẹp vào ngày 2 tháng 12 năm 2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (ICC), Hà Nội. Sự kiện được tổ chức dưới hình thức “hybrid” (trực tiếp kết hợp trực tuyến) và thu hút hơn 600 khách tham dự trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), cho biết: “Năm 2021 là một năm mang tính bước ngoặt đối với ngành năng lượng gió Việt Nam. Tổng công suất lắp đặt của điện gió trên bờ đã chạm mốc phát triển mới với gần 4GW vào cuối tháng 10. Con số này cho thấy Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm và có những chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng gió và năng lượng tái tạo. Quan trọng hơn hết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những cam kết Net Zero mạnh mẽ tại COP26 ở Glasgow. Đây là những tín hiệu tuyệt vời cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, những người đang tìm kiếm thời điểm thích hợp để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió tại Việt Nam.”
Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận xét: “Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động trong khu vực ASEAN, song chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam không chỉ nằm ở mặt chính sách, mà còn là hệ thống công nghệ áp dụng trong toàn bộ quá trình từ sản xuất, lắp đặt, giám sát, truyền tải, phân phối đến tối ưu hóa hệ thống năng lượng. Sự kiện Vietnam Wind Power 2021 được tổ chức kịp thời, đúng thời điểm và rất phù hợp với mục tiêu phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam.”
Ông Kim Højlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nhìn nhận: “Việc đảm bảo đủ năng lượng sạch cho tăng trưởng kinh tế là điều không thể chối cãi. Đồng thời, việc nhanh chóng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng rất cấp thiết. Chuyển đổi cơ cấu năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang một hệ thống có sự kết hợp đa dạng hơn với tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng tăng sẽ là giải pháp bền vững cho những thách thức này.”
“Vietnam Wind Power 2021 được tổ chức kịp thời và đúng thời điểm giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của năng lượng gió trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26. Hội nghị cũng hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế,” Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, Bà Grete Lochen bổ sung.
“Việt Nam đang từng bước đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng và đã và đang cho thế giới thấy những thành tựu ấn tượng của mình. Tuy nhiên, tiềm năng khai thác và phát triển năng lượng gió tại Việt Nam còn rất lớn, vẫn còn rất nhiều cơ hội để nguồn tài nguyên này phát huy hết công suất nhằm đảm bảo nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam. Đức và những đối tác khác luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong sứ mệnh hướng tới năng lượng bền vững,” Ông Sebastian Paust, Tham tán - Trưởng phòng Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam nhấn mạnh.
“Chúng tôi vô cùng phấn khởi khi Việt Nam ký cam kết Tuyên bố Chuyển đổi từ Than sang Điện sạch Toàn cầu, từng bước loại bỏ điện than”, Ông Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam chia sẻ, “Với việc huy động nhiều hơn nữa nguồn tài chính công và tư nhân tại COP26 để hỗ trợ hành động vì khí hậu ở các nước đang phát triển, chúng ta có hy vọng rất lớn trong việc hiện thực hóa mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C”.
KEYNOTE: Năng lượng gió đóng vai trò gì trong chuyển dịch năng lượng toàn cầu?
Tại phiên hội thảo đầu tiên, nhiều lãnh đạo đầu ngành và các nhà hoạch định chính sách đã trao đổi về vai trò của năng lượng gió trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Phó chánh văn phòng, Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (EREA) Nguyễn Phương Mai cho rằng, năng lượng gió là một trong những ngành có sức cạnh tranh lớn, đồng thời cũng có tiềm năng trở thành động lực cho sự phát
triển kinh tế. Ngoài những lợi ích kinh tế trực tiếp như tạo việc làm và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, năng lượng gió còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, phát thải khí nhà kính (GHG) và biến đổi khí hậu. Giám đốc Châu Á, GWEC Liming Qiao đề cập đến hiện trạng phát triển năng lượng gió toàn cầu và tương lai của Việt Nam. Việt Nam được ưu đãi với nguồn tài nguyên năng lượng gió dồi dào - cả trên bờ và ngoài khơi, và quốc gia này sẽ trở thành trung tâm của điện gió ngoài khơi trong tương lai. Trong khi đó, Cố vấn trưởng, Trung tâm Hợp tác Toàn cầu, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch Erik Kjaer đóng góp ý kiến về lộ trình phát triển điện gió tại Việt Nam; đồng thời đề xuất khung chính sách nhằm đơn giản hoá quy trình pháp lý liên quan đến điện gió ngoài khơi, tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư, cũng như doanh nghiệp nước ngoài triển khai dự án điện gió tại Việt Nam.
CEO PANEL: Làm thế nào năng lượng gió đóng vai trò to lớn hơn trong tương lai ngành năng lượng việt nam?
Mở đầu hội nghị là phiên thảo luận CEO Panel giữa các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách về những thách thức hiện tại của sự phát triển năng lượng gió tại Việt Nam và Đông Nam Á, được điều phối bởi Mark Hutchinson, Chủ tịch, Lực lượng Đặc nhiệm Đông Nam Á, Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC). CEO Bùi Văn Thịnh - Thuận Bình Wind cho biết, từ trước đến nay, Việt Nam tập trung vào các nhà máy điện gió trên bờ và gần bờ; tuy nhiên, tiềm năng lớn hơn nằm ở điện gió ngoài khơi vẫn chưa được khai thác đúng mức. Vì thế, Chính phủ cần có những chính sách phù hợp hơn để phát triển, quy hoạch điện gió ngoài khơi.
Từ góc độ nhà đầu tư, Niels Holst, Đối tác, Copenhagen Offshore Partners chỉ ra rằng khả năng vay vốn của các hợp đồng mua bán điện (PPA) là rất quan trọng. Việt Nam đã hết cơ chế giá Feed-in Tariffs (FIT) nên nếu theo cơ chế hiện nay thì tương đối khó, bởi nếu vay vốn ngân hàng để đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi thì sẽ phải cân đối rất nhiều yếu tố. Do vậy, PPA phải được sớm chuẩn hoá, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và được các tổ chức tài chính chấp nhận. Tổng Giám đốc khu vực Châu Á, Goldwind Dong Yinming (Donald) nhận xét rằng khi mức công suất lắp đặt ngày càng tăng, việc dự báo năng lượng gió cần được lập kế hoạch một cách có hệ thống để đảm bảo sự phát triển bền vững và sự ổn định của các trang trại điện gió.
Cùng chung ý kiến trên, Logan Knox, Tổng giám đốc, UPC Renewables Vietnam bổ sung rằng điều tối quan trọng là phải hiểu rõ về cách dự báo gió, nguyên lý tạo ra năng lượng điện gió trên khắp Việt Nam, cách giảm thiểu rủi ro và thiếu hụt năng lượng. Phó Giám đốc Kinh doanh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương William Gaillard, Vestas Asia Pacific và Edoardo Prina, Trưởng phòng Kinh doanh & Marketing, Onshore, APAC, SGRE cũng chỉ ra rằng lĩnh vực năng lượng gió vẫn còn rất nhiều yếu tố để phát triển, không chỉ về các công nghệ tuabin gió hiện tại mà còn về công nghệ lưu trữ, vốn là yếu tố cần thiết để tăng tốc độ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Diễn đàn phát triển năng lượng gió ngoài khơi
Hội nghị tiếp diễn với Diễn đàn phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Được dẫn dắt bởi Chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm Ngoài khơi Toàn cầu, GWEC - Alastair Dutton, phiên thảo luận tập trung vào những thách thức phát triển gió ngoài khơi ở Việt Nam: Chính sách và quy hoạch cơ sở hạ tầng, cũng như những mảnh ghép còn thiếu để gió ngoài khơi vươn tới.
Michael Stephenson, Giám đốc, The Renewables Consulting Group (RCG) cho biết hiện tại, chưa có trang trại điện gió ngoài khơi nào thực sự được hình thành ở Việt Nam. Phát triển điện gió của Việt Nam đa phần tập trung vào các khu vực ven bờ và bãi triều/ gần bờ. Đây là những điển hình thường thấy ở một thị trường mới đang trong giai đoạn đầu áp dụng năng lượng gió tái tạo làm nguồn điện.
Ngoài ra, Keld Bennetsen, Phó Chủ tịch, Trưởng bộ phận Phát triển thị trường mới, Copenhagen Offshore Partners nhấn mạnh rằng gió ngoài khơi là câu trả lời chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sở hữu nhiều điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển năng lượng gió ngoài khơi. Trong khi đó, Brian Quan Minh, Giám đốc Dự án Xây dựng, Mainstream Renewable Power, chia sẻ rằng điều quan trọng là phải có sự chứng nhận hoặc chính sách cụ thể từ phía Chính phủ Việt Nam cho các dự án điện gió ngoài khơi, để các doanh nghiệp quốc tế thực hiện các cam kết tài chính lớn.
Ông Ngô Tiến Đạt, Quản lý Phát triển Kinh doanh Cấp cao, Goldwind cho biết thêm rằng Dự thảo Quy hoạch điện 8 (PDP8) đã thể hiện sự tin tưởng ngày càng tăng của Chính phủ đối với năng lượng gió. Jon Dugstad, Giám đốc mảng Năng lượng gió & Mặt trời, Đối tác năng lượng Na Uy (NORWEP) cũng nhấn mạnh nếu Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức net-zero vào năm 2030, thì phần lớn mục tiêu sẽ phải đến từ gió ngoài khơi. Trao đổi về chính sách dài hạn, Stephan Ciniselli, Giám đốc toàn cầu Offshore Wind, Bureau Veritas và Gero Norman Tschierschke, Trưởng thị trường mới, APAC, SGRE cho rằng cần có lộ trình rõ ràng để xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư.
Diễn đàn tài chính & pháp lý: M&A, Đầu tư & Huy động vốn
Điều phối bởi Naveen Balachandran, Cố vấn đặc biệt về Đông Nam Á, GWEC, Diễn đàn Tài chính & Pháp lý nghiên cứu sâu hơn về tác động của các thương vụ M&A đối với tương lai của ngành năng lượng gió Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Hải, Cố vấn đặc biệt, Mảng Năng lượng, Khai khoáng và Hạ tầng, Baker & McKenzie (Vietnam) Ltd., nhận xét rằng Chính phủ Việt Nam đang xây dựng một số cơ chế hỗ trợ gió ngoài khơi để khuyến khích phát triển các dự án mới ở Việt Nam, chẳng hạn như sửa đổi dự thảo PDP8 hậu COP26 và các biểu giá cố định (FiT). Yi-Hua Lu, Trưởng bộ phận khởi tạo gió ngoài khơi APAC, Macquarie cho biết mặc dù vẫn chưa có những định nghĩa rõ ràng về mô hình doanh thu và định hướng chính sách trong ngắn hạn, các doanh nghiệp quốc tế vẫn muốn thực hiện các thương vụ M&A và gia nhập thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Andrea Isabel Co, Phó Giám đốc Phát triển Kinh doanh SEA Wind & Solar và Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Scatec; Wymen Chan, Giám đốc điều hành, Susi Partners; và Sujay Shah, Giám đốc điều hành, Phụ trách toàn cầu, Công nghệ sạch, Standard Chartered Bank bày tỏ sự lạc quan về triển vọng dài hạn của Việt Nam, bất chấp những chính sách xung quanh còn nhiều bất ổn.
Chương trình EPA có thể là một cột mốc quan trọng đối với việc triển khai và phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam và sẽ thúc đẩy một khung chính sách bền vững hơn. Cùng chung tầm nhìn, ông Giang Hoàng, Chủ tịch Pacifico Energy Việt Nam khẳng định, nhu cầu điện năng tăng cao của Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng xanh, trong đó Pacifico Energy đã khởi xướng kế hoạch đầu tư vào một số dự án điện gió và điện mặt trời tại các tỉnh miền trung Việt Nam.
Nhìn chung, gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng bền vững nhu cầu sử dụng điện tăng cao tại Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới (2021) dự đoán gió ngoài khơi có thể đáp ứng từ 5-12% nhu cầu cung cấp điện của cả nước vào năm 2035, với công suất lắp đặt 11-25 GW.
Bằng cách thay thế nhiệt điện than bằng năng lượng sạch, Việt Nam có thể tránh phát thải hơn 200 triệu tấn CO2, đồng thời bổ sung ít nhất 50 tỷ USD cho tăng trưởng kinh tế xã hội thông qua việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa bền vững, tạo ra hàng nghìn việc làm cho lao động địa phương và xuất khẩu đến các thị trường gió ngoài khơi khác trên toàn cầu.