Ngày 16/12/2021, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) tổ chức Hội thảo “Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam” tại Hà Nội. Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì hội thảo, đồng chủ trì gồm có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và ông Ben Backwell - Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC).
Tham gia trực tiếp tại Hội thảo có trên 70 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, Đại sứ quán một số nước và tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển dự án và chuỗi giá trị của điện gió ngoài khơi cũng như các loại hình năng lượng tái tạo khác, các ngân hàng và tổ chức tài chính... Bên cạnh đó, Hội thảo còn thu hút được sự tham gia của hơn 400 đại biểu trong nước và quốc tế qua hình thức trực tuyến tại các điểm cầu.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn đối thoại cởi mở giữa các đại biểu trong và ngoài nước để cùng tìm kiếm các giải pháp, cơ chế đột phá để phát triển ngành, gắn với việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, trong vòng 20 năm trở lại đây, tốc độ tăng trung bình của sản lượng điện năng của Việt Nam đạt mức 10-12%/năm, gấp từ 1,5 -2 lần tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Thời gian qua, Việt Nam đã luôn quan tâm đến phát triển năng lượng quốc gia và thực hiện chủ trương năng lượng cần phải đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời xác định thúc đẩy chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là xu hướng lớn mang tính toàn cầu với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển nền kinh tế bền vững, bảo đảm yêu cầu chống biến đổi khí hậu.
Nghị quyết 55-NQ/TW đặt ra yêu cầu:
(i) Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch.
(ii) Ưu tiên phát triển điện gió và điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Gió ngoài khơi được đánh giá là nguồn năng lượng tái tạo duy nhất có khả năng chạy phụ tải nền cho hệ thống. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km với 28 tỉnh, thành phố ven biển, vì vậy tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng gió lớn nhất trong bốn nước của khu vực là Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65 m, tương đương công suất khoảng 512 GW. Năm 2020, dự báo của Tổ chức năng lượng thế giới nhận định rằng, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 trung tâm điện gió biển khu vực Đông Nam Á của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết ngày 31/10/2021, Việt Nam đã có 88 dự án điện gió hoà lưới với tổng công suất đặt khoảng 4,2 GW; đối với điện gió ngoài khơi, hiện đã có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW. Hiện nay, nhiều địa phương đang đề xuất phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tới Bộ Công Thương và Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhận định, cam kết của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam tại COP26 vừa qua cho thấy cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi là rất lớn và tiềm năng. Với cam kết đạt mức phát thải ròng zero vào năm 2050, Việt Nam sẽ xây dựng lộ trình chi tiết đối với từng ngành, từng lĩnh vực để thực hiện cam kết của mình, trong đó có lĩnh vực năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong đó dự kiến đề xuất quy mô các dự án điện gió ngoài khơi đạt khoảng 5.000 MW vào năm 2030 và tăng dần tới quy mô trên 40.000 MW vào năm 2045. Nếu điều kiện kinh tế và kỹ thuật cho phép thì có thể phát triển nhiều hơn nữa.
Theo đánh giá, điện gió ngoài khơi có thể, và cần phải, đóng vai trò quan trọng trong tổng cung năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn giúp lan tỏa, góp phần tạo ra công ăn việc làm và từng bước hình thành ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho lĩnh vực phát triển điện gió tại Việt Nam. Có thể nói đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức rất lớn đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét thúc đẩy tiến trình xã hội hóa phát triển lưới điện truyền tải, khuyến khích doanh nghiệp chủ động huy động vốn để đầu tư vào lưới điện truyền tải. Đây được kỳ vọng là giải pháp để tăng tốc đầu tư cho hạ tầng lưới điện truyền tải khu vực ven biển, phục vụ phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh đó, cùng với năng lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí hiện nay, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic trong những năm tới.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường điện gió ngoài khơi với quy mô 5-10GW vào năm 2030, giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỉ USD cho nền kinh tế. Nhiều tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị quy mô tối thiểu để bảo đảm tính hiệu quả về quy mô của ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam tối thiểu khoảng 5 GW.
Một số kết quả nghiên cứu và thực tiễn về chuyển đổi năng lượng đã chứng minh rằng việc phát triển điện gió ngoài khơi để sản xuất hydro và amoniac để phục vụ thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu là sự kết hợp khá hoàn hảo nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng và lợi thế quy mô để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên gió và sản xuất năng lượng, sản phẩm sạch hơn.
Mặc dù vậy, phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là lĩnh vực còn mới mẻ. Vì vậy, còn nhiều vấn đề cần được đặt ra và giải quyết bao gồm việc xây dựng các cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng lưới điện, nâng cao năng lực thi công, xây lắp và phát triển chuỗi cung ứng nội địa.
“Mục tiêu trên hết vẫn là đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế và người dân Việt Nam với chi phí hợp lý”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Ông Ben Backwell - Chủ tịch Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) chia sẻ quan điểm này, đồng thời cho rằng việc huy động nguồn tài chính này trong giai đoạn khởi tạo ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cần có sự chuẩn bị kĩ càng về mặt khung chính sách, bao gồm cơ chế hỗ trợ, thủ tục cấp phép, cũng như hợp đồng mua bán điện phù hợp với quy chuẩn quốc tế.
Những yếu tố trên đặc biệt quan trọng với điện gió ngoài khơi do đặc thù ngành đòi hỏi quá trình phát triển dự án dài và phức tạp hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo khác. Tuy nhiên, với cơ chế hỗ trợ phù hợp, điện gió ngoài khơi có thể nhanh chóng phát triển và cạnh tranh với các nguồn điện khác.
“Ngành điện gió ngoài khơi cũng đang hết sức quan tâm đến quá trình xây dựng Quy hoạch điện VIII. Việc đưa ra quy mô công suất lắp đặt cao, cũng như lộ trình triển khai rõ ràng và minh bạch, sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư cũng như nguồn tài chính tại Việt Nam”, ông Ben Backwell cho hay.