Trong số này, phải kể đến dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận, quy mô 3,4 GW với tổng mức đầu tư lên đến 11,9 tỷ USD. Cuối tháng 9 vừa qua, dự án này đã hoàn tất việc lắp đặt phao nổi để tiến hành thu thập số liệu hải dương học (sóng, gió, dòng chảy...) tại khu vực khảo sát. Dự án Thăng Long Wind do tập đoàn Enterprize Energy (Anh), với sự hợp tác cùng Société Générale (SOC GEN), MHI Vestas Offshore Wind (MVOW) và ODE.
Hay như dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận) do Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP, Đan Mạch) làm chủ đầu tư có công suất 3,5 GW, vốn đầu tư cũng lên khoảng 10 tỷ USD.
Đầu tháng này, tập đoàn điện gió lớn nhất thế giới Orsted (Đan Mạch) vừa làm việc với TP.Hải Phòng về việc nghiên cứu triển khai dự án điện gió có tổng công suất 3,9 GW với mức đầu tư ước tính đến 13,6 tỷ USD tại khu vực ngoài khơi thành phố. Đại diện tập đoàn Orsted cho biết Việt Nam sẽ là thị trường trọng điểm của doanh nghiệp sau loạt dự án thành công tại Châu Á.
Không riêng nhà đầu tư ngoại, nhà đầu tư trong nước cũng tham gia vào thị trường điện gió ngoài khơi trị giá hàng chục tỷ USD. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tập đoàn HBRE Group cùng với EVNGENCO 3 và Sapura Energy (Malaysia) rót 1 tỷ USD vào dự án điện gió ngoài khơi 500 MW. Tập đoàn T&T và tập đoàn Orsted đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với mục tiêu phát triển mới hàng loạt dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Tổng công suất ước tính của các dự án này đạt gần 10 GW với tổng giá đầu từ khoảng 30 tỷ USD, vốn đầu tư được giải ngân trong vòng 20 năm.
Ngân hàng Thế giới cho biết với lợi thế đường biển dài hơn 3.200 km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi ổn định, ở mức cao, đặc biệt vùng phía Nam tốc độ gió trung bình ở độ cao 100 m đạt hơn 7-10 m/giây, ước tính tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam đạt gần 500 GW, trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi quy mô lớn trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh tiềm năng nguồn cung lớn, nhu cầu điện năng ngày càng tăng nhanh của Việt Nam đem đến nhu cầu cấp bách về các nguồn điện mới đáng tin cậy, có quy mô lớn trong những thập kỷ tới. Đồng thời, các thế mạnh trong lĩnh vực dầu khí, đóng tàu… giúp Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển một chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi bền vững.
Những yếu tố này kết hợp với các chính sách thống nhất, phù hợp của Chính phủ trong việc chuyển đổi nguồn cung năng lượng theo hướng bền vững đã thuyết phục các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước tăng cường đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Bà Liming Quiao - Giám đốc khu vực Châu Á thuộc Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) phân tích, điểm mạnh của điện gió ngoài khơi là hiệu suất cao, khoảng 29-52%, gấp đôi điện mặt trời, cao hơn điện gió trên bờ và tương đương điện khí.
Cùng với công nghệ mới, theo bà Liming Quiao, hiệu suất của điện gió ngoài khơi tăng thêm 2,5% mỗi năm, nên loại năng lượng này có thể chạy phụ tải nền với nguồn khá ổn định, nhu cầu điều tiết điện lực bù cho thay đổi công suất là rất thấp.
Hiện suất đầu tư mỗi MWh điện gió ngoài khơi khoảng 83 USD, giảm hơn 4 lần trong vòng 10 năm (255 USD một MWh năm 2010) và dự kiến mức giá này giảm còn 58 USD vào 2025. Nhưng theo bà Liming Quiao, giá sản xuất điện gió ngoài khơi chỉ giảm khi thị trường đạt tới công suất lắp đặt nhất định. "Việt Nam nên tận dụng cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi nhanh nhất để có thể đạt mục tiêu giảm chi phí sản xuất điện", bà Liming Quiao gợi ý.
Cùng với xu thế phát triển thế giới và sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, ngành năng lượng Việt Nam đang có sự dịch chuyển nhanh chóng với sự tăng trưởng vượt trội của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện những năm gần đây.