Đây là kết luận được đưa ra trong Báo cáo Nghiên cứu về chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi của Việt Nam do Equinor – một công ty năng lượng có quy mô lớn của Na Uy và là thành viên của Liên minh Đối tác Năng lượng Na Uy (NORWEP) thực hiện. Trong quá trình xây dựng, Báo cáo Nghiên cứu đã nhận được những ý kiến đóng góp chuyên môn thiện chí của Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo thuộc Bộ Công Thương.
Báo cáo cung cấp một cái nhìn tổng quan về toàn bộ chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Đồng thời cũng khuyến nghị những biện pháp mà Việt Nam có thể ưu tiên để kích thích sự tăng trưởng mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trong nước, tạo thêm việc làm cho lao động có tay nghề, đồng thời xuất khẩu sang các thị trường điện gió ngoài khơi trong khu vực và trên thế giới.
Báo cáo cũng khuyến nghị những biện pháp can thiệp mà Việt Nam có thể ưu tiên để kích thích sự tăng trưởng mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trong nước, tạo thêm việc làm cho lao động có tay nghề, đồng thời xuất khẩu sang các thị trường điện gió ngoài khơi trong khu vực và trên thế giới. Báo cáo nêu rõ ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam hiện có quy mô lớn và có thể huy động để hiệp lực phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi trên quy mô lớn vốn đòi hỏi những yêu cầu lắp đặt các turbine gió phức tạp.
Tham tán Thương mại Na Uy tại Việt Nam ông Arne-Kjetil Lian cho biết: “Với các thế mạnh công nghiệp và mạng lưới doanh nghiệp trong nước hiện nay trong lĩnh vực dầu khí, đóng tàu... Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển một chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi bền vững. Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo/điện gió ngoài khơi là việc làm khả thi, trong tầm tay. Công nghệ là yếu tố quan trọng trong điện gió ngoài khơi - và đây cũng là thế mạnh của các công ty Na Uy”.
Đồng thời, Báo cáo nêu bật các cơ hội mà điện gió ngoài khơi sẽ mang lại cho các nhà cung ứng Việt Nam, đồng thời xác định những lĩnh vực mà các doanh nghiệp nước ngoài đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm cả các doanh nghiệp Na Uy có thể hợp tác với các đối tác Việt Nam để xúc tiến các dự án điện gió ngoài khơi, sản xuất điện năng với chi phí thấp hơn và từng bước hợp lý hóa giá thành điện từ năng lượng tái tạo.
Chính phủ Việt Nam ý thức rõ về sự cần thiết phải có những hành động cấp bách về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng xanh hơn. Bằng việc phê chuẩn Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng như các thành viên khác, đều nhận thức được những nguy cơ mà biến đổi khí hậu và xu thế nóng lên toàn cầu gây ra. Chuyển đổi từ việc dùng than sang sử dụng các năng lượng khác sạch hơn và xanh hơn để sản xuất điện là con đường tất yếu của tương lai.
Với hơn 3.000 km đường bờ biển, nguồn lợi điện gió ngoài khơi của Việt Nam vô cùng dồi dào, vì thế Việt Nam đang trở thành một thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi. Theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2035, điện gió ngoài khơi có khả năng đáp ứng 12% nhu cầu điện của Việt Nam.
Thay thế điện than sẽ giúp Việt Nam giảm 200 triệu tấn khối khí CO2 thải ra, đồng thời đem lại thêm ít nhất 50 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam từ chuỗi cung ứng trong nước mạnh mẽ, việc làm được tạo thêm và xuất khẩu. Cũng nhờ đó, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều khoản tài chính và đầu tư quốc tế dài hạn hơn cho biến đổi khí hậu.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam bà Grete Løchen khẳng định “Mặc dù những thách thức trong khung thể chế và chính sách vẫn đang cần phải giải quyết để hỗ trợ việc thực thi các dự án điện gió ngoài khơi có quy mô lớn, song rất nhiều các nhà phát triển và đầu tư quốc tế trong đó có các công ty Na Uy đã và đang xếp hàng chuẩn bị khai thác những cơ hội này”.
Bà Grete Løchen cũng nhấn mạnh Na Uy sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong nước, chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ để giúp Việt Nam xây dựng một chuỗi cung ứng mạnh mẽ trong nước, góp phần vào tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam.