Giá trị thương vụ không được hai bên tiết lộ. Tuy nhiên SkyX Solar cho biết, với sự đồng hành của đối tác chiến lược EDF Renewables, trong 2-3 năm tới, công ty dự kiến đầu tư ít nhất 100 triệu USD để phát triển thêm 200 MWp điện mặt trời áp mái phục vụ khách hàng thương mại và công nghiệp.
EDF Renewables là một trong những doanh nghiệp lớn nhất thế giới về năng lượng tái tạo với tổng công suất lắp đặt trên toàn cầu đạt khoảng 13,8 GW. EDF Renewables hoạt động chủ yếu ở Châu Âu, Bắc Mỹ và đang mở rộng phạm vi hoạt động sang các khu vực mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Australia và Trung Đông. Đầu năm 2021, EDF Renewables đã ký kết hợp tác đầu tư vào hai nhà máy điện gió tại tỉnh Đắk Lắk.
Trong khi đó, SkyX Solar được Tập đoàn VinaCapital thành lập năm 2019, cung cấp giải pháp điện mặt trời áp mái toàn diện cho phân khúc khách hàng công nghiệp và thương mại (C&I) từ đầu tư, thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống theo mô hình SAAS (Solar As A Service). Ông Don Lam, đồng sáng lập và Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho biết công ty đã sớm nhận ra vai trò quan trọng của nguồn năng lượng sạch đối với sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế Việt Nam từ vài năm trước.
Ông Yalim Ozilhan, Giám đốc EDF khu vực Đông Nam Á cho biết, “EDF rất quan tâm và mong muốn đầu tư mở rộng phạm vi hoạt động của mình tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi rất vinh dự khi hợp tác cùng VinaCapital đầu tư cho SkyX Solar, công ty đã nhanh chóng mở rộng quy mô cung cấp giải pháp điện Mặt Trời trên mái nhà, đáp ứng nhu cầu giảm năng lượng carbon từ khách hàng thương mại và công nghiệp".
Theo ông Samresh Kumar, CEO kiêm sáng lập viên của SkyX Solar, công ty hiện có tổng cộng khoảng 100 MWp điện mặt trời áp mái đang phát triển và vận hành và sẽ hợp tác với các khu công nghiệp để khai thác thêm hàng trăm MW điện mặt trời mới.
"Việt Nam đã phát triển trở thành thị trường năng lượng Mặt Trời hàng đầu Đông Nam Á trong vài năm. Chuyên môn sâu rộng và nguồn lực của EDF Renewables chắc chắn sẽ hỗ trợ chúng tôi mở rộng quy mô nhanh chóng", ông Samresh Kumar cho biết.
Với lợi thế là một trong những nước nằm trong giải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ mặt trời của thế giới, tổng số giờ nắng trong năm của Việt Nam đạt từ 1.400 - 3.000 giờ tuỳ khu vực và tổng lượng bức xạ trung bình khoảng 230-250 kcal/cm2. Do đó, Việt Nam được nhận định có tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời.
Theo kết quả nghiên cứu của BloombergNEF, tổ chức nghiên cứu, tư vấn toàn cầu về lĩnh vực năng lượng sạch, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về phát triển năng lượng mặt trời với tốc độ đáng kinh ngạc. Việt Nam hiện đứng thứ 7 thế giới về công suất điện mặt trời theo công bố của BloombergNEF.
Hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cũng cho biết Việt Nam hiện là thị trường lớn nhất khu vực về điện gió và năng lượng mặt trời, đứng thứ 3 thế giới về công suất điện mặt trời lắp mới trong năm 2020, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Theo chỉ số bổ sung năng lượng tái tạo của hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh), Việt Nam đang đứng thứ 3 trong 3 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (sau Australia và Nhật Bản) và đứng đầu trong số các thị trường mới nổi với mức chỉ số đạt 46 điểm, tức công suất năng lượng tái tạo đang xây dựng chiếm 46% tổng công suất năng lượng đang xây dựng. Theo IHS Markit, Việt Nam hiện có biểu giá điện tốt và chính sách phù hợp, giúp thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời.