Từ nhiều năm qua, nông dân ở Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng Nam Bộ, ít ai mà không biết đến nhà doanh nghiệp Hai Đền, chuyên chế tạo và sản xuất máy nông nghiệp. Ông tên thật là Nguyễn Văn Đền sinh năm 1944, thường trú tại phường 11, thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nghề nghiệp thợ máy gần 30 năm, nhưng không phất lên nổi, mỗi năm phải vào đồng làm thêm 5 công ruộng mới đủ ăn. Chính thời gian làm ruộng giúp cho ông có thêm kinh nghiệm làm đất. Ban đầu, ông dùng máy Koler 4 chế ra chiếc máy xới gọn nhẹ làm cho đỡ vất vả. Không ngờ chiếc máy này có hiệu quả cao, bà con thấy thế mượn xài thử, rồi ai cũng đặt làm một cái. Tiếng lành đồn xa, khi mà yêu cầu bà con ngày một nhiều, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, xây dựng cơ sở với đầy đủ máy tiện, máy phay, máy khoan, máy xoáy, máy hàn, máy bào...
Bằng tấm lòng say mê học hỏi, tìm tòi sáng tạo và trí thông minh tuyệt vời đã giúp ông thành công trên đường sự nghiệp một cách vẻ vang. ¦u điểm của chiếc máy cải tiến do ông chế tạo là ít phụ tùng hơn các máy nước ngoài, dễ thay thế, nên bà con rất ưa chuộng. Giá cả hợp lý, chỉ hơn một triệu đồng, có thể sắm chiếc máy trục chạy máy Koler làm được nhiều tính năng: Trục 5000 m2/giờ, cày 1000 m2/giờ. Ngoài ra, ông còn chế thêm chiếc máy trục lớn hơn giá trên 02 triệu đồng, đạt năng suất gấp đôi mà còn có thể vận chuyển cả tấn gạo (có rơmooc)
Tiến hơn một bước nữa, vào năm 1995, ông chế tạo thành công chiếc máy gặt đập liên hợp với ưu điểm là cắt được lúa trên đất khô và cả trên đất có nước, rất thích hợp ở đồng bằng sông Cửu Long. Bình quân mỗi ngày, máy có thể gặt đập xong 02 ha ruộng lúa. Thiết bị chế tạo chiếc máy gặt đập liên hợp đa phần là các mặt hàng sẵn có trong nước như ốc, sắt, bạc đạn, dây cuaroa... Máy do ông sản xuất khác với máy Trung Quốc tới 85% và khác với máy Nhật cả 95%, chỉ giống nhau về mẫu mã. Đặc điểm máy gặt đập liên hợp vừa gọn, cắt lúa bằng máy, độ hao hụt ít, sử dụng rất dễ dàng. Kết quả 01 công đất 1000m2 chi phí chưa tới 1,3 kg lúa.
Trải qua quá trình mày mò gần 10 năm, ông Hai Đền đã sáng chế thành công nhiều máy nông nghiệp, điển hình như: máy gặt đập liên hợp, máy trục cải tiến, máy sấy lúa tại chỗ và lưu động. Do công sức đóng góp đó, Ông đã nhận được nhiều bằng khen của Sở Khoa học Công nghệ Tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngày 18/9/1999, trong Hội nghị Công nghiệp tổ chức tại Hà Nội ông được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội Cơ điện Việt Nam. Trong những lần tham dự Hội chợ nông nghiệp Quốc tế Cần Thơ, sản phẩm máy nông nghiệp của ông được nhiều người đánh giá cao và được nhiều giải thưởng giá trị.
Hiện nay, máy nông nghiệp của doanh nghiệp Hai Đền có mặt ở hầu hết địa phương đồng bằng Nam Bộ như Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Long An, Bạc Liêu, Cà Mau... Năng lực làm việc của ông thật đáng trân trọng: 200 chiếc máy gặt đập liên hợp trong thời gian ngắn, chưa đầy 12 tháng, hơn 500 máy trục cải tiến trung bình và lớn trong thời gian 2 năm mở rộng sản xuất. Điều đáng phấn khởi hơn nữa là vào đầu tháng Giêng năm 2000, ông cho đời một sản phẩm mới: chiếc phà bằng sắt dùng chuyên chở các loại máy nông nghiệp, nhất là máy sấy lưu động dùng sấy lúa trong mùa mưa, giúp nông dân yên tâm khỏi sợ lúa bị ẩm ướt...
Hiện ông Hai Đền có hai cơ sở xuất máy nông nghiệp. Cơ sở 1 đặt tại tổ 1, phường 11 - Thị xã Cao Lãnh - Đồng Tháp. Cơ sở 2 tại chợ Cổ Cò xã An Thái Trung, Cái Bè - Tiền Giang.
Tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Cần Thơ, ông đã nắm được thị hiếu của đông đảo của nông dân Nam Bộ, ông phấn khởi tâm đắc:" Là nông dân Việt Nam, tôi cố gắng sáng tạo các sản phẩm phục vụ nông nghiệp Việt Nam cho thích hợp với đồng ruộng nước ta và phù hợp với túi tiền nông dân vì đa số dân ta sống bằng nông nghiệp, để nông dân ngày càng tiến lên khá giàu, đời sống tương đối ổn định, không cách biệt với dân thành thị". Tin tưởng các sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân Hai Đền tiếp tục đứng vững trên thị trường và luôn được khách hàng tín nhiệm./.