Năm 2024, tinh thần đó càng hun đúc mạnh mẽ, toàn Ngành quyết tâm lập thành tích cao, thiết thực chào đón 55 năm kỷ niệm ngày truyền thống ngành Hoá chất Việt Nam (19/8/1969-19/8/2024).
Đoàn kết, vượt khó, nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Những năm vừa qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, thuận lợi và thách thức đan xen, cơ hội đầu tư và phát triển thị trường xuất khẩu được mở rộng. Kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, lạm phát được kiểm soát; lãi suất ngân hàng ở mức hợp lý; cơ chế chính sách ngày một thông thoáng, minh bạch hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển nâng cao sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các sản phẩm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có thương hiệu, uy tín, ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, khó khăn cũng đến do tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô như Luật số 71/2014/QH13 về sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế của Quốc hội ngày 26 tháng 11 năm 2014 tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu.
Chưa kể, các năm 2018, 2019, giá điện và than đều tăng mạnh làm tăng giá thành toàn bộ các sản phẩm của các đơn vị thuộc Tập đoàn. Khai thác quặng và công tác tuyển quặng của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam gặp khó khăn do chậm được cấp phép/cấp phép lại cho các khai trường và kho lưu quặng 3...
Thông tin từ Vinachem cho thấy, trong bối cảnh đó, giai đoạn 2016 - 2020, tập thể Lãnh đạo, công nhân viên Tập đoàn đã đoàn kết, nhất trí, vượt qua khó khăn. Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn đã nghiêm túc triển khai thực hiện các Chủ trương, Chính sách, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Đồng thời, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban, Bộ Công Thương, các Bộ/Ngành triển khai đồng bộ các giải pháp, lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc và các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn duy trì sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt công tác Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh. Cán bộ, đảng viên, công nhân viên có sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực lao động và đạt một số kết quả nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh và các mặt công tác khác.
Song song với đó, bằng sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ công nhân viên và các đơn vị thành viên, Tập đoàn đã đạt được những kết quả tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ công tác trong giai đoạn 2016 - 2020, các nhóm ngành đều có lợi nhuận; đảm bảo các cân đối lớn về hàng hóa cho nhu cầu của nền kinh tế; đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Nhờ đó, kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất 5 năm 2016 - 2020 của toàn Tập đoàn đã có những con số đáng ghi nhận. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 207.600 tỷ đồng; Doanh thu đạt 204.808 tỷ đồng; Nộp ngân sách đạt 9.800 tỷ đồng; Lợi nhuận 54 tỷ đồng. Tập đoàn đã đảm bảo đủ việc làm thường xuyên và ổn định cho gần 23.000 lao động với điều kiện lao động ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt 2.714 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.394 triệu USD, tăng trưởng bình quân 1,4%/năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.320 triệu USD, tăng trưởng bình quân -1,8%/năm.
Từ những kết quả đạt được, Tập đoàn đặt ra Kế hoạch sản xuất kinh doanh 2021 – 2025. Từ mục tiêu và nỗ lực lớn của người lao động, năm 2022, Vinachem đã nỗ lực đạt giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế ước đạt 61.057 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm, tăng 21% so với năm 2021. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 62.262 tỷ đồng (doanh thu đạt cao nhất từ trước đến nay), bằng 119% kế hoạch năm, tăng 17% so với năm 2021; thực hiện nộp ngân sách nhà nước đạt 2.052 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 13 triệu đồng/người/tháng, tăng trên 8% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn ước đạt 6.023 tỷ đồng, tăng hiệu quả 3.890 tỷ đồng so với thực hiện năm 2021.
Năm 2023, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị thành viên đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Với sự linh hoạt triển khai đồng bộ các giải pháp đã giúp doanh nghiệp hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 50.362 tỷ đồng; doanh thu cộng hợp đạt 55.286 tỷ đồng (là năm có doanh thu cao thứ 2 sau năm 2022); lợi nhuận đạt 3.277 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 1.922 tỷ đồng...
Đặc biệt, đảm bảo đủ việc làm thường xuyên và ổn định cho khoảng 19.500 lao động tại Công ty mẹ - Tập đoàn và các công ty con với điều kiện lao động ngày càng cải thiện, tốc độ tăng thu nhập khoảng 5%/năm. Đây là nỗ lực lớn của tập thể người lao động tập đoàn nhằm lập thành tích chào mừng 55 năm kỷ niệm ngày truyền thống ngành hoá chất Việt Nam (19/8/1969-19/8/2024).
Đẩy mạnh tái cơ cấu tập đoàn
Xác định tái cơ cấu là nhiệm vụ quan trọng, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam và các đơn vị thành viên tiếp tục triển khai công tác tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp theo Quyết định số 2097/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp theo Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 3077/BCT-TC ngày 19 tháng 4 năm 2018 của Bộ Công Thương.
Trên cơ sở Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu trên, Tập đoàn đã triển khai, thực hiện và đạt được một số kết quả như đã khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 16/QĐ-TTg. Cụ thể, sau khi báo cáo, xin ý kiến Bộ Công Thương và được chấp thuận (tại Công văn số 2271/BCT-TC ngày 23/3/2018 của Bộ Công Thương về việc phương án và lộ trình cổ phần hóa và thoái vốn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công văn số 3077/BCT-TC ngày 19/4/2018 về việc phương án và lộ trình thoái vốn theo đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 16/QĐ-TTg), Tập đoàn đã xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017-2020 kèm theo Quyết định số 168/QĐ-HCVN ngày 23/5/2018;
Đối với triển khai công tác cổ phần hóa ngay trong năm 2018, Tập đoàn đã xây dựng và trình Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của Công ty mẹ - Tập đoàn, Công ty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam và Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam trình Bộ Công Thương (trước khi Tập đoàn được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý) và tiếp tục trình Ủy ban, Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định. Tập đoàn đã có báo cáo kế hoạch chi tiết và lộ trình cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn với thời gian xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 01 tháng 01 năm 2020 (Văn bản số 1553/HCVN-HĐTV ngày 18 tháng 10 năm 2019 về việc kế hoạch chi tiết và lộ trình cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn).
Với công tác thoái vốn, Tập đoàn đã phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai công tác xác định giá trị doanh nghiệp tại 22 doanh nghiệp; Tổ chức bán đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán đối với 13 doanh nghiệp.
Đến hết năm 2020, Tập đoàn đã thoái vốn thành công và thành công một phần tại 08 doanh nghiệp; trong đó thoái vốn một phần tại 05 doanh nghiệp, bao gồm: Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng; Công ty Cổ phần Bột giặt Net; Công ty Cổ phần Pin Hà Nội; Công ty Cổ phần Ắc quy Tia Sáng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Thoái toàn bộ vốn tại 03 doanh nghiệp, bao gồm: Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng Mỏ; Công ty Cổ phần Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Sơn Tổng hợp Hà Nội. Tổng số tiền thu được 529,4 tỷ đồng, lợi nhuận từ thoái vốn 413 tỷ đồng, bình quân giá bán cao gấp 4,55 lần giá gốc; các doanh nghiệp còn lại do có vướng mắc đã báo cáo các cấp có thẩm quyền để xin hướng dẫn chỉ đạo theo quy định.
Những bài học quý
Từ những kết quả đạt được và những hạn chế trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh những năm vừa qua, Tập đoàn rút ra một số kinh nghiệm. Theo đó, trong quản lý, điều hành tại Tập đoàn tới các đơn vị thành viên phải quán triệt sâu sắc và chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban, Bộ Công Thương, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ngành địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao. Đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng để bảo đảm Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị và Ban điều hành tại các doanh nghiệp phát huy đầy đủ trách nhiệm, hoạt động có hiệu quả.
Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác phân tích, dự báo tình hình phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuộc Tập đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt để đề ra giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn. Phát huy tính năng động, sáng tạo tại các đơn vị thành viên trong nắm bắt các cơ hội thị trường gắn với nâng cao hiệu quả các biện pháp quản trị, điều hành linh hoạt và chặt chẽ, đề cao tính kỷ cương, kỷ luật, tăng cường kiểm tra giám sát để bảo đảm phát triển an toàn, hiệu quả bền vững.
Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt và đào tạo đội ngũ kế cận trong Tập đoàn và các Công ty, đơn vị có năng lực, trình độ, ý thức tổ chức kỷ luật, tuyệt đối trung thành với đường lối đổi mới của Đảng, đặt lợi ích của Tập đoàn, Công ty, đơn vị, của đất nước, của người lao động lên trên hết.
Thêm nữa, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, tinh thần giai cấp công nhân của cán bộ, đảng viên, người lao động trong Tập đoàn và các Công ty, đơn vị; xây dựng và thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp là nền tảng để phát triển doanh nghiệp. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập của người lao động.
Đặc biệt, xác định không có đầu tư thì không có tăng trưởng, tuy nhiên không đầu tư bằng mọi giá để đổi lấy tăng trưởng, hiện các dự án đang triển khai và các dự án chuẩn bị đầu tư phải được cân nhắc, đánh giá trên cơ sở dự báo thị trường, khả năng tài chính của Tập đoàn để tính toán hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và vấn đề bảo vệ môi trường của dự án, đảm bảo sự phát triển bền vững khi dự án đi vào hoạt động.
Ngoài ra, tiếp tục đổi mới sáng tạo, chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ số, công nghệ tự động hóa vào sản xuất. Cần thúc đẩy ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững.
Toàn thể người lao động ngành hoá chất phấn đấu phát huy truyền thống, đưa ngành hoá chất từng bước trở thành ngành công nghiệp nền tảng như mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.