Vinachem: Quyết tâm tái cơ cấu, nỗ lực trở lại vị thế dẫn đầu khối doanh nghiệp nhà nước

Phát huy truyền thống 55 năm vẻ vang xây dựng và trưởng thành, Vinachem kiên định mục tiêu tái cơ cấu, nỗ lực trở lại vị trí dẫn đầu khối doanh nghiệp nhà nước.
bác hồ
Bác Hồ thăm Mỏ Apatit Lào Cai (23/9/1958)

Xuyên suốt 55 năm xây dựng và phát triển (19/8/1969-19/8/2024) với nhiều tên gọi khác nhau kể từ khi Tổng cục Hóa chất được thành lập vào ngày 19/8/1969, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã vượt qua nhiều gian khó, góp phần tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp của đất nước. Phát huy truyền thống 55 năm vẻ vang xây dựng và trưởng thành, Vinachem kiên định mục tiêu tái cơ cấu, nỗ lực trở lại vị trí dẫn đầu khối doanh nghiệp nhà nước.

Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị
Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cắt băng khánh thành Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao (24/6/1962)

Phát huy truyền thống 55 năm anh hùng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là Tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập theo Quyết định số 2180/QĐ- TTg ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất cơ bản; hóa chất tiêu dùng; công nghiệp hóa chất, hóa dược, hóa dầu; công nghiệp chế biến cao su; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản và ngành nghề kinh doanh liên quan đến kinh doanh máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp hóa chất; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp hóa chất và các ngành nghề khác theo quy định của pháp luật, với mục tiêu làm nòng cốt ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển với nhiều tên gọi khác nhau kể từ khi Tổng cục Hóa chất được thành lập vào ngày 19/8/1969, Tập đoàn đã góp phần tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp của đất nước. Tập đoàn đã thực hiện tốt công tác cung ứng các sản phẩm chủ lực như hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm phân bón, gia tăng chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế và góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần thực hiện chiến lược đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Hiện Tập đoàn có 21 đơn vị thành viên, 11 công ty liên kết, 02 đơn vị sự nghiệp, 02 đơn vị hạch toán phụ thuộc với tổng số cán bộ, người lao động là gần 20.000 người.

Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã từng phải trải qua vô vàn khó khăn, thách thức. Đặc biệt trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp của Tập đoàn bị xếp vào 12 dự án thua lỗ, yếu kém. Tuy nhiên, phát huy thế mạnh vốn có với đội ngũ cán bộ công nhân viên có trình độ chuyên môn cao, yêu nghề, sự đoàn kết, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Tập đoàn đã đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành kế hoạch đề ra; qua đó đáp ứng cao nhất các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của sản xuất, tiêu dùng trong nước và góp phần bình ổn, đáp ứng đủ nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Từ chỗ kết quả kinh doanh thua lỗ, nguy cơ không giữ được quy mô Tập đoàn… đến nay Tập đoàn đã liên tục kinh doanh có lãi, bền vững liên tục trong các năm 2021 đến nay.

Trong đó, đáng lưu ý, năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế ước đạt 61.057 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm, tăng 21% so với năm 2021. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 62.262 tỷ đồng (doanh thu đạt cao nhất từ trước đến nay), bằng 119% kế hoạch năm, tăng 17% so với năm 2021; thực hiện nộp ngân sách nhà nước đạt 2.052 tỷ đồng.

Ban Chấp hành Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn l
Ban Chấp hành Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III nhiệm kỳ 2020-2025

Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 50.362 tỷ đồng; doanh thu cộng hợp đạt 55.286 tỷ đồng (là năm có doanh thu cao thứ 2 sau năm 2022); lợi nhuận đạt 3.277 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 1.922 tỷ đồng...

Bước sang năm 2024, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, ở nhóm công ty con, giá trị sản xuất theo giá thực tế 6 tháng đầu năm ước đạt 27.136 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu cộng hợp toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm đạt 31.308 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 815 tỷ đồng.

Với kết quả này, Vinachem đã nộp Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 1.118 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch năm 2024. Lao động bình quân 6 tháng đầu năm của Tập đoàn gần 18.000 người; tiền lương bình quân 13 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp thành viên bố trí đủ việc làm cho người lao động. Nửa đầu năm 2024, Vinachem đã đáp ứng cao nhất các sản phẩm như phân bón, hoá chất, hoá mỹ phẩm, chất tẩy rửa, săm lốp… phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của sản xuất, tiêu dùng trong nước và góp phần bình ổn, đáp ứng đủ nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp.

Quyết tâm tái cơ cấu, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững

Xu hướng kinh tế chủ đạo trong thời gian tới được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá vẫn là nguồn cung tăng, nhu cầu chưa được cải thiện đi đôi với giá cả hàng hóa chưa có dấu hiệu tăng mạnh mẽ trở lại. Đây sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và các đơn vị trong Tập đoàn trong giai đoạn tới. Đặc biệt trong bối cảnh Tập đoàn đang nỗ lực vừa sản xuất kinh doanh, vừa tái cơ cấu toàn diện.

Tuy nhiên, thấm nhuần nguyên tắc “chính vì ngược gió nên cánh diều mới bay lên”, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Vinachem xác định luôn đoàn kết, phấn đấu, nỗ lực hết mình. Đồng thời, quyết tâm vươn lên từ nền tảng những bài học quý đã được đúc rút suốt thời gian qua. Cụ thể:

Một là, trong quản lý, điều hành tại Tập đoàn tới các đơn vị thành viên phải quán triệt sâu sắc và chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban, Bộ Công Thương, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ngành địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao. Đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng để bảo đảm Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị và Ban điều hành tại các doanh nghiệp phát huy đầy đủ trách nhiệm, hoạt động có hiệu quả.

Công ty CP DAP - Vinachem
Công ty CP DAP - Vinachem

Hai là, quyết liệt và thực hiện triệt để, toàn diện việc xử lý khó khăn, tồn tại đối với các Dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả: Trước hết là giải quyết ngay các tồn tại do nguyên nhân chủ quan; Đồng thời, cần bám sát, chuẩn bị kỹ lưỡng,  kịp thời đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét tái cơ cấu đối với các dự án, doanh nghiệp yếu kém.

Ba là, tranh thủ cơ hội thị trường, linh hoạt trong điều hành sản xuất kinh doanh, biến “nguy” thành “cơ”:

Cụ thể, từ cuối năm 2019, dịch Covid-19 đã tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của toàn bộ các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, Tập đoàn đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Ủy ban và Bộ ngành, trên cơ sở tình hình thực tế và đẩy mạnh công tác dự báo để có các giải pháp, xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời đối với diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19 nhằm ổn định sản xuất và khẩn trương có các chỉ đạo, văn bản phổ biến và quán triệt tới các đơn vị trong toàn Tập đoàn. Kết quả các đơn vị thành viên cơ bản tổ chức hoạt động sản xuất ổn định, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Bên cạnh việc nỗ lực thực hiện các giải pháp hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh, một số đơn vị thành viên đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội để phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa thị trường, khách hàng, tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng, phát huy vai trò điều tiết, bình ổn giá, góp phần thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hệ thống robot xếp thùng lên pallet
Hệ thống robot xếp thùng lên pallet của Công ty CP Bột giặt Lix

Bốn là, áp dụng các giải pháp cơ giới hóa, hiện đại hóa qua đó giảm lực lượng lao động trực tiếp, nâng cao năng suất lao động:

Trong giai đoạn 2018-2023, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã tích cực triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, chuyển giao, đổi mới công nghệ, góp phần đảm bảo vận hành sản xuất an toàn, ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới; đổi mới sáng tạo, chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ số, công nghệ tự động hóa vào sản xuất. Cần thúc đẩy ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm là, chú trọng công tác phát triển thị trường, tập trung vào các nhiệm vụ như: Giữ vững thị phần sản phẩm phân bón, hóa chất tại các thị trường hiện tại, phát triển các phân đoạn thị trường mới, phù hợp với xu thế phát triển trong từng lĩnh vực của nền kinh tế, có sức cạnh tranh về giá, chất lượng, tính tiện dụng. Phát triển hệ thống phân phối của từng nhóm sản phẩm thông qua hệ thống thương mại hiện có của các công ty thành viên, đảm bảo công tác quản lý trong khâu phân phối và cung cấp cho người tiêu dùng với giá phù hợp; chủ động bình ổn thị trường khi có biến động. Kết hợp xây dựng hệ thống kênh phân phối sản phẩm với các chương trình hành động về xúc tiến bán hàng và marketing, đồng thời xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu dài hạn, thống nhất sử dụng nhãn hiệu tập thể VINACHEM trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm của đơn vị; điều tra nghiên cứu thị trường thông qua kế hoạch đầu tư xây dựng và kế hoạch sản xuất theo các giai đoạn của các đối tác và theo quy hoạch ngành.

Sáu là, xác định nguyên tắc “con người là nòng cốt cho sự phát triển của doanh nghiệp”, xây dựng một môi trường làm việc cởi mở, gắn kết, tạo động lực phát triển cho người lao động, hướng tới xây dựng một tập thể đoàn kết với những giá trị văn hóa vững bền. Định kỳ rà soát, thực hiện bố trí lại lao động theo hướng tinh giản biên chế theo đúng quy định pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của các đơn vị thành viên và của Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Bảy là, chú trọng tiết giảm chi phí sản xuất, trọng tâm là giảm định mức tiêu hao, tiết kiệm năng lượng. Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu cho sát với điều kiện thực tế trên cơ sở các thông số thiết kế ban đầu. Ngoài ra, Tập đoàn thường xuyên đôn đốc, tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện định mức tiêu hao, kết quả các đơn vị đều cố gắng xây dựng kế hoạch sản xuất, cải tiến công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất tối ưu nhằm tiết giảm định mức tiêu hao trong quá trình sản xuất, tiết kiệm tối đa chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Công trình Nhà hỗn luyện
Công trình Nhà hỗn luyện thuộc Dự án Đầu tư mở rộng Nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial (Công ty CP Cao su Đà Nẵng) nâng công suất lên 1 triệu lốp/năm chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống ngành Hóa chất Việt Nam

Tám là, chú trọng công tác đầu tư, tuy nhiên không đầu tư bằng mọi giá để đổi lấy tăng trưởng. Các dự án đang triển khai và các dự án chuẩn bị đầu tư phải được đánh giá đầy đủ, trên cơ sở dự báo thị trường, khả năng tài chính của Tập đoàn để tính toán hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và vấn đề bảo vệ môi trường của dự án, đảm bảo sự phát triển bền vững khi dự án đi vào hoạt động.

Chín là, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, tinh thần giai cấp công nhân của cán bộ, đảng viên, người lao động trong Tập đoàn và các Công ty, đơn vị; xây dựng và thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp là nền tảng để phát triển doanh nghiệp. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập của người lao động.

Đây là những bài học quý, là hành trang để Vinachem phát huy truyền thống vẻ vang 55 năm xây dựng và trưởng thành, nỗ lực đưa Vinachem trở lại vị trí dẫn đầu khối doanh nghiệp nhà nước.

 

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam