Theo báo cáo của Vinapaco năm 2017 Tổng Công ty đã hoàn thành vượt mức kế nhiều chỉ tiêu SXKD như: Sản lượng giấy sản xuất tăng hơn 7% (so với năm 2016), đồng thời sản lượng tiêu thụ tăng hơn 11% với Tổng doanh thu là gấn 2.260 tỷ đồng (lãi hơn 127 tỷ đồng nộp ngân sách 123 tỷ đồng). Tiếp đà khởi sắc của năm 2017 Vinapaco cho biết trong 4 tháng đầu năm 2018 các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều đạt vượt mức so với kế hoạch SXKD và có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể: Doanh thu đạt 861,8 tỷ đồng (bằng 35% KH năm); Lợi nhuận ước đạt 31,7 tỷ đồng (bằng 52,8 % KH năm); Sản xuất được gần 40 nghìn tấn giấy (các loại) cũng như tiêu thụ được hơn 37 nghìn tấn sản phẩm giấy.
Nhiều khó khăn tồn tại cũng đã được Tổng Công ty trình bày trong báo cáo. Đối với khối sản xuất công nghiệp là sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường trong nước, nguồn bột giấy nhập khẩu cho sản xuất hiện đang khó khăn và giá rất cao (Tổng Công ty mới chỉ chủ động được hơn 80% bột giấy cho sản xuất) trong khi đó dây chuyền công nghiệp và thiết bị của Vinapaco đã quá lỗi thời (được đầu tư từ những năm 70, 80) tiêu hao nhiều vật tư, nguyên liệu, năng lượng chi phí bảo dưỡng... ; Khối lâm nghiệp hoạt động phụ thuộc nhiều vào thời tiết (thiên tai, bão lũ), sau các chu kỳ trồng đất đai cằn cỗi và sâu bệnh nhiều, hơn nữa thị trường lao động đối với khu vực này cũng đang trở lên khan hiếm (vì thu nhập thấp); khó đưa máy móc cơ giới… Ngoài ra việc rà soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số công ty lâm nghiệp chưa được giải quyết, xâm lấn đất đai vẫn diễn biến phức tạp…
Trong công tác tái cơ cấu, CPH Vinapaco đang gặp phải nhiều thách thức, phải thay đổi so với kế hoạch ban đầu kéo dài do khó khăn trong việc xử lý Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Vinapaco đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục cho Tổng Công ty lên phương án bán lại (theo giá trị vừa được định giá) nếu không bán được thì cho phép tiếp tục giảm giá theo biên độ mỗi lần 10% cho đến khi nào bán được thì thôi. Vinapaco cũng đề nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Tổng Công ty được tiến hành CPH độc lập Công ty Nguyên liệu Giấy Miền Nam trước Công ty mẹ theo văn bản đơn vị đã trình trước đó, tạo điều kiện cho đơn vị này quản lý bảo vệ rừng, đất rừng hiệu quả hơn. Trong phương án sử dụng đất, Vinapaco cũng đề nghị Bộ Công Thương làm việc với các địa phương Phú Thọ, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang xem xét phê duyệt phương án sử dụng đất (đã được thẩm định) cho Tổng Công ty, đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trực tiếp cho Tổng Công ty (thay vì cho các công ty lâm nghiệp như hiện nay). Ngoài ra Vinapaco cũng kiến nghị được cho phép sáp nhập để giảm số lượng các công ty lâm nghiệp trên các địa bàn Phú Thọ Hà Giang, Tuyên Quang (do diện tích giữ lại hiện nay thấp hơn rất nhiều so với diện tích được giao ban đầu).
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đi thăm rừng trồng nguyên liệu giấy của Vinapaco.Trong giai đoạn năm 2018 và năm tiếp theoVinapaco cho biết có kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ (tổng mức đầu tư 59 tỷ đồng, tiến độ thực hiện 2018, 2019) đồng thời nghiên cứu đầu tư dự án giấy bao bì (công suất 300.000 tấn/năm); đồng thời tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin vào quản trị các khâu trong sản xuất kinh doanh nâng cao tính hiệu, tăng năng suất chất lượng giảm nhân lực…
Tại buổi làm việc Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chia sẻ về những khó khăn mà Vinapaco đang phải đối mặt đồng thời vui mừng trước những khởi sắc trong sản xuất đối với Tổng Công ty, tuy nhiên Thứ trưởng cũng nhắc nhở vẫn có nhiều nguy cơ mà Tổng Công ty phải đối mặt vì vậy Vinapaco phải nghiên cứu nắm bắt các xu thế, tín hiệu thị trường để định hướng và điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Lo ngại về thiết bị máy móc của Vinapaco đã quá lỗi thời, Thứ trưởng chỉ đạo Vinapaco nghiên cứu phương án để đầu tư, thay thế qua việc tận dụng các cơ hội, chiến lược phát triển Ngành tuy nhiên việc sản xuất cơ cấu sản phẩm phải có chiến lược phát triển một cách rất rõ ràng, đa dạng hóa sản phẩm gắn với giá trị cốt lõi là Nhà máy Giấy Bãi Bằng
Đánh giá cao sự quyết liệt của Vinapaco trong công tác tái cơ cấu Thứ trưởng chỉ đạo phải tiếp tục triển khai xử lý chi tiết những tồn đọng để CPH. Trong phương án sắp xếp lại các các công ty lâm nghiệp, phải xác định được mô hình như thế nào cho hợp lý khuyến khích sản xuất nâng cao hiệu quả, từ đó cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho Tổng Công ty, đặc biệt Thứ trưởng nhấn mạnh Tổng Công ty phải nhanh chóng rà soát lại phương án sử dụng đất xem xét kỹ trong việc đưa các lâm nghiệp bàn giao về địa phương (cũng phải có đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề liên quan để có phương án xử lý phù hợp nhất…), đồng thời phải nghiên cứu, xử lý sắp xếp lại để nâng cao hiệu qua hoạt động cho khối này. Đánh giá cao việc trồng và quản lý bảo vệ đối với khối lâm nghiệp, Thứ trưởng tin tưởng rằng năm 2018 Tổng Công ty sẽ hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.