Vinataba tập trung phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, diện tích trồng thuốc lá trong nước có xu hướng giảm. Hiện diện tích trồng cây thuốc lá của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (TCT) khoảng từ 11.000 – 12.000 ha, tương đươ

Quang cảnh hội nghị

Thực hiện chủ trương của Chính phủ là chú trọng phát triển sản xuất nguyên liệu thuốc lá trong nước, nhằm từng bước thay thế nhập khẩu, gắn kết khâu chế biến với phát triển vùng nguyên liệu; khai thác tiềm năng đất đai, lao động, góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế, xã hội … những năm qua, TCT đã rất chú trọng cho sự phát triển bền vững vùng nguyên liệu thuốc lá cũng như quan tâm, tạo nhiều điều kiện thuận cho các đơn vị trong tổ hợp tiêu thụ nguyên liệu thuốc lá. Mặt khác, TCT cũng đầu tư mạnh cho các vùng trồng nguyên liệu; tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như quan tâm, hỗ trợ cho đời sống nhân dân vùng trồng nguyên liệu thuốc lá. Các vùng do TCT đầu tư trồng thuốc lá hiện nay là 17 tỉnh. Tuy nhiên do nhu cầu sử dụng nguyên liệu thuốc trong phối chế thuốc lá điếu có sự dịch chuyển nên 2 năm trở lại đây chỉ tập trung vào vùng trọng điểm có nguyên liệu tốt như các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tây Ninh, Gia Lai, Đắk Lắk.

Theo báo cáo của TCT, suất đầu tư bình quân giai đoạn 2012 – 2016 toàn TCT khoảng 11,82 triệu đồng/ha, tương đương 35 – 45% so với quy trình (theo quy trình khoảng 30 triệu đồng/ha, bao gồm cả vật liệu sấy). Trong đó, đầu tư trực tiếp thuốc lá vàng sấy khu vực phía Bắc khoảng 4,73 triệu đồng/ha, khu vực phía Nam 29,76 triệu đồng/ha (suất đầu tư bình quân vàng sấy phía Bắc chỉ tương đương khoảng 16% so với phía Nam). Cũng trong giai đoạn này, giá thu mua theo hình thức đầu tư gián tiếp cao hơn trực tiếp (trong đó vàng sấy – gián tiếp 53.897 đồng/kg; vàng sấy - trực tiếp 48.080 đồng/kg).

Tại Hội nghị Tổng kết công tác nguyên liệu giai đoạn 2012 – 2016 được tổ chức ngày 2/3/2017, một số nguyên nhân được cho vùng nguyên liệu thuốc lá có xu hướng giảm là: Cạnh tranh đất trồng và công lao động giữa cây thuốc lá và các loại cây khác ngày càng gay gắt; tập quán canh tác và tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của bà con nông dân ở một số vùng còn hạn chế; chất lượng nguyên liệu trong nước chưa cao, không ổn định nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu phối chế các nhà máy thuốc điếu; cơ quan chính quyền địa phương chưa có các biện pháp hậu kiểm cấp phép chặt chẽ các doanh nghiệp được cấp phép đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá, thiếu chế tài xử phạt, ngăn chặn tình trạng tranh mua tại các vùng trồng để đảm bảo cho các doanh nghiệp đầu tư chân chính thu hồi sản phẩm nguyên liệu, yên tâm đầu tư vùng trồng nguyên liệu. Bên cạnh đó vấn nạn thuốc lá lậu vẫn tiếp tục gia tăng cũng là một nguyên nhân làm mất sản lượng nguyên liệu hàng năm do thuốc lá lậu tăng thì thuốc lá sản xuất trong nước sẽ bị thu hẹp.

Để góp phần nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, các đại biểu tại Hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến rất thẳng thắn và tâm huyết, chủ yếu về quy mô vùng trồng nguyên liệu; kỹ thuật trồng; công tác thị trường; vốn đầu tư… Theo đó, TCT đã định hướng cho vùng trồng nguyên liệu năm tới và các năm tiếp theo là: Củng cố các vùng nguyên liệu đã có, loại bỏ các vùng trồng có chất lượng kém, tăng quy mô đầu tư các vùng trồng có chất lượng cao, điều kiện canh tác tốt; Cải thiện chất lượng nguyên liệu nội địa để phù hợp hơn với yêu cầu sử dụng của các nhà máy thuốc lá điếu, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; Nâng cao chất lượng nguyên liệu để chuyển dần từ loại nguyên liệu làm đầy (Filler) sang một phần đáp ứng cho các mác thuốc từ trung đến cao cấp.

Cũng tại Hội nghị này, ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch HĐTV TCT chỉ rõ:  Các đơn vị nguyên liệu cần xác định rõ nhu cầu thị trường cần gì? Nắm bắt sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm hết sức đa dạng để từ đó chủ động trong việc xây dựng vùng nguyên liệu và cung cấp nguyên liệu cho phù hợp; cần xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình có quy mô tập trung. Sự hỗ trợ của TCT và việc thu mua nguyên liệu của các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu cũng chỉ là đòn bảy, hỗ trợ ban đầu, tuy nhiên, các đơn vị sản xuất thuốc lá điếu cũng nên hạn chế mua nguyên liệu thuốc lá nhập khẩu, tạo điều kiện mua nguyên liệu thuốc lá của các đơn vị trong tổ hợp TCT nhằm góp phần tạo sức mạnh chung cho Tổ hợp.

Ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch HĐTV TCT phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đối với các cơ quan chức năng. Cụ thể như đề nghị Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện đúng các quy định của Nghị định 67/2013/NĐ-CP trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá. Ngoài ra, có biện pháp quản lý hiệu quả các đơn vị sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, đơn vị sản xuất nguyên liệu không đầu tư nhưng vẫn thu mua nguyên liệu; Đề nghị chính quyền địa phương có vùng trồng nguyên liệu thuốc lá hỗ trợ các đơn vị đầu tư về quản lý công tác trồng và thu mua sản phẩm với người dân, quản lý và xử lý nghiêm hiện tượng tranh mua, tranh bán; Tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ để nghiên cứu, sản xuất giống thuốc lá chất lượng cao, áp dụng các quy trình kỹ thuật vào trồng trọt…


Quang Tuấn