Sinh lời thấp, cổ phiếu vẫn “đắt”
Ngày 22/9/2014, một sự kiện lớn diễn ra ở Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh: các nhà đầu tư đã mua hết số cổ phần đã đăng ký tại buổi đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), thu về 1.216 tỷ đồng.
Sự thành công của đợt IPO Vinatex tạo ra tiếng vang lớn trên thị trường chứng khoán, xếp thứ 2 trong TOP 10 thương vụ IPO lớn nhất Việt Nam năm 2014, qua mặt cả những đại gia tên tuổi Vietnam Airlines, Tổng công ty Dịch vụ Cảng hàng không Tân Sơn Nhất hay Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng.
Đây là điều hoàn toàn không thể ngờ tới, ngay cả thời điểm sát IPO tính bằng giờ cũng không ai nghĩ các nhà đầu tư sẽ mua hết số cổ phần đăng ký.
Vì sao vậy? Chí ít cũng có 5 lý do sau đây:
- Trước hết, với số vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng của một tập đoàn như Vinatex, chẳng bõ bèn gì so với các tập đoàn khác như Vietnam Airlines (14.000 tỷ đồng); Petrolimex (10.700 tỷ đồng) hay EVN (160.000 tỷ đồng)… rất khó gây sự chú ý đối với các nhà đầu tư.
- Thứ hai, dệt may cho đến nay vẫn là lĩnh vực có giá trị gia tăng còn thấp. Bản thân Vinatex cũng công bố sẽ duy trì cổ tức trong 3 năm đầu sau CPH khoảng 5%, một con số quá hẻo so với lãi tiết kiệm ngân hàng. Gửi tiền vào ngân hàng là hình thức an toàn nhất, so với các kênh đầu tư chứng khoán, vàng, ngoại tệ hay kinh doanh. Do vậy, chẳng ai dại mua cái sự có thể đem đến rủi ro mà lợi tức lại thấp hơn cả kênh đầu tư an toàn nhất!
- Thứ ba, đối tượng CPH lần này bao gồm Văn phòng Tập đoàn và 4 công ty TNHH MTV do Tập đoàn nắm 100% vốn điều lệ: Dệt kim Đông Xuân, Dệt 8/3, Dệt kim Đông Phương, Công ty TNHH MTV Thương mại Thời trang Dệt May Việt Nam, mà ai cũng biết các công ty dệt lâu cho lợi nhuận và có lãi thấp hơn công ty may.
- Thứ tư, xu hướng mới là các địa phương lại không mặn mà với những dự án đầu tư khâu nhuộm - hoàn tất do yếu tố môi trường, nên khó thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia trong khi chất lượng chuỗi liên kết sợi - dệt - nhuộm hoàn tất - may còn yếu.
- Thứ năm, việc tăng tiền lương liên tục trong thời gian qua đã làm tăng chi phí tiền lương, chi phí bảo hiểm, thêm vào đó giá nguyên phụ liệu dệt may có xu hướng tăng trong khi giá bán sản phẩm không tăng
5 vấn đề trên khiến khả năng sinh lời của doanh nghiệp dệt may không cao, từ đó làm giảm sức hút đối với các nhà đầu tư, vậy thì tại sao cổ phiếu Vinatex vẫn đắt hàng?
“Công phu thâm hậu”
Nhiều người cho rằng, cổ phiếu của Vinatex hút hàng là do thời điểm IPO đúng vào lúc Việt Nam đang hoàn tất 3 FTA thế hệ mới với EU, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan và hướng tới kết thúc đàm phán TPP vào năm sau. Lý giải này hoàn toàn đúng, nhưng chỉ cần đặt thêm câu hỏi, tại sao hàng loạt doanh nghiệp da giày, đồ gỗ, nông sản, thủy sản, chế biến thực phẩm... cũng thuộc những ngành được hưởng lợi từ các FTA tương tự như dệt may, khi lên sàn lại không đắt khách như Vinatex? thì cách hiểu trên lại quá đơn giản và không thỏa đáng.
Như vậy, thiên thời chỉ là một trong số rất nhiều yếu tố làm nên sự thành công vang dội của phiên IPO Vinatex, và suy cho cùng, nó không phải đòn quyết định đánh vào cân não nhà đầu tư.
Cái thực sự làm nên sự cuốn hút của cổ phiếu Vinatex chính là “công phu thâm hậu” của cả quá trình CPH Tập đoàn. Có 3 yếu tố chủ chốt khiến các nhà đầu tư sẵn lòng rút hầu bao mua cổ phiếu là: tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp; minh bạch hóa thông tin; được tham gia (hoặc tác động) vào điều hành doanh nghiệp, thì cả 3 vấn đề này Vinatex đã làm tốt.
Về minh bạch hóa, từ năm 2013 đã “vẽ” hành trình con tàu Vinatex giúp các nhà đầu tư tiên lượng khả năng tham gia của mình, với những con số cụ thể: thời điểm IPO bán 49% cổ phần ra bên ngoài; trong đó 24% dành cho nhà đầu tư chiến lược, 0,6% bán ưu đãi cho người lao động, 24,4% bán đấu giá công khai; lãi cổ tức 3 năm đầu sau CPH là 5%; đến 2017 bán tiếp cổ phần, giảm phần vốn nhà nước xuống dưới 50%.
Tiếp đến là thuyết minh cho nhà đầu tư biết phần vốn tăng lên khi bán cổ phần sẽ được Vinatex tập trung cho những dự án sản xuất vải dệt kim, dệt thoi nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hoàn chỉnh sợi-dệt-nhuộm hoàn tất - may, giúp gia tăng giá trị sản phẩm cốt lõi. Đồng thời Vinatex cũng không ngần ngại cho các nhà đầu tư biết những thách thức không nhỏ, đó là khả năng liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhau để đầu tư mạnh cho chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.
Quá trình chuẩn bị CPH, Vinatex đã làm khá kỹ công tác đối thoại với người lao động thông qua hội nghị CNVC, hội nghị tập huấn. Những hội nghị này không những làm cho người lao động hiểu và đồng thuận với chủ trương CPH mà còn phát đi một thông điệp với bên ngoài rằng, Vinatex là Tập đoàn hoạt động minh bạch, công khai, có trách nhiệm với khách hàng, người lao động và cổ đông.
Đặc biệt, Vinatex công khai 3 tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược: có tiềm lực tài chính; sẵn sàng chia sẻ với Tập đoàn về chiến lược đầu tư trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn; biết tôn trọng và phát huy các giá trị truyền thống của Vinatex. Mang 3 tiêu chí này đi đàm phán lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Vinatex hết sức kiên trì phân tích cho đối tác hiểu rằng khi họ đầu tư vào Vinatex, sẽ nhận được sự quản trị minh bạch, nghiêm túc.
Thực tế làm việc với nhiều nhà đầu tư cho thấy, không ít doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí về vốn, có kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực, nhưng 2 bên chưa thống nhất được về lộ trình đầu tư dài hạn (vào nguyên liệu). Nói như vậy để thấy, quá trình đàm phán với hơn 10 đối tác để lựa chọn ra được 2 nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID) của Vinatex công phu đến mức nào.
Đối với tầm nhìn chiến lược, Tập đoàn hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn dệt may hàng đầu châu Á thông qua hướng tới sản xuất theo phương thức ODM; đầu tư mở rộng năng lực cung ứng toàn diện trong chuỗi giá trị dệt bông - sợi - dệt - may, chắc hẳn thuyết phục được nhiều nhà đầu tư vì đây là con đường phát triển bền vững.
Và cuối cùng, với 24% dành cho nhà đầu tư chiến lược, 24,4% bán đấu giá công khai cũng đã đủ hấp dẫn với bất cứ nhà đầu tư nào muốn tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược cũng như quản trị của Tập đoàn.
“Công phu thâm hậu” trên 3 vấn đề: minh bạch thông tin, xây dựng tầm nhìn chiến lược phù hợp với bước đi của ngành, và mở cửa đủ rộng cho nhà đầu tư bên ngoài, làm gì cổ phiếu Vinatex chẳng đắt khách!
Chuyển đổi mô hình sản xuất
Rốt cuộc thì “vóc dáng” Vinatex sau CPH sẽ như thế nào? Hiện chưa đủ thời gian cho tạo hình, nhưng với tất cả những gì Tập đoàn chăm chút trong suốt quá trình thực hiện CPH và những hoạt động sau IPO cũng giúp chúng ta hình dung phần nào.
Trước hết, ngay tại thời điểm này, Vinatex là một tập đoàn kinh tế mạnh. Nếu dệt may là ngành duy nhất giữ được nhịp độ tăng trưởng 2 con số qua 2 cuộc khủng hoảng, thì Vinatex là hạt nhân của ngành. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu TPP là “lực đẩy” thì Vinatex là “đầu kéo” của ngành dệt may với kim ngạch xuất khẩu chiếm 15% và tiêu thụ nội địa chiếm 30% toàn ngành. Cùng với đó, Vinatex còn là doanh nghiệp nội địa duy nhất có chiến lược đầu tư vào nguyên phụ liệu, chiếm tới 95,5% tỷ trọng sản xuất bông, hơn 42,3% sản xuất sợi, 25,7% sản xuất vải và 20% may của cả nước, và thực tế tỷ lệ nội địa hóa đạt cao nhất trong ngành với 48%.
Sau CPH, Tập đoàn hội tụ đủ các điều kiện để chủ động cải thiện thị trường và làm chủ công nghệ, tính toán bước đi phù hợp cho phát triển từng lĩnh vực. Hơn thế nữa, sau CPH cũng là thời điểm Vinatex đã thoái gần hết vốn ngoài ngành và giờ chỉ tập trung phát triển các ngành nghề là thế mạnh và cốt lõi như: Sản xuất kinh doanh bông xơ, sợi, vải dệt thoi, vải dệt kim, may, thời trang và quan trọng nhất là giữ được nhịp độ phát triển cân đối giữa các lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm và may.
Chính vì thế, nhiệm vụ hàng đầu sau CPH là cùng với các cổ đông xác định rõ nguồn vốn sau khi cổ phần hóa, rà soát lại các lĩnh vực đầu tư, cân đối chặt chẽ nhu cầu vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển các dự án; và lên phương án khi nào cần đầu tư ngắn hạn để tạo ra được dòng tiền và lợi nhuận hợp lý, cũng như cân nhắc tỉ lệ đầu tư dài hạn cho nguyên liệu.
Ngay trong năm 2015 này, Vinatex đang tập trung cao độ vào cập nhật các phương thức quản trị hiện đại, chuyên nghiệp và đầu tư mạnh mẽ cho nguồn nhân lực. Chủ tịch Tập đoàn, ông Trần Quang Nghị khẳng định: “Con người làm nên giá trị bền vững cho Vinatex”
Các bước đi trên nhằm tái cấu trúc Tập đoàn gắn với chuyển đổi mô hình từ sản xuất cắt may gia công lên sản xuất trọn gói (FOB) và tiến lên cao hơn là sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM), là một trong những chiến lược xuyên suốt của Tập đoàn từ nay đến năm 2020.