Thời gian qua, nhiều HTX kinh doanh điện với mô hình cũ đã bộc lộ những hạn chế trong công tác vận hành và quản lý lưới điện, dẫn đến tình trạng điện yếu, hao tổn điện ở mức cao, không đáp ứng được nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất của người dân, DN.
Trước thực trạng đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương Vĩnh Phúc đã tổ chức thực hiện Dự án chuyển đổi mô hình quản lý trong lĩnh vực kinh doanh điện. Theo đó, sẽ chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn từ các HTX điện, HTX nông nghiệp kiêm quản lý điện thành các HTX điện độc lập hoặc công ty quản lý điện cấp xã.
Đến nay, nhiều HTX dịch vụ điện đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 hoặc chuyển sang mô hình công ty TNHH, công ty cổ phần có sự góp vốn đầu tư, nâng cấp, cải tạo lưới điện của các thành viên, mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý, vận hành, hoạt động ổn định, hiệu quả với lợi nhuận khá.
Điển hình như HTX Dịch vụ điện Tam Hồng (xã Tam Hồng, Yên Lạc) nay là Công ty TNHH Điện Tam Hồng hiện đang quản lý 19 Trạm biến áp, cung ứng điện cho gần 5.000 hộ gia đình trên địa bàn 13 thôn trong xã.
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh điện hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng điện của người dân, cùng với việc tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống đường dây hạ và nâng công suất, lắp đặt thêm các trạm biến áp, công ty đã thay thế hệ thống đo đếm điện năng bằng các công tơ điện có tính năng đo xa; đồng thời, chủ động kết nối, hợp tác với Công ty Viettel Vĩnh Phúc cung cấp dịch vụ gửi tin nhắn tiền điện hàng tháng, thanh toán tiền điện trực tuyến; áp dụng hóa đơn điện tử trong mua - bán điện...
Theo ông Phạm Xuân Phòng, Giám đốc Công ty TNHH Điện Tam Hồng, hình thức chuyển đổi số này đã giúp DN tiết kiệm được đáng kể thời gian, chi phí, nâng cao năng lực quản lý, vận hành, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện trên địa bàn.
Mặc dù vậy, số lượng các HTX, đơn vị kinh doanh dịch vụ điện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), các hình thức chuyển đổi số vào quá trình vận hành, kinh doanh như Công ty TNHH Điện Tam Hồng trên địa bàn tỉnh còn rất ít.
Nguyên nhân là do, năng lực cán bộ quản lý, điều hành còn hạn chế, chủ yếu là trình độ sơ cấp, trung cấp, khả năng tiếp cận và ứng dụng CNTT còn chậm. Một số HTX hoạt động trong lĩnh vực điện năng hiệu quả kinh doanh còn thấp, lợi nhuận chỉ đủ trả chi phí cho đội ngũ quản lý vận hành và chi phí quản lý; hạn chế nguồn vốn để nâng cấp, đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng lưới điện...
Nhằm hỗ trợ cho các HTX dịch vụ điện trên địa bàn tỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý, năng suất lao động và tiết kiệm chi phí, Viettel Vĩnh Phúc đã xây dựng gói giải pháp các công cụ, phần mềm hỗ trợ bao gồm thông báo tiền điện qua ứng dụng nhắn tin Bulk SMS.
Thu hộ tiền điện qua ứng dụng ViettelMoney; hóa đơn điện tử phục vụ công tác tài chính; dịch vụ Voice brandname cho phép hiển thị tên thương hiệu của công ty/sản phẩm/dịch vụ/nhãn hàng trên thiết bị di động của khách hàng bằng việc mã hóa số điện thoại DN thành Brandname DN.
Triển khai hệ thống hợp đồng điện tử vContract cho phép DN lập, ký số và quản lý hợp đồng với các đối tác của mình dưới dạng điện tử, thay thế cho chứng từ/hợp đồng giấy thông thường; phần mềm Kế toán HKD vESS là nơi tập hợp dữ liệu tài chính từ mọi bộ phận sẽ xử lý tổng thể việc quản trị kế toán (sổ cái, các khoản phải thu, phải trả), mua hàng, bán hàng, kho vận và thanh toán...
Theo ông Trịnh Đức Trình, Phó Giám đốc phụ trách Viễn thông, Viettel Vĩnh Phúc: Viettel Vĩnh Phúc mong muốn đồng hành cùng với Sở Công thương và các HTX, đơn vị kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh trong công cuộc chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ cung cấp điện, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển KT- XH của tỉnh.
Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số tại các đơn vị kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh, từ nay đến cuối năm, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với Viettel Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị tuyên truyền đến các tổ chức, DN trong ngành về những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, hướng dẫn và hỗ trợ triển khai các gói giải pháp ứng dụng trong công tác quản lý, vận hành.
Ngoài sự hỗ trợ của của các cơ quan chức năng, muốn bắt kịp xu hướng chuyển đổi số hiện nay, các HTX, DN kinh doanh điện cũng cần mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ; chủ động tiếp cận với CNTT, từng bước chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Theo số liệu từ Sở Công Thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 73 đơn vị kinh doanh điện, phân phối bán lẻ điện nông thôn gồm 9 chi nhánh Điện lực các huyện, thành phố thuộc Công ty Điện lực Vĩnh Phúc thực hiện bán điện tại 53/105 xã và 12/16 thị trấn; 8 đơn vị ngoài LDU (không vay vốn REII); 56 đơn vị LDU bán điện tại 52/105 xã và 3/16 thị trấn, trong đó có 25 đơn vị là Hợp tác xã (HTX) và 31 đơn vị là loại hình Công ty TNHH, Công ty cổ phần.