Vĩnh Phúc: Nghiệm thu đề án Hỗ trợ Máy móc thiết bị sản xuất gỗ tại thị trấn Thanh Lãng

Ngày 6/10/2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc đã phối hợp với Phòng Công thương huyện Bình Xuyên, UBND thị trấn Thanh Lãng tiến hành nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ kinh ph

Buổi nghiệm thu có sự tham dự của ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp - Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc; ông Nguyễn Đức Ngọc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công; bà Nguyễn Thị Ninh - chuyên viên Phòng Công Thương huyện Bình Xuyên, đại diện lãnh đạo UBND thị trấn Thanh Lãng và chủ của 04 cơ sở sản xuất nghề mộc tại địa phương.

Thanh Lãng là một thị trấn nhỏ có làng nghề mộc truyền thống lâu đời, nổi tiếng với những sản phẩm sập gụ, tủ chè, các sản phẩm mộc ngang, mộc mỹ nghệ... Đứng trước sự phát triển của công nghệ ứng dụng vào việc đục, chạm khắc đồ mỹ nghệ, trước sự cạnh tranh khốc liệt và hiện đại hóa, đa dạng hóa các sản phẩm nghề mộc, các công ty, các cơ sở sản xuất tất yếu phải đổi mới công nghệ và quản lý, nhanh nhạy nắm bắt thị trường, bắt kịp công nghệ nhằm tăng năng suất, sản lượng, giải phóng sức lao động, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm giá thành sản phẩm…

Qua quá trình khảo sát, tư vấn hướng dẫn triển khai, ngày 6/10/2016, Trung tâm Khuyến công  và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành tiến hành nghiệm thu tại 04 đơn vị sản xuất nghề mộc là: Công ty TNHH Á Đông; Cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Cường, Cơ sở sản xuất Nguyễn Nghĩa Năm và Cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Lâm.

Công ty TNHH Á Đông là doanh nghiệp chuyên xẻ gỗ thành nguyên liệu; Tổng mức đầu tư là 110 triệu đồng cho máy xẻ CD hiện đại điều khiển tự động, có thể xẻ những thân gỗ có đường kính từ 1,6m đến 2,5m. Máy xẻ này hiện đại nhất hiện nay và chưa doanh nghiệp nào tại Vĩnh Phúc đầu tư được; sản lượng xẻ 180 m3 gỗ mỗi tháng, tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng và doanh thu ước đạt 24 tỉ đồng/năm.

Cơ sở sản xuất Nguyễn Nghĩa Năm có sản phẩm nổi trội là sập gụ, tủ chè, án gian… Năm 2016, Cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy đục chạm CMC đục thẳng, phục vụ cho các mặt hàng của cơ sở và gia công cho các cơ sở khác. Qua quá trình vận hành từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2016 cho thấy, năng suất là 15m3 gỗ/tháng, giải quyết cho 8 lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/tháng, doanh thu ước đạt 3,5 tỷ đồng/năm.

Cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Lâm đã đầu tư máy đục chạm CMC 4D và đục phẳng, công suất là 900 sản phẩm/tháng, giải quyết việc làm cho 05 lao động với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng, doanh thu ước đạt 2,5 tỷ đồng/năm.

Cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Cường được hỗ trợ máy mài mũi đục và bộ điều khiển của máy đục, chạm CMC 4D. Công suất của máy CMC 4D này là 240 sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng, doanh thu ước đạt 3 tỷ đồng/năm.

Máy CMC là máy đục, chạm khắc gỗ; vận hành liên tục cho đến khi kết thúc quá trình đục trên sản phẩm. Máy có thể đục các chi tiết phức tạp, cho ra chất lượng sản phẩm đồng đều hàng loạt tới 99%, độ chính xác cao.

Phát biểu tại buổi nghiệm thu, đại diện phòng Công Thương huyện Bình Xuyên và đại diện Sở Công Thương cùng chung ý kiến đóng góp cho các cơ sở ý thức cao hơn trong an toàn lao động sản xuất, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ. Các cơ sở cùng nhau chia sẻ, động viên, đồng thuận và ý thức để trở thành khu sản xuất tập trung, đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân nơi đây.