Sản xuất công nghiệp gặp khó
Báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sáng 10/5/2023 cho thấy, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I/2023 giảm 2,47% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp, xây dựng giảm 6,69%, ngành nông nghiệp tăng 2,46%, riêng ngành dịch vụ duy trì được mức tăng 8,91 so với cùng kỳ năm 2022.
Sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 của Vĩnh Phúc gặp khó khăn do lạm phát gia tăng ở nhiều nước khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng cao buộc doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 giảm 2,85% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành Khai khoáng giảm 32,62%, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,91%; ngành Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 2,26%, ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,56%.
Về sản phẩm, trong 4 tháng, ngoài doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử ước đạt 67.778 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng 10,38% so với cùng kỳ, các sản phẩm chủ yếu còn lại của Vĩnh Phúc đều giảm về sản lượng, cụ thể: Thức ăn gia súc 89.746 tấn, giảm 12,22%; Giày thể thao 3.903 nghìn đôi, giảm 13,65%; gạch ốp lát 27.332 nghìn m2, giảm 21,35%; Xe ô tô các loại 11.469 chiếc, giảm 43,00%; Xe máy các loại 516.462 chiếc, giảm 12,76 %.
Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, do tác động của cơn bão số 4 gây mưa lớn xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng đến tiến độ làm đất cho gieo trồng trong vụ Đông; đồng thời lực lượng lao động trong nông nghiệp đã và đang chuyển sang làm công việc khác có thu nhập cao hơn, khiến diện tích, sản lượng hầu hết các loại cây chính năm 2023 đều giảm nhưng vẫn đảm bảo lương thực cho tiêu dùng. Gieo trồng vụ Xuân diễn ra đúng khung lịch thời vụ, tính đến cuối tháng Bốn, toàn tỉnh đã gieo trồng được 37,4 nghìn ha cây vụ Xuân, đạt 98,46% kế hoạch, hiện nay cây trồng đang phát triển tốt.
Sản xuất chăn nuôi gặp khó khăn do giá cả một số sản phẩm như thịt gia cầm, thịt lợn bấp bênh, không ổn định, giá thức ăn chăn nuôi giữ ở mức cao, quy mô đàn trâu, bò giảm giảm 3,3%; đàn lợn tăng 1,1% so với cùng thời điểm năm 2022 và giảm 3,76% so với tháng trước; đàn gia cầm ước tăng 0,59% so với kỳ và giảm 0,8% so với tháng trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 46.691 tấn, tăng 2,94%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 29.643 tấn, tăng 3,07%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 14.820 tấn, tăng 3,8%; sản lượng sữa bò tươi ước đạt 20.500 tấn, tăng 6,22%; trứng gia cầm ước đạt 253,7 triệu quả, tăng 7,42% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này do Vĩnh Phúc là địa phương có độ mở kinh tế cao gấp đôi bình quân cả nước, chịu tác động rất mạnh từ kinh tế thế giới với việc lạm phát tăng cao, tiêu dùng sụt giảm mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều biến động. Đơn cử, sự sụt giảm về sản lượng của Samsung so với cùng kỳ năm trước dẫn đến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh là sản xuất linh kiện điện tử chỉ tăng 1,45% so với cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong 8 năm qua.
Thương mại nội địa phục hồi sôi động
Về xuất khẩu, tính đến ngày 15/3/2023, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt 2.792,9 triệu USD, tăng 1,75% so với cùng kỳ. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng điện tử và linh kiện điện tử ước tính đạt 1.326,7 triệu USD, giảm 10,66% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Nhóm hàng máy móc, thiết bị và phụ tùng ước tính đạt 564,7 triệu USD, tăng 47,92% và chiếm 20,22%. Nhóm hàng xe máy và linh kiện phụ tùng xe máy ước đạt 260 triệu USD, tăng 18,82% và chiếm 9,31%. Nhóm dệt may ước đạt 101,6 triệu USD, giảm 14,31% và chiếm 3,64%. Nhóm linh kiện, phụ tùng ô tô ước đạt 55,5 triệu USD, tăng 23,48% và chiếm 1,99%...
Ở chiều ngược lại, tính đến ngày 15/3/2023, kim ngạch nhập khẩu của Vĩnh Phúc ước đạt 2.817,8 triệu USD, giảm 3,43% so với cùng kỳ.
Tại thị trường nội địa, các hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong 4 tháng đầu năm 2023 diễn ra khá sôi động, nhu cầu về đi lại du xuân, du lịch, ăn uống ngoài gia đình của người dân tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 26.417 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 22.553,2 tỷ đồng, tăng 26,8%; doanh thu các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 2.319 tỷ đồng, tăng 79,4%; doanh thu các ngành dịch vụ khác đạt 1.545 tỷ đồng, tăng 32,68%.
"Xét về cả quy mô và tốc độ đều đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2018 đến nay, cho thấy ngành thương mại, dịch vụ đang có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ trở lại sau đại dịch, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh", lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhận định.
Lượng khách tham quan du lịch đến Vĩnh Phúc tăng rất cao, ước 4 tháng đầu năm đạt 3.229 triệu lượt khách, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, góp phần đưa tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.285 tỷ đồng.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Vĩnh Phúc tăng 5,06% so với cùng kỳ năm trước, tăng ở 7/11 nhóm hàng.
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Về thực hiện kế hoạch đầu tư công, tính đến ngày 31/3/2023, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Vĩnh Phúc đã giao chi tiết hơn 7,9 nghìn tỷ đồng (đạt 100% số vốn trung ương giao), bằng 84,3% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao; số vốn còn lại chưa giao chi tiết là hơn 1,31 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn do địa phương giao bổ sung.
Lũy kế khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh trong quý I/2023 đạt hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, bằng 15,2% so với kế hoạch vốn đã giao (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022); cao hơn so với mức bình quân của cả nước (10,35%) và xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao.
Ước hết tháng 4/2023, huy động vốn toàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt 114,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4,49% so với cuối năm 2022. Tổng dư nợ cho vay ước thực hiện đến 31/3/2023, dư nợ đạt 119 nghìn tỷ đồng, tăng 2,77% so với cuối năm 2022 (chủ yếu các khoản vay ngắn hạn, có tính thanh khoản cao). Nợ xấu trên địa bàn đến hết tháng 4/2023 là 840 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,71%/tổng dư nợ.
Ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc 4 tháng đầu năm 2023 đạt 10.986 tỷ đồng, bằng 33,9% dự toán.
Báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho thấy, tính đến ngày 15/3/2023, Vĩnh Phúc đã cấp phép chủ trương đầu tư cho 19 dự án đầu tư trực tiếp.
Trong đó, cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 23 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 259,834 triệu USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022; cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 5 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 4.117 tỷ đồng, bằng 53,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến ngày 15/4/2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 492 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 9.085 tỷ đồng, tăng 14,42% về số doanh nghiệp và tăng 1,84 lần so về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng doanh nghiệp tham gia quay trở lại thị trường là 149 doanh nghiệp, bằng 69,63% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tính đến ngày 15/4/2023 lên 641 doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong kỳ là 505 doanh nghiệp, tăng 1,47 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đề nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ về cơ chế, chính sách
Dù vậy, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có vướng mắc về cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, lượng hàng tồn kho tăng cao nên số lượng và quy mô đơn hàng của các doanh nghiệp giảm, trong khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, dẫn tới, doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, cho người lao động thôi việc, nghỉ việc luân phiên, điều này tác động đến kết quả sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Tình hình thị trường giá bất động sản nhà ở, đất nền vẫn còn ở mức giá cao hơn gấp nhiều lần mức thu nhập trung bình của xã hội; do vậy, người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị, công nhân lao động và người nhập cư khó có cơ hội sở hữu nhà ở.
Lực lượng lao động phân bố không đồng đều, chất lượng lao động còn nhiều hạn chế. Nguồn cung lao động kỹ thuật trình độ cao, chưa đáp ứng được thị trường lao động, nhất là một số ngành dịch vụ, du lịch và các ngành điện tử.
Trên cơ sở đó, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị đoàn công tác xem xét, báo cáo Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách phục hồi kinh tế, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với các doanh nghiệp các nước trong khu vực.
Trong đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu tiếp tục triển khai, gia hạn, mở rộng đối tượng... các cơ chế chính sách tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch, bệnh COVID-19 trong năm 2023 như chính sách về giảm lãi suất cho vay; chính sách miễn, giảm các loại thuế, phí… Đồng thời, đề nghị điều chỉnh, tháo gỡ các vướng mắc đối với chính sách nhà ở công nhân: Bố trí quỹ đất, đối tượng mua nhà, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư…
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị các Bộ, ngành hoàn thiện một số cơ chế, chính sách liên quan đến các lĩnh vực như: đất đai, giải ngân và triển khai dự án đầu tư công, vận tải, môi trường, nông nghiệp nông thôn, quản lý chợ, công nghiệp hỗ trợ, điện lực, giáo dục, an toàn thực phẩm,...