Các ngành sản xuất phát triển mạnh mẽ nhất là
các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, sắt, thép tốc độ tăng trưởng từ
18,80%/năm giai đoạn 2001-2005 lên 25,73%/năm giai đoạn 2006-2010; công nghiệp
điện, điện tử tăng từ 0,63%/năm giai đoạn 2001-2005 lên 64,66%/năm giai đoạn
2006-2010. Đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển
công nghiệp của tỉnh. Tính
đến hết tháng 10/2014 Vĩnh Phúc có 749 dự án FDI còn hiệu lực, trong đó có 176
dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 3 tỷ USD, 573 dự án DDI với tổng vốn đăng ký
là 38.607,6 tỷ VND
Các dự án đầu tư vào tỉnh trong những năm qua đã tạo điều
kiện hình thành nên các trung tâm công nghiệp lớn về sản xuất lắp ráp ô tô, xe
máy; sản xuất vật liệu xây dựng và đang từng bước hình thành trung tâm sản phẩm
điện tử viễn thông, công nghệ cao.
Số doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 11/2014 là 181 doanh nghiệp tăng 06 doanh nghiệp so với năm 2013. Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ như Đông Âu, Mĩ, Nhật và các nước châu phi... Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: sản phẩm cơ khí, xe máy và linh kiện xe máy, phụ tùng ô tô, đệm ghế ô tô, dệt may, linh kiện điện tử, chè.
Hiện nay, ngành có cơ cấu chiếm tỷ trọng cao là ngành lắp ráp ô tô, xe máy, công nghiệp sản xuất thép ống, phôi thép và gia công may mặc, cơ khí... Như vậy, sản phẩm công nghiệp chủ yếu mới tham gia vào công đoạn lắp ráp, gia công trong chuỗi giá trị và giá trị gia tăng trong từng công đoạn của sản phẩn phẩm cuối cùng. Do vậy, có thể thấy giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp còn thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao; giá trị nhập khẩu trong sản phẩm công nghiệp nói chung và sản phẩm công nghiệp xuất khẩu còn lớn.
Từ nay đến năm 2018, thời điểm bỏ thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN, sức ép về chi phí dịch vụ, cơ sở hạ tầng, nhất là chi phí tiền lương tăng lên gây khó khăn ngày càng tăng cho các doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm cuối cùng ô tô, xe máy tại Việt nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng khi không tìm được nguồn cung cấp một số linh kiện, phụ tùng tại chỗ.
Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 24/6/2013) xác định ưu tiên phát triển CNHT của 5 ngành công nghiệp đó là: Công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp điện tử-tin học; công nghiệp dệt may- da giầy và công nghiệp vật liệu xây dựng (chiếm khoảng 23% giá trị SXCN toàn ngành công nghiệp). Sự phát triển nhanh của các lĩnh vực CNHT này đã góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực phát triển nhanh.
Triển khai Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 56/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 về cơ chế hỗ trợ cho các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, đã mang lại hiệu quả bước đầu: Dự kiến năm 2013 thu hút được 82 dự án, trong đó có 45 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 407,7 triệu USD tăng 73% về số dự án và 23,2% về số vốn đăng ký so 2013; và 37 dự án DDI với số vốn đăng ký 4.390 tỷ đồng, tăng 54,2% về số dự án và giảm 29,5% về số vốn đăng ký so năm 2013. Lũy kế đến hết năm 2014 toàn tỉnh có 754 dự án còn hiệu lực, gồm 184 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 3.077 triệu USD và 570 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 38.250 tỷ đồng.
Một số vấn đề cần phải thực hiện nhằm phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới:
Một là: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư về cơ sở hạ tầng. Tạo sự đồng bộ tối đa trong việc sản xuất cung ứng các chi tiết bộ phận cho sản phẩm cuối cùng; tận dụng khả năng sử dụng chung các thiết bị công nghệ nhằm tận dụng công suất và tiết kiệm đầu tư; tạo điều kiện tổ chức thông tin giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, giữa doanh nghiệp lắp ráp với doanh nghiệp sản xuất linh kiện, chi tiết;
Hai là: Xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh cho những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục và nằm trong chuỗi sản xuất lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng;
Ba là: Khuyến khích hình thành các tổ chức tư vấn công nghiệp, phát triển dich vụ tư vấn, các công ty tư vấn thực hiện việc tư vấn trợ giúp doanh nghiệp; nghiên cứu khai thác vười ươm công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các ý tưởng sản xuất kinh doanh của mình, kết hợp đào tạo, khởi nghiệp với phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ;
Bốn là: Mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, đa dạng hoá các loại hình hợp tác để tranh thủ tối đa sự chuyển giao công nghệ hiện đại từ đối tác nước ngoài. Trong các dự án đầu tư phát triển (phần về danh mục thiết bị) và trong hợp tác sản xuất kinh doanh cần đặc biệt coi trọng yếu tố chuyển giao công nghệ mới, coi đây là một trong những yếu tố để quyết định dự án đầu tư và hợp đồng hợp tác sản xuất
Năm là: Có chiến lược thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất và thúc đẩy liên kết cho các doanh nghiệp nội địa. Hàng năm tỉnh cần dành nguồn ngân sách đầu tư cho xúc tiến đầu tư CNHT với trọng điểm tại các nước đang phát triển mạnh CNHT ở Đông Á: Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan; Hình thành Quỹ xúc tiến đầu tư, trong đó có nhiều nội dung theo các giai đoạn đầu tư của doanh nghiệp; kể cả các dịch vụ hỗ trợ khi doanh nghiệp đã vào đầu tư;
Sáu là:
Đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đối với ngành công
nghiệp nói chung và CNHT nói riêng; từng bước xây dựng lực lượng lao động với
chất lượng cao đáp ứng yêu cầu; đa dạng hóa loại hình đào tạo; khuyến khích các
doanh nghiệp lớn tham gia đào tạo nguồn nhân lực./.