Điều chỉnh giá bán điện để đoạn tuyệt với cơ chế cũ

Ngày 15/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Như vậy, bước đầu bài toán giá điện đã có lời giải, bởi xu thế hội nhập không

Theo nhiều chuyên gia, việc Chính phủ thấy giá điện bất hợp lý, không phù hợp với quy luật của cơ chế thị trường, mà chỉ điều chỉnh giá điện từng bước là có sự cân nhắc thấu đáo giữa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và quyền lợi người dân, nên ở một khía cạnh nào đó, phần thiệt thòi thuộc về doanh nghiệp làm điện. 

Tuy nhiên, thời gian qua, cũng không ít ý kiến cho rằng, ngành Điện được bao cấp, được sử dụng vốn ngân sách để đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, vì vậy phải đảm bảo đủ điện cho nhân dân. Có một điều mà nhiều người chưa hiểu, đó là từ lâu rồi, Nhà nước chỉ tạo cơ chế cho các doanh nghiệp làm điện (chính sách ưu đãi, cơ chế vay vốn nước ngoài...), chứ không có ngân sách đâu mà cấp mãi (những doanh nghiệp làm điện ở đây, ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn có Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khác...). Riêng EVN thì gánh nặng đảm bảo nhu cầu điện cho toàn xã hội thì ai cũng thấy rõ, mà gánh nặng nhất là đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo số liệu của cơ quan chức năng Bộ Công Thương, đến hết năm 2010, cả nước đã có 100% số huyện, trong đó 98,19% huyện có điện lưới quốc gia; 98,4% số xã và 95,86% hộ dân nông thôn có điện, vượt 5,86% so với chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng. Đây là thành tựu rất đáng tự hào mà công lớn thuộc về Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng giá bán điện theo cơ chế kinh doanh đối với hộ dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa được Nhà nước xác lập minh bạch, rõ ràng. Được biết, EVN đã có kiến nghị với Nhà nước, cần phải rạch ròi giữa hoạt động sản xuất kinh doanh với hoạt động công ích, nhưng đề xuất này chưa được chấp nhận và vì vậy, các tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài nước cũng chỉ muốn đầu tư phát triển nguồn (nhiệt điện và thủy điện), còn phần lưới truyền tải thì không bao giờ nhắc tới. Chính vì vậy mà hàng năm, chỉ riêng Tổng công ty Điện lực miền Bắc, vẫn phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng cho mỗi công ty điện lực khu vực miền núi phía Bắc hoạt động, bởi vốn đầu tư phát triển lưới điện khu vực này rất lớn, nhưng hiệu quả đem lại không cao, trong khi lãi suất vay ngân hàng để xây dựng đường dây và trạm biến áp thì tăng chóng mặt. 

Sự bao cấp về giá điện không chỉ áp dụng dành cho đại bộ phận người dân nông thôn, mà cho cả toàn xã hội, bởi giá điện ở Việt Nam được coi là “bèo” nhất trong khu vực các nước lận cận. Giá điện hiện nay của Việt Nam bình quân nếu tính theo USD là 5,2 cent/kWh, trong khi Xingapo là 13,5 cent, Malayxia là 7,6 cent, Indonesia là 8 cent... Chưa cần so sánh giữa giá một kWh điện của nước ta với các nước xung quanh chênh lệch như thế nào, nhưng một hộ gia đình ở nước ta chỉ cần 5-6 trăm đồng sử dụng điện là có thể nấu được một bữa ăn trọn vẹn, trong khi với 5-6 trăm đồng ấy, liệu ra chợ có mua nổi mớ rau trong thời bão giá hiện nay? Chúng ta đã quá quen với chính sách điều tiết của Nhà nước, được trợ giá từ “bầu sữa” Chính phủ mà quên rằng, năm 1986, sau khi Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới: Xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, sửa đổi các chính sách đòn bẩy kinh tế, hình thành cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa”, thì nhiều doanh nghiệp lao đao vì quen hoạt động theo chỉ tiêu pháp lệnh, kế hoạch hóa, thiếu tính chủ động. Nhưng giờ đây, sau 25 năm kể từ khi đoạn tuyệt với cơ chế cũ, chúng ta mới thấy chủ trương của Đảng đã đem lại thành công cho nhân dân ta là hết sức to lớn. 

Vào thời điểm này, Nhà nước đã cho phép điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường, trong đó có xăng dầu được người dân chấp nhận được coi là một thành công, nhằm khắc phục những bất cập tồn tại từ nhiều năm nay, nó như một khối “ung nhọt” trong cơ thể nếu không kịp thời cắt bỏ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hiện nay, giá điện thấp đang kéo theo nhiều hệ lụy: Không đủ vốn để phát triển nguồn và lưới điện; không thu hút được các nhà đầu tư vào dự án điện vì kinh doanh bị lỗ; giá điện rẻ, vô tình chúng ta đã trợ giá cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài đem công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng đầu tư làm ăn tại Việt Nam; người dùng điện thiếu ý thức tiết kiệm trong thời điểm đang thiếu nguồn điện; hiệu quả sử dụng một kWh điện trên một đơn vị sản phẩm cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á; giá điện thấp, trong khi phải mua điện giá cao từ các nhà đầu tư, cũng như mua từ nước ngoài, dẫn tới EVN không đủ sức để kéo dài chuyện bù lỗ... Và nếu chúng ta không điều chỉnh giá điện theo lộ trình thì có thể tình trạng thiếu điện trong nhiều năm tới sẽ còn trầm trọng hơn. 

Tuy nhiên, việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định cho phép điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường từ ngày 1/6 năm nay không có nghĩa là năm 2011 và trong vài năm tới, nước ta sẽ giải quyết được bài toán thiếu điện như đòi hỏi của dư luận xã hội. Bởi tăng giá điện là để đầu tư phát triển hệ thống lưới điện, đảm bảo cân đối nguồn vốn, giải quyết nợ vay và khắc phục tình trạng bất cập về giá điện, nên vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thời gian tới vẫn phải được tiếp tục duy trì. Đồng thời, cũng đặt ra cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam một nhiệm vụ vô cùng to lớn và hết sức khó khăn, nặng nề. EVN sẽ phải tập trung các giải pháp, đầu tư phát triển các dự án đồng bộ nguồn và lưới điện; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo tiến độ thi công các công trình thủy điện, nhiệt điện; thực hiện các biện pháp hạ tỷ lệ tổn thất điện năng; rà soát củng cố, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy điều hành.., song song với công tác chuẩn bị tái cơ cấu ngành Điện. Sau bước điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, thì đến ngày 01/7/2011, chúng ta cũng sẽ thực hiện vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, muốn vậy, sẽ phải tách các nhà máy điện ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ để lại một số nhà máy điện chiến lược trong EVN để đảm bảo cho các công ty phân phối duy trì được vấn đề cấp điện. Còn phần truyền tải, phân phối vẫn do EVN quản lý giai đoạn đầu, nhằm đảm bảo cho các công ty phân phối bán điện và cung cấp điện một cách ổn định. 

Hy vọng, với sự quan tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Bộ Công Thương và sự chia sẻ của nhân dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ nỗ lực cố gắng hơn nữa để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kế hoạch đề ra, đáp ứng tốt nhất nhu cầu điện, đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.