Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Nomura và Bộ Kinh tế Nhật Bản, tỉ lệ dùng thẻ tín dụng chỉ ở mức 10% hoặc thấp hơn tại Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, trong khi thanh toán di động được từ 47% đến 67% dân số các nước này sử dụng. Tại Trung Quốc, nơi các giao dịch hàng ngày phần lớn diễn ra trên smartphone, nhiều người lớn lên mà chưa từng nhìn thấy thẻ tín dụng.
Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động lôi kéo người dùng và mở rộng dịch vụ, thẻ tín dụng trải qua trận chiến khó khăn để giành lại thị phần tại khu vực phát triển nhanh nhất thế giới này.
Theo nhà phân tích Yasuyuki Fuchida của Nomura, dù mạng lưới công ty thẻ tín dụng rộng lớn, chi phí tiếp cận lại đắt đỏ, dẫn đến việc các hãng khác phá triển nền tảng thanh toán phi tiền mặt thuận tiện hơn, bớt tốn kém hơn bằng công nghệ di động.
Một rào cản khác là ngày càng nhiều chính phủ câu Á tự làm nền tảng thanh toán riêng, ngăn dữ liệu khách hàng bị chuyển sang Mỹ. Chẳng hạn, Ấn Độ ra ứng dụng thanh toán di động BHIM năm 2016, cho chuyển tiền giữa các ngân hàng khác nhau mà không cần qua mạng lưới Visa hay MasterCard.
Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi còn dự thảo chính sách, quy định các công ty thương mại điện tử và mạng xã hội phải giữ dữ liệu bên trong Ấn Độ. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng yêu cầu Visa và MasterCard giữ dữ liệu giao dịch khách hàng bên trong nước này.
Visa và MasterCard từ lâu chiếm ưu thế trong thanh toán thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, thu phí sử dụng từ các nhà bán lẻ, ngân hàng cũng như từ người dùng trong một số trường hợp. Song, hiện tại, họ đang bị thách thức ngay tại Nhật Bản, nơi dường như an toàn nhất.
Một trong các đối thủ của họ là PayPay, nền tảng thanh toán di động được Yahoo Nhật Bản và SoftBank chống lưng. Người dùng có thể mua sắm và trả tiền bằng mã QR trên smartphone, thuận tiện hơn và chưa bị tính phí cho đến tháng 10. Nó tốt đến mức người dùng không thể ngừng sử dụng.
PayPay đang có 6,66 triệu người dùng, được chấp nhận tại hơn 500.000 cửa hàng. Các chiến dịch quảng bá hào phóng như hoàn tiền 20% trong thời gian giới hạn đã giúp con số tăng lên.
Không may cho Visa và MasterCard, PayPay cũng như các ứng dụng khác đều không dựa vào mạng lưới thẻ tín dụng để xử lý giao dịch. Theo khảo sát năm 2017 của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, chỉ 25% nhà hàng nhỏ như các quán café tại điểm du lịch chấp nhận thẻ tín dụng. 42% các doanh nghiệp không chấp nhận thẻ tín dụng cho rằng phí xử lý quá cao.
Theo Masayuki Yamamoto, Chủ tịch Yamamoto International Consultants, thanh toán mã QR rẻ hơn thẻ tín dụng về cả chi pihs và lắp đặt thiết bị. Dù mức phí phụ thuộc vào từng loại thẻ và chủ doanh nghiệp, thông thường, công ty thẻ tín dụng thu của chủ doanh nghiệp 3,25% đến 5% giá trị giao dịch. Chủ doanh nghiệp nhỏ thường bị tính phí cao hơn.
Tại Trung Quốc, tình hình khá khác biệt. Nhiều người chưa bao giờ nhìn thấy, chưa nói đến sử dụng, một chiếc thẻ tín dụng. Các nền tảng như Alipay và WeChat Pay đã thống lĩnh trước khi thẻ tín dụng có cơ hội bắt kịp.
Thế mạnh của các công ty thẻ tín dụng là khả năng hoạt động xuyên biên giới. Nay, lợi thế đó cũng bị Alipay thách thức. Eric Jing, CEO Ant Financial Services, công ty đứng sau Alipay, cho biết họ có 1 tỷ người dùng trên toàn châu Á và mỗi năm có thể thêm 200 triệu người dùng mới. Theo ông Jing, hơn 300.000 cửa hàng ở Nhật Bản đã chấp nhận Alipay, nhiều gấp 5 lần tháng 8/2018.
Riêng ở nước này, thẻ tín dụng như Visa thường được chấp nhận tại các điểm đông khách du lịch. Ngay cả hệ thống thẻ tín dụng riêng của Trung Quốc, UnionPay, cũng gặp khó khăn trước sức ép của thanh toán di động.
UnionPay phát hành năm 2002 bởi các ngân hàng Trung Quốc theo sáng kiến của chính phủ. Hệ thống có ứng dụng riêng nhưng Alipay vẫn phổ biến với người dùng hơn vì nó có nhiều dịch vụ như vay nợ, đầu tư tài chính, mua sắm trực tuyến, gọi xe.
Hai cái tên tham vọng khác là Go-Pay của Go-Jek và GrabPay của Grab. Người dùng có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tài khoản ngân hàng rồi thanh toán tại cửa hàng hay trả phí dịch vụ. Họ không phải xin mở thẻ từ Visa hay MasterCard mà chỉ cần một smartphone.
Grab, Go-Jek hay Alipay có lợi thế quan trọng, đó là họ không kiếm tiền từ các hoạt động thanh toán di động. Thay vào đó, đây là cách để thu hút khách hàng và từ đó cung cấp dịch vụ trả phí khác như đầu tư, cho vay, bảo hiểm.
Trong khi các nền tảng thanh toán di động châu Á chủ yếu hoạt động hạn chế tại quê nhà, họ đang đầu tư vào các nước khác. Đây là dấu hiệu cho thấy họ dự đoán quy định về giao dịch xuyên biên giới sau cùng sẽ được nới lỏng. Nếu điều này là sự thật, trận chiến giữa các gã khổng lồ như Alipay và Visa mới chỉ bắt đầu.