Vocarimex dự kiến chia cổ tức năm 2018 ở mức 12% và sẽ chuyển sàn niêm yết, từ Upcom sang sàn TPHCM ( HOSE) vào năm 2019.
Sáng 12/6, Vocarimex tiến hành đại hội cổ đông thường niên. Theo Vocarimex, năm 2017 là năm bản lề của công ty, với doanh thu 4388 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ kinh doanh công nghiệp và xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất, lần lượt tăng 52,6% và 14,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của Vocarimex đạt 300 tỉ đồng, vượt 50% so với kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, năm qua, Vocarimex đã tiết giảm 59% chi phí hoạt động so với năm trước, đẩy mạnh quản lý vốn phù hợp. Công ty cũng đã tái cấu trúc hoạt động đầu tư tại các công ty liên doanh, liên kết nhằm tăng hiệu quả các khoản đầu tư; Chuyển đổi định hướng hoạt động theo hướng tập trung khai thác, phát triển khối khách hàng công nghiệp, thương mại và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Vocarimex đã khai thác các thế mạnh của mình, về quy mô, các nguồn lực tích hợp từ Công ty mẹ là KIDO. Công ty cũng nỗ lực trong việc tìm hiểu nhu cầu khách hàng, đẩy mạnh nghiên cứu, để đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng, đa dạng nhằm cung cấp dầu cho nhiều đối tượng khách hàng, ở các khu vực, vùng miền khác nhau.
Sang năm 2018, khởi đầu cho giai đoạn tăng trưởng bứt phá mới, Vocarmiex đặt mục tiêu doanh thu 4800 tỉ đồng, tăng hơn 9% cùng kỳ còn lợi nhuận trước thuế ước 300 tỉ đồng, tức bằng với năm ngoái. Trả lời thắc mắc của một số cổ đông vì sao không tăng trưởng lợi nhuận, phía Vocarimex giải thích, năm 2017, công ty có khoản lợi nhuận từ thanh lý tài sản nên đã đạt lợ nhuận tăng mạnh. Năm nay, nếu bỏ qua yếu tố thanh lý tài sản, kế hoạch lợi nhuận thật chất là tăng 10% so với cùng kỳ.
Trong chiến lược sắp tới, Vocarimex sẽ tập trung phát triển bán hàng vào kênh công nghiệp, tại 500 khu công nghiệp. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ thâm nhập sâu vào thị trường xuất khẩu, tiếp cận có trọng điểm đến hàng ngàn doanh nghiệp có sử dụng dầu trong sản xuất kinh doanh để mở rộng thị trường. Lợi thế cho Vocarimex là Công ty sở hữu cảng Nhà Bè, có hệ thống kho chứa, bồn chứa dầu trữ lượng lớn, có dây chuyền sản xuất hiện địa và năng lực nghiên cứu phát triển sản phẩm. Công ty còn được tích hợp những lợi thế về vốn, kênh phân phối, quản trị điều hành từ Công ty mẹ là Tập đoàn Kido.
Hiện tại, theo thống kê chung, quy mô của ngành dầu ăn Việt Nam là hơn 30.500 tỉ đồng. Trong đó, một nửa thị trường là ở kênh bán lẻ. Còn lại, 45% là qua kênh công nghiệp và thương mại. Xuất khẩu chiếm khoảng 5% giá trị của ngành. Theo Euromonitor, tiềm năng thị trường dầu ăn còn rộng mở với mức tiêu thụ dầu ăn công nghiệp ước tăng từ 8-11%/năm từ nay đến 2022. Trong đó, các ngành mì ăn liền, bánh kẹo, công nghiệp chế biến ước sẽ góp phần đáng kể vào trong tăng trưởng của ngành dầu.
Nhưng dầu ăn cũng là ngành thu hút hơn 40 đơn vị tham gia, với những cái tên như Cái Lân, Golden Hope và gần đây, Daso, Sao Mai An Giang cũng dấn bước vào ngành này. Nhưng phía Vocarimex cho biết, Công ty nhìn về thị trường, khách hàng, gia tăng nghiên cứu sản p hẩm, tạo cơ sở hạ tầng, tạo niềm tin, tín nhiệm hơn là nhìn về đối thủ, Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kido, cũng là chủ tịch ở Vocarimex nhấn mạnh, Vocarmiex không lo ngại cạnh tranh. Công ty sẽ đi vào cung cấp dầu thực vật cho các công ty, nhà bán lẻ. Và nếu có cạnh tranh thì đó là cạnh tranh về kỹ thuật, sản phẩm, phân phối, thương hiệu..
Vocarimex dự kiến chia cổ tức cho cổ đông năm 2018 ở mức 12% và có thể chuyển sàn niêm yết, từ Upcom sang sàn TPHCM ( HOSE) vào năm 2019.