Hai nghiên cứu sinh đầu tiên là ông Nguyễn Minh Quý - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam và bà Phạm Bảo Ngọc - giảng viên Đại học Dầu khí Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Quý đã bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ “Nghiên cứu, đánh giá hiện tượng ngưng tụ lỏng và các yếu tố ảnh hưởng đến dòng chảy trong vùng cận đáy - thân giếng khai thác mỏ khí condensate và áp dụng tính toán cho mỏ Hải Thạch”.
Bà Phạm Bảo Ngọc đã bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ “Nghiên cứu tiến hóa môi trường trầm tích và ý nghĩa dầu khí trầm tích Miocen giữa, khu vực trung tâm Bể Nam Côn Sơn”.
VPI được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Dầu khí từ năm 2012 và tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Hóa học từ năm 2017, với mục tiêu tăng cường sự gắn kết giữa công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng.
Hiện nay, VPI đang chủ trì thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn cấp Nhà nước trong các lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và hóa - chế biến dầu khí. Các nghiên cứu sinh tham gia chương trình đào tạo sẽ được cấp học bổng từ Quỹ phát triển sự nghiệp của VPI và kinh phí hỗ trợ thông qua các hợp đồng thuê khoán chuyên môn với chủ nhiệm đề tài trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Năm 2019, VPI thông báo dành 10 suất học bổng cho các nghiên cứu sinh mới, trong đó có 4 suất học bổng chuyên ngành kỹ thuật dầu khí (1 suất học bổng hướng chuyên sâu tìm kiếm thăm dò; 3 suất học bổng hướng chuyên sâu khai thác dầu khí); 6 suất học bổng chuyên ngành kỹ thuật hóa học, hướng chuyên sâu về công nghệ lọc - hóa dầu và chế biến khí.
Hướng nghiên cứu được cấp học bổng gồm các nghiên cứu về nâng cao hệ số thu hồi dầu EOR có ứng dụng công nghệ 4.0; các nghiên cứu tối ưu khai thác dầu khí có ứng dụng công nghệ 4.0; các nghiên cứu cải thiện thu hồi dầu IOR, ứng dụng cụ thể cho đối tượng mỏ; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các phương pháp xử lý xác suất - thống kê cho số liệu địa chất, địa vật lý phục vụ công tác thăm dò, khai thác dầu khí…
Đồng thời, VPI cũng sẽ hỗ trợ học bổng cho các nghiên cứu về quá trình reforming khí thiên nhiên có chứa CO2 thành khí tổng hợp; tổng hợp vật liệu nanocarbon từ khí thiên nhiên có chứa CO2; nghiên cứu cơ chế ăn mòn dưới lớp cặn trong các đường ống thu gom và vận chuyển dầu khí; nghiên cứu ảnh hưởng của H2S và CO2 đến ăn mòn ứng suất trong các sản phẩm dầu khí. Các nghiên cứu về: chuyển hóa khí thiên nhiên giàu CO2 thành khí tổng hợp để sản xuất nhiên liệu sạch và methanol; tổng hợp vật liệu nano carbon từ khí thiên nhiên giàu CO2 sử dụng xúc tác dạng màng mỏng.
Bà Nguyễn Thị Lan Oanh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI) cho biết, từ năm 2020, VPI sẽ quốc tế hóa chương trình đào tạo tiến sĩ, trong đó sẽ xét tuyển nghiên cứu sinh quốc tế.
VPI cũng hợp tác với các trường/viện nghiên cứu trên thế giới để mời giảng viên/chuyên gia tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn luận án cho các nghiên cứu sinh; cử nghiên cứu sinh đi thực tập, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo nước ngoài… tiến tới xây dựng chương trình đào tạo cấp song bằng tiến sĩ.