Theo đó, VPI sẽ đánh giá tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng đến thị trường xăng dầu Việt Nam; nhận định thách thức và cơ hội dưới tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng, xu hướng phát triển pin xe điện và trạm sạc cho xe ô tô trên thế giới, khu vực và Việt Nam. Trên cơ sở đó, VPI đề xuất các giải pháp để PVOIL phát triển ổn định và bền vững trong bối cảnh diễn ra xu hướng chuyển dịch năng lượng.
Viện trưởng VPI Nguyễn Anh Đức cho biết, theo khảo sát của Frost & Sullivan (Mỹ) có 33% người tiêu dùng ở Việt Nam quan tâm đến việc mua xe điện, vấn đề còn lại là giá, công nghệ sạc, giá pin và tuổi thọ của pin. Với vai trò và sứ mệnh của đơn vị nghiên cứu khoa học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, VPI sẽ theo dõi các chỉ dấu của thị trường, thường xuyên cập nhật để lãnh đạo PVOIL có cơ sở đưa ra quyết định chính xác, chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp ứng phó rủi ro và tận dụng cơ hội trong xu hướng chuyển dịch năng lượng.
Chủ tịch HĐQT PVOIL Cao Hoài Dương cho biết, trong xu hướng chuyển dịch năng lượng, PVOIL là đơn vị bị ảnh hưởng trực tiếp nên luôn có ý thức chủ động ứng phó “giảm thiểu nguy và tận dụng cơ”. Cách đây 3 năm, PVOIL đã quan tâm nghiên cứu sự phát triển xe điện, khả năng thay thế của xe điện cho xe chạy bằng xăng dầu và xây dựng các kịch bản có thể xảy ra. PVOIL mong rằng, qua sự hợp tác với VPI, các chuyên gia sẽ hỗ trợ PVOIL trong nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật, xu hướng phát triển của pin và trạm sạc để PVOIL có thêm thông tin trong công tác hoạch định chiến lược phát triển, sẵn sàng thích ứng với xu hướng phát triển của xe điện.
Với vai trò là doanh nghiệp kinh doanh phân phối sản phẩm dầu, sự chuyển dịch năng lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của PVOIL. Do đó, PVOIL cần tận dụng lợi thế cơ sở hạ tầng sẵn có của hệ thống hơn 600 cửa hàng xăng dầu trên khắp cả nước, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh để có các phương án, giải pháp đón đầu xu thế phát triển của xe ôtô điện.