Trong khi chỉ tiêu tốn của al-Qaeda khoảng 400.000 - 500.000 USD lên kế hoạch và triển khai, vụ khủng bố 11/9 đã gây ra thiệt hại cho toàn nước Mỹ lên đến con số 3,3 nghìn tỷ USD, theo tờ New York Times vào năm 2011.
Vụ tấn công năm 2001 cũng khiến Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (chỉ số Dow) giảm gần 700 điểm và góp phần kéo dài cuộc suy thoái kinh tế Mỹ năm 2001, đồng thời dẫn đến chiến dịch Chiến tranh chống khủng bố - một trong những hoạt động quân sự tiêu tốn ngân sách công lớn nhất trong lịch sử nước này.
New York gánh chịu hầu hết thiệt hại vật chất trực tiếp
Báo cáo năm 2002 của New York ước tính, thiệt hại vật chất của vụ khủng bố 11/9 gây ra đã lên tới 55 tỷ USD.
Trong đó, 24 tỷ USD là ước tính thu nhập của tổng cộng 2.977 người đã thiệt mạng trong vụ việc, không bao gồm 19 tên khủng bố.
Chỉ riêng thiệt hại từ các tòa nhà thuộc khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới đã ở mức 8 tỷ USD. Khoảng 18.000 cơ sở kinh doanh đã bị phá hủy quanh khu vực này.
Thiệt hại từ sự phá hủy các trang thiết bị như máy tính, nội thất, xe cộ chiếm 6 tỷ USD, bằng với thiệt hại hệ thống tàu ngầm và giao thông khác.
Thiệt hại các tòa nhà khác tại New York là 5 tỷ USD. Thành phố này cũng dành ra 5 tỷ USD để giải quyết các hậu quả về thương tích, sức khỏe cho người dân sau vụ khủng bố, và dành 1 tỷ USD để dọn dẹp khu vực chịu thiệt hại.
Đặc biệt, vụ tấn công ảnh hưởng nặng nề lên xuất khẩu của New York, khiến tổng GDP của thành phố này ước giảm 30,3 tỷ USD 3 tháng cuối năm 2001 và cả năm 2002.
Chính phủ Liên bang đã phải chi viện 11,2 tỷ USD cho New York ngay trong tháng 9/2001, và thêm 10,5 tỷ USD vào đầu năm 2002 để gây dựng lại nền kinh tế cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết.
Bảo hiểm - chứng khoán thiệt hại nặng nề
Sau vụ khủng bố, người Mỹ tốn gần 40 tỷ USD để xây dựng lại tòa tháp đôi. Chi phí bảo hiểm phải bỏ ra để bù đắp cho chuỗi hậu quả cũng lên tới hàng chục tỷ USD, khi mà thiệt hại đến từ phá sản của các doanh nghiệp là 11 tỷ USD, cơ sở hạ tầng 9,6 tỷ USD, các vụ việc liên quan pháp lý 7,5 tỷ USD, bồi thường người lao động 1,8 tỷ USD và các chi phí khác lên tới 2,5 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp cũng suy sụp khi cổ phiếu giảm tới hơn 10%.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã phải đóng cửa 4 ngày không giao dịch sau vụ khủng bố, đánh dấu lần thứ 3 trong lịch sử kể từ khi thị trường đóng cửa lần đầu vào Chiến tranh Thế giới I và lần thứ 2 là vào tháng 3/1993 trong nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn làn sóng đột biến rút tiền gửi.
3 ngày sau vụ tấn công, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất một nửa xuống mức 3%. Thị trường chứng khoán sau đó mở lại vào 17/9/2001, nhưng chứng kiến sự sụt giảm nặng nề 7,13% của Chỉ số Dow, đạt mức 8.920,70 khi kết thúc phiên giao dịch. Đây là lần đầu tiên chỉ số chứng khoán Dow giảm tới 617,78 điểm trong chỉ một ngày.
Giá dầu của Mỹ cũng giảm từ 23,77 USD/thùng tháng 8/2001 xuống còn 15,95 USD/thùng vào tháng 12/2001.
Hàng không Mỹ ngưng trệ hàng năm trời
Công nghiệp hàng không Mỹ chịu thiệt hại 6 tỷ USD từ vụ khủng bố. Chỉ riêng 4 ngày đóng cửa mọi hoạt động thương mại đã khiến ngành này tổn thât 1,4 tỷ USD. Do người dân quá hoảng sợ việc đi lại bằng đường bay trong khoảng hơn 1 năm sau đó, 1.000 máy bay đã “thất nghiệp” thời gian dài cùng với hàng nghìn người lao động bị cho nghỉ việc tạm thời.
Thậm chí trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2010, ngành hàng không vẫn tiếp tục phải chịu thiệt hại 74 tỷ USD, theo tờ Travel Weekly.
Để giúp ngành hàng không, Chính phủ Liên bang đã cấp một khoản chi viện bao gồm 10 tỷ USD vay bảo lãnh và 5 tỷ USD vay hỗ trợ ngắn hạn.
Sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu hàng không cũng được cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ vĩnh viễn của “đế chế” máy bay siêu thanh thương mại bấy giờ là Concorde.
Góp phần kéo dài cuộc suy thoái kinh tế 2001
Vụ khủng bố 11/9 đã “đổ dầu vào lửa” cuộc suy thoái kinh tế năm 2001 vốn bắt đầu từ tháng 3 do bong bóng dot-com vỡ trên thị trường chứng khoán.
Sau khi giảm 1,1% vào quý 1/2001, nền kinh tế Mỹ vừa chập chững lấy lại đà tăng trưởng 2,1% vào quý 2 thì lại chịu cú giáng mạnh từ thiệt hại mà sự kiện 11/9 gây ra, tiếp tục giảm 1,7% vào quý 3/2001.
Dù cuộc suy thoái kết thúc vào tháng 11/2001, Chỉ số Dow vẫn tiếp tục giảm trong 1 năm sau đó, chạm đáy vào 9/10/2002 khi đạt 7,286.27 vào thời điểm kết thúc phiên giao dịch.
Để chống suy thoái và kích thích tăng trưởng kinh tế sau cuộc suy thoái năm 2001, FED đã 11 lần liên tục phải giảm lãi suất từ 6,75% xuống chỉ còn 1%.
Khởi đầu của hàng nghìn tỷ USD chi cho hoạt động quân sự
Sau vụ khủng bố, Mỹ đã mạnh tay chi lượng lớn chi phí vào quân sự - quốc phòng để đảm bảo hàng phòng thủ trước mọi thảm họa nào khác.
Ngày 20/9/2001, Mỹ chính thức phát động chiến dịch Chiến tranh chống khủng bố với lượng lớn chi phí được đầu tư.
Chi phí cho chiến tranh ở Afghanistan sau đó nhằm nhắm vào Osama bin Laden - Thủ lĩnh nhóm al-Qaeda đã lên tới khoảng 29,3 tỷ USD Mỹ ngay trong năm đầu tiên.
Trong khi đó, cuộc chiến ở Iraq có chi phí 36,7 USD trong năm đầu tiên tiến hành.
Tổng chi phí cho các hoạt động quân sự thuộc chiến dịch Chiến tranh chống khủng bố của Mỹ tiếp tục leo thang. Kết thúc hai nhiệm kỳ của Tổng thống George Bush, tổng chi phí này đã lên tới 1,164 nghìn tỷ USD, bao gồm chi phí xây dựng Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ An ninh nội địa của đất nước này.
Hiện nay, tổng chi phí được ước tính đã lên tới 2,126 nghìn tỷ USD, ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố vĩ mô là khủng hoảng nợ của Mỹ. Theo các chuyên gia, nếu không có Chiến tranh chống khủng bố, khoản nợ năm 2018 của Chính phủ Mỹ sẽ chỉ ở mức khoảng 19 nghìn tỷ USD.
Thực tế, cộng thêm chi phí chiến tranh, con số này là 21 nghìn tỷ USD trong năm 2018, trong khi tổng GDP năm vừa qua của nước này chỉ đạt 20,4 nghìn tỷ USD.