PV: Xin ông làm rõ các khái niệm về Vũ trụ ảo Công nghiệp, và những lợi thế cạnh tranh mà lĩnh vực này mang lại cho doanh nghiệp?
Tiến sỹ Phạm Thái Lai: Vũ trụ ảo Công nghiệp là một lĩnh vực của vũ trụ ảo tập trung vào việc lập bản đồ và mô phỏng các máy móc, nhà máy, thành phố, mạng lưới giao thông và các hệ thống có độ phức tạp cao khác trong thế giới thực. Nó cho phép người tham gia tạo ra các bản sao và mô phỏng một cách đầy đủ, có độ tương tác cao, liền mạch và đồng bộ về thế giới thực trong thời gian thực.
Các công nghệ hiện có và đang phát triển như bản sao số, trí tuệ nhân tạo và học máy, thực tế mở rộng (XR), công nghệ chuỗi, điện toán đám mây và điện toán biên sẽ là những khối xây dựng của vũ trụ ảo công nghiệp. Những công nghệ này sẽ hội tụ để tạo ra một giao diện mạnh mẽ giữa thế giới thực và thế giới số, tạo ra một tổng thể lớn hơn nhiều so với các bộ phận riêng biệt.
Bằng cách cho phép các doanh nghiệp mô hình hóa, tạo mẫu và kiểm tra các phiên bản thiết kế trong thời gian thực và trong môi trường thẩm thấu, dựa trên vật lý trước khi phân bổ nguồn lực và nhân lực vào một dự án, các công cụ vũ trụ ảo công nghiệp sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong việc giải quyết các vấn đề trong thế giới thực theo cách số hóa.
Sự tích hợp liền mạch giữa thế giới thực và ảo giúp cho việc vận hành công việc trở nên dễ tiếp cận và tiết kiệm chi phí hơn. Hơn nữa, hiệu suất tài nguyên được hỗ trợ bởi các giải pháp vũ trụ ảo công nghiệp có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và thúc đẩy tiến trình hướng tới các mục tiêu về bền vững và khả năng phục hồi.
PV: Vậy theo ông, Vũ trụ ảo Công nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững hay không?
Tiến sỹ Phạm Thái Lai: Vũ trụ ảo công nghiệp hoàn toàn có thể là một công cụ mạnh mẽ trong việc thúc đẩy tính bền vững, hỗ trợ các công ty sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, giảm chất thải và xây dựng các giải pháp xanh hơn. Bằng cách sử dụng mô phỏng ảo và bản sao số, các công ty có thể đưa ra quyết định bền vững trong thời gian thực và dự đoán các tác động môi trường ngay cả trước khi sử dụng các nguồn tài nguyên.
Theo Accenture, ngay cả bản sao số hiện tại cũng có thể giúp tiết kiệm khoảng 7,5 tỷ gigaton CO2 trong một thập kỷ. Để đảm bảo tính bền vững của chính vũ trụ ảo công nghiệp, năng lượng tái tạo, hiệu quả sử dụng năng lượng và việc tính toán lượng carbon một cách minh bạch là rất quan trọng, do nhu cầu sử dụng năng lượng cao của các trung tâm dữ liệu.
PV: Vậy ông có thể đưa ra khuyến nghị với các doanh nghiệp để khai thác lợi ích của Vũ trụ ảo Công nghiệp?
Tiến sỹ Phạm Thái Lai: Theo tôi, để tận dụng triệt để tiềm năng của Vũ trụ ảo Công nghiệp, các doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển, triển khai công nghệ cũng như giáo dục và đào tạo nhân viên. Chiến lược số hóa nên khuyến khích sự cởi mở và hợp táccả trong công ty và với các đối tác bên ngoài. Sự tham gia tích cực vào các hệ sinh thái mạnh ngày càng trở nên quan trọng để khai thác toàn bộ lợi ích của vũ trụ ảo. Hơn nữa, việc chuẩn bị và trao quyền cho nhân viên trong thế giới số là hết sức cần thiết. Sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo và mô phỏng có thể tạo ra cơ hội việc làm tốt hơn và mở ra những con đường mới cho sự đổi mới và phát triển.
PV: Vậy bản sao số đóng góp như thế nào cho sự phát triển và vận hành của Vũ trụ ảo Công nghiệp, thưa ông?
Tiến sỹ Phạm Thái Lai: Bản sao số đóng vai trò là nền tảng của vũ trụ ảo công nghiệp, nâng cao khả năng ra quyết định, cho phép sao chép và mô phỏng theo thời gian thực, thúc đẩy khả năng tích hợp và hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho các trải nghiệm phong phú. Sự kết hợp giữa bản sao số và vũ trụ ảo này mang lại giá trị đáng kể cho doanh nghiệp bằng cách loại bỏ những hạn chế và rủi ro vốn có trong thế giới vật lý, từ đó mở ra những cơ hội mới.
PV: Ông có thể chia sẻ một vài dự án thú vị của Siemens đã và đang tận dụng sức mạnh của Vũ trụ ảo Công nghiệp, trong đó Bản sao số đóng vai trò trọng tâm?
Tiến sỹ Phạm Thái Lai: Siemens có một số dự án thú vị cho thấy lợi ích từ vũ trụ ảo công nghiệp, chẳng hạn như Siemens đang sử dụng bản sao số để giảm 50% lượng phát thải của các tòa nhà, nâng cao hiệu quả hoạt động lên 35% và tăng năng suất lao động của con người lên 20%. Một ví dụ khác là Nhà máy Số của Siemens tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc được mô phỏng bằng bản sao số, giúp tối ưu hóa cơ sở vật chất, đồng thời phát hiện và giảm thiểu các vấn đề tiềm ẩn ở giai đoạn đầu. Các sai sót trong quy hoạch, từ nhỏ đến lớn, trước đây có thể tốn rất nhiều tiền và thời gian, nay đã hoàn toàn tránh được. Chúng tôi tiếp tục sử dụng sức mạnh của mô phỏng trong quá trình vận hành. Lợi ích thực sự của nhà máy số này là công suất sản xuất tăng 200% và năng suất tăng 20%.
Đáng chú ý nữa là sự hợp tác giữa Siemens, Nvidia và AWS đang xây dựng các siêu nhà máy (gigafactories) cho công ty Pin FREYR ở Na Uy và Hoa Kỳ. Chúng tôi tận dụng vũ trụ ảo công nghiệp để tối ưu hóa thiết kế, vận hành và hiệu quả của nhà máy, từ đó tăng khả năng cung cấp của hệ thống lưu trữ năng lượng và pin xe điện hiệu suất cao với giá cả phải chăng. Sự hợp tác này cũng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành công nghiệp ô tô và lưới điện.
Siemens coi bản sao số là một phần quan trọng của Vũ trụ ảo Công nghiệp, cung cấp một nền tảng cho việc học tập trải nghiệm và giải quyết vấn đề, mô phỏng các hệ thống trong thế giới thực và thúc đẩy những thay đổi mang tính chuyển đổi trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
PV: Trân trọng cám ơn ông !