Không còn lò nung gốm bằng than, toàn dân xã Bát Tràng đang hội nhập sâu vào phong trào rất “hot” hiện nay, đó là tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Người sớm có tâm huyết về việc bảo vệ môi trường nhất Bát Tràng, cũng chính là người biết cụ thể hóa tâm huyết đó bằng hành động thiết thực từ sớm nhất chính là ông Lê Đức Trọng – Giám đốc Công ty Sản xuất & thiết kế gốm sứ Bát Tràng.
Dân Bát Tràng gọi ông Trọng là “vua lò” bởi ông và Công ty của ông và bản thân ông gần như đã gắn bó cả cuộc đời mình cho ngọn lửa của làng nghề gốm Bát Tràng luôn rực cháy đúng theo nghĩa đen của nó. Người gốc Bát Tràng, say mê nghiên cứu, thiết kế, cải tạo, sửa chữa,... nói chung là mọi khâu liên quan đến lò nung gốm. Lê Đức Trọng, từ trẻ đã sớm có những chiêm nghiệm, tìm tòi và suy nghĩ về một tương lai phát triển tất yếu của lò nung gốm thủ công. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi Bát Tràng đang trở thành điểm nóng của ô nhiễm không khí từ các lò nung gốm bằng than và hệ lụy của nó là nhiều người dân trong xã bị bệnh ung thư, một ý tưởng rõ như ban ngày đã hình thành trong người thợ kỹ thuật Lê Đức Trọng, đó là phải chuyển đổi phương thức lò nung, phải tìm nhiên liệu khác thay thế những chiếc lò than cũ kỹ và chứa đầy hiểm họa. Thế là với kiến thức của một phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của một xí nghiệp gốm sứ, được bồi đặp thêm bởi nhiều năm bôn ba bên Trung Quốc tìm hiểu về công nghệ làm gốm, nung gốm, rồi những thử nghiệm thành công lẫn thất bại ngay tại quê hương, Lê Đức Trọng đã mạnh dạn cho ra đời những chiếc lò ga bông gốm, còn gọi là lò con thoi. Bán chiếc xe Dream, vay thêm tiền, ông tự chế chiếc lò gas nung gốm 9m3 đầu tiên từ gạch ống khói. Ông Trọng hiểu rằng, yếu tố then chốt trong việc tiết kiệm năng lượng cho lò nung thực chất là giải quyết tốt vấn đề cháy - nghĩa là nhiệt tỏa đều, sản phẩm chín đều, chín tới trong một khoảng thời gian tối ưu. Chiếc lò đã thành công, chế độ cháy khuyếch tán đã rút ngắn thời gian đốt xuống từ 20- 24%, giảm tiêu hao nhiên liệu trên 30%, chất lượng sản phẩm nung cao, ổn định, thu hồi 98-99% sản phẩm, trong khi đó, giá thành đầu tư ban đầu chỉ khoảng 50% so với giá lò nhập ngoại. Sau đó, với chiếc lò đầu tiên, ông Trọng bắt đầu hốt bạc chỉ bằng cách: nhận đốt thuê. Chỉ sau 6 tháng, vốn đầu tư đã được thu hồi hoàn toàn. Phấn khởi, vững tin, Lê Đức Trọng bắt tay vào làm 2 chiếc lò mới có công suất là 18m3. Thành công lại mỉm cười với ông. Từ đó, ông Trọng với Công ty Sản xuất & Thiết kế gốm sứ Bát Tràng có thêm niềm tin để hết mình theo đuổi sự nghiệp cải tiến công nghệ cho ra đời những chiếc lò con thoi có hiệu suất cao.
Bát Tràng khi đó đang đứng trước lựa chọn sống còn. Giá than tăng cao, ngày càng khan hiếm, đã thế sản phẩm gốm khi ra lò chất lượng rất thấp, khả năng cạnh tranh kém. Phải đổi mới công nghệ lò nung mới mong phát triển bền vững. Và người Bát Tràng đã dần dần tiếp nhận những chiếc lò mới. Lò con thoi đã được dùng rộng rãi trong làng gốm sứ bởi được điều khiển bằng ga lỏng với vòi đốt tự nhiên, hầu như không cần đến quạt gió (không cần đến điện). Quy trình vận hành lò lại rất đơn giản, không phức tạp như trước đây. Nét khác biệt cơ bản ở đây là lò đốt cháy ngọn lửa cao và nhiệt lượng đều xung quanh lò, nhiệt trị cao (có thể nung các sản phẩm khác nhau với nhiệt độ nung từ 1.600 - 1.800 độ C), sạch, ít tạp chất, hầu như không chứa lưu huỳnh, áp suất khí lại tương đối cao, dễ bắt lửa, dễ trộn lẫn với không khí và có thể đốt với lưu lượng từ rất nhỏ đến lớn. Việc điều chỉnh nhiệt độ hay tốc độ nâng nhiệt độ trong lò tương đối đơn giản bằng chỉnh áp lực khí. Tính ưu việt của lò đã rõ, chỉ còn vấn đề là tài chính và thời gian.
Đúng lúc này thì UBND xã Bát Tràng cùng Hiệp hội gốm sứ cũng tích cực vận động bà con chuyển đổi công nghệ lò nung than sang sử dụng gas nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tháng 10/2003, ông Lê Đức Trọng gặp ông Lê Bá Vinh, Giám đốc Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ (PECSME)” phối hợp bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF). Và khi nhận được lời mời, ông Trọng đã tham gia Dự án. Năm 2004, để chuyển giao dây chuyền đến với các doanh nghiệp gốm sứ Bát Tràng cũng như mở rộng địa bàn trên cả nước, Công ty Sản xuất & Thiết kế gốm sứ Bát Tràng cùng ông Trọng đã phối hợp với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, các chuyên gia đầu ngành để hoàn thiện thêm công nghệ, tập huấn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ mô hình trình diễn ở Bát Tràng cũng như ở Bình Dương. Kết quả cho thấy, lò cũ một năm thải ra môi trường 256,8 tấn CO2, chất thải rắn là 48 tấn, trong khi đó, đối với lò đã được cải tạo lại, một năm thải chỉ khoảng 89 tấn CO2, sấy khói thải không còn. Công ty đã nghiên cứu buồng sấy mộc để tái sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng, một lò nung dung tích 9m3 có thể cung cấp nhiệt lượng để sấy khô một buồng sấy mộc dung tích 30m3. Những thông số phức tạp này cho thấy một điều rất đơn giản: dùng lò mới có lợi hơn lò cũ. Và Bát Tràng chỉ cần có thế.
Đã có gần 100 dự án được thực hiện tại Bát Tràng, trong đó có 28 hộ được bảo lãnh vốn vay để chuyển đổi từ lò than sang lò ga TKNL trong chương trình “Thúc đẩy ứng dụng lò ga nung gốm tiết kiệm năng lượng”. Thời gian tới, với sự hỗ trợ thêm từ tổ chức JICA (Nhật Bản), dự án phấn đấu đạt mục tiêu thay thế toàn bộ lò nung than bằng lò nung ga.
Còn ông Trọng, vẫn với lòng say mê nghiên cứu, thiết kế lò gas nung gốm tiết kiệm năng lượng, đã trở thành một “tuyên truyền viên” tiêu biểu cho xã Bát Tràng, cho một sự hưởng ứng, vận dụng và làm theo một chiến dịch rất có lợi là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của toàn thể những người thợ gốm tiến bộ của ngôi làng làm nghề gốm truyền thống ven sông Hồng này.
“Vua lò’’ đất Bát Tràng
TCCT
Đã lâu không về thăm Bát Tràng. Nơi đây đã đổi khác nhiều quá. Các showroom hoành tráng đua nhau mọc ra, cái nào cũng thật gây ấn tượng. Đường làng bằng bê tông ngay ngắn, sạch sẽ, cảnh lầy lội, bùn đ